Môi trường

Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững

Thủy Nhi 09/11/2024 - 22:08

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (Bộ Xây Dựng) đã tổ chức Hội thảo "Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững".

hiep.jpg
TS. Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng), ngành công nghiệp VLXD cho biết, trong 10 năm vừa qua, tổng năng lực sản xuất các VLXD chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung.

img_0120(1).jpg
Hội thảo "Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững"
do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (Bộ Xây Dựng) tổ chức

Trong đó, sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Chất lượng VLXD Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành VLXD ước đạt 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11% GDP quốc gia, tạo ra nhiều việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt ngành công ngiệp VLXD đã đầu tư và xử lý rác thải trong các lò nung sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

thanh.jpg
PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại Hội thảo

PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng, định hướng phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD là hướng đến xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đản bảo an ninh quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chỉ số phát thải thấp, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD không những quan tâm đến quá trình chuyển đổi công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng trong quá trình sản xuất mà còn quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường như đầu tư mới hoặc chuyển đổi hệ thống các thiết bị lọc bụi, khử khí độc, chống nóng, chống ồn ở những vị trí phát sinh ô nhiễm trong quá trình sản xuất; Lắp đặt hệ thống tận thu nhiệt thừa trong sản xuất để phát điện trong nhà máy xi măng, lò lung gốm ốp lát, sứ vệ sinh, gạch đất sét nung.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi, giám sát môi trường như khí thải, bụi, tiếng ồn tự động và xây dựng quy trình giám sát chất lượng môi trường, kết nối trực tuyến với các cơ quan quản lý; Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn giúp xử lý và tái sử dụng 100% nước thải từ quá trình sản xuất, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu tác động đến môi trường; Sử dụng công nghệ đốt triệt để trong các lò nung giúp giảm thiểu khí C02 đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người lao động và môi trường xung quanh; Xây dựng hệ thống điện áp mái để phục vụ sản xuất hoặc chuyển đổi nhiên liệu sản xuất sang nhiên liệu sạch thay thế khí hoá than trong sản xuất bằng khí CNG, LPG...

e44ff6aed8e363bd3af2.jpg
Công ty APOLLO SILICONE mang đến giải pháp "Chất trám Silicone cho mặt dựng kính nhà cao tầng - một thành phần quan trọng trong thiết kế bền vững"

Tuy nhiên, các đại biểu đều nhận định, từ năm 2023 đến nay, trước tìtnh hình thế giới có nhiều "rủi ro và bất ổn kéo dài"; thị trường bất động sản trầm lắng; giá nguyên liệu tăng cao; tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXD lại đang khó khăn. Nhiều DN đã phải dừng toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất, thua lỗ kéo dài, tình trạng nợ xấu tăng cao. Niềm tin vào kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành đang xuống mức thấp đáng báo động, các DN phải gồng mình để vượt qua thời điểm khó khăn này.

quang-canh(1).jpg
Quang cảnh Hội thảo

Do vậy, Hội VLXD Việt Nam kiến nghị, về tháo gỡ trước mắt cần có chính sách để tiếp tục giảm lãi suất vốn vay. Trong thời gian qua lãi suất vốn vay cũng đã có giảm, nhưng vẫn còn quá cao khiến cho việc giảm chi phí tài chính của DN rất khó khả thi.

Giảm thuế suất, thuế xuất khẩu cho các mặt hàng VLXD về đúng tinh thần quy định trong Luật Thuế, cụ thể là clinke xi măng, đá ốp lát tự nhiên. Hiện nay, các mặt hàng này chịu thuế ở mức cao như xuất khẩu khoáng sản thô.

Về lâu dài, Nhà nước cần duy trì và tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ mới, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cũng như cải tiến công nghệ. Đồng thời, duy trì và thúc đẩy việc thực hiện chính sách tăng cường sản xuất và ứng dụng VLXD thân thiện, đặc biệt là việc sử dụng; có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế sản xuất VLXD.

Thủy Nhi