Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm “nóng” Nghị trường, Bộ trưởng Y tế mong muốn có Nghị quyết cấm
(TN&MT) - Trả lời chất vấn đại biểu chiều 11/11, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh về số người sử dụng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ. Đồng thời, người đứng đầu ngành Y tế đề xuất có Nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cấm thuốc lá điện tử
Là người tham gia chất vấn đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu rõ, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đánh giá về thực trạng này và giải pháp kiểm soát tình hình này?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã triển khai được hơn 10 năm. Khi xây dựng luật thời điểm đó thì chưa xuất hiện thuốc lá mới, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Bộ trưởng dẫn số liệu điều tra tại 34 tỉnh, thành vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020. Trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15-24 tuổi (7,3%). Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi cho thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong nhóm học sinh 13-17 tuổi tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Nhóm 13-15 tuổi tăng từ 3,5-8%. Nữ giới 11-18 tuổi cũng tăng 4,3%.
Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động chi tiết để trình Chính phủ, trong đó tổng hợp những nội dung, căn cứ khoa học mà thế giới áp dụng. Báo cáo khẳng định việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có nhiều chất hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Chúng tôi cũng mang đến đây một số hình ảnh liên quan tới thuốc lá điện tử. Chúng tôi cũng đã có báo cáo với Ủy ban Xã hội về thuốc lá điện tử có nhiều hình thức bắt mắt. Ai có thể hình dung đây là điếu thuốc lá điện tử không. Những sản phẩm này được đưa ra thị trường với tính hấp dẫn, thu hút giới trẻ rất nhiều", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói và cầm trên tay 2 mẫu thuốc lá điện tử được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau.
Có nhiều báo cáo khoa học đã đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến tim, gan, loạn thần. Năm 2023 có 1.234 người điều trị liên quan tới thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ trưởng Y tế cho biết, trong bối cánh 1 năm có tới 40.000 người mắc bệnh và bị ảnh hưởng tới sức khỏe bởi thuốc lá bình thường, "bây giờ lại thêm thuốc lá điện tử thì nguy cơ rất cao đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là giới trẻ".
Mặc dù chưa có quy định cho phép bán nhưng Bộ trưởng Y tế cho hay, do lợi nhuận, hình thức tiếp thị của các công ty nước ngoài, nhập lậu nên thuốc lá này vẫn xuất hiện trên thị trường.
Bộ trưởng Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Ngày 29/9, tại phiên họp Quốc hội trẻ em giả định với 306 em, 100% các em đã đồng ý đề xuất với Quốc hội cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. "Đây là những nguyện vọng chúng ta cần lắng nghe trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách. Trên cơ sở như vậy chúng tôi cũng mong muốn đề xuất nội dung này tại kỳ họp hôm nay. Nếu nghị quyết của Quốc hội đưa ra việc đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì đây là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?
Tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của thuốc lá này. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này?
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội, Điều 12 có quy định trường hợp thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định thì các sản phẩm thuốc lá mới sẽ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về quy định này?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tham gia vào công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về việc có thể xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, chất kích thích cho trẻ em ở địa phương hay không?
Bộ trưởng cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá với 9 nhóm nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian vừa qua. Trong các nhóm nhiệm vụ của Quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.
Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá. Đó là các bệnh viện trực thuộc Bô Y tế. Trong đó có rất nhiều bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế…Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.