Thanh Hóa: Tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản
(TN&MT) - Thời gian qua, công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng hợp lý, hiệu quả đã góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiềm năng khoáng sản phong phú
Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng khoáng sản khá phong phú và đa dạng, bao gồm các loại quặng sắt, đồng, secpentin, barit, các loại đá xây dựng (spilit, silic, ryolit, bazan,…), các loại đất san lấp, đất sét, cát, sỏi,…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 320 Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh đã cấp phép còn hiệu lực, gồm: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 212 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 168,0 triệu m3; tổng công suất khoảng 8,5 triệu m3/năm; Cát làm vật liệu xây dựng thông thường: 28 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 6,7 triệu m3; tổng công suất năm 0,72 triệu m3/năm; Đất làm vật liệu san lấp: 53 Giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 43,2 triệu m3; công suất khai thác khoảng 5,3 triệu m3/năm; Quặng sắt, đồng: 2 Giấy phép; Đất sét làm gạch, phụ gia sản xuất phân bón 25 Giấy phép.
Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố và Chủ đầu tư các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh (có 27 huyện, thị xã, thành phố và 6 ban quản lý có văn bản báo cáo) tổng số dự án, công trình thi công giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 3.106 công trình,
Như vậy, về nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 đến 2025, qua cân đối cho thấy các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác có công suất chưa đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình trên địa bàn tỉnh theo như dự báo trên.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết: Để bổ sung nguồn vật liệu đất san lấp, cát cho các công trình trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, đã tham mưu UBND tỉnh phê phương án đấu giá 40 mỏ; đã tổ chức đấu giá 28 mỏ, còn lại 12 mỏ dự kiến hoàn thành đấu giá trong tháng IV/2024. Hiện nay các mỏ đơn vị trúng đấu giá đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép, sẽ hoàn thành việc cấp phép, bổ sung được nguồn vật liệu cho các dự án trên địa bàn.
Chỉ đạo quyết liệt
Trong thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đúng các quy định ban hành trong Luật Khoáng sản. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản đã từng bước giảm bớt cơ chế xin - cho thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS), thời hạn cấp phép dài hơn (cấp theo dự án, có thời gian không quá 30 năm), tạo điều kiện cho các đơn vị yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Công tác đấu giá quyền KTKS được triển khai thực hiện đạt được hiệu quả tốt.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; hoạt động kinh doanh, lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông. Thực hiện 18 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các thông tin phản ảnh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra đã thông tin kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thôn tin đến các cơ quan báo, đài và người dân; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Qua những đợt thanh tra, kiểm tra, Sở đã phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Phòng Tài nguyên Khoáng sản cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra các mỏ khoáng sản trình Giám đốc Sở TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 55/QĐ-STNMT ngày 17/01/2024 trong đó khoáng sản tổ chức kiểm tra 18 mỏ cát. Dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra trong Quý IV/2024.
Để thực hiện bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2024 cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đến các tổ chức, cá nhân để mọi người dân hiểu, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời nâng cáo ý thức chấp hành pháp luật. Tiếp tục rà soát tăng cường công tác kiểm tra. Ngoài các đợt kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề, cụ thể đối với các đơn vị để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.
Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh trong đó có quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ 31 quan, đơn vị quản lý nhà nước trong công tác quản lý khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh;
Tiếp tục rà soát, đôn đốc và đề xuất UBND tỉnh đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các đơn vị chưa hoàn thành việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát.