Thừa Thiên - Huế nỗ lực xây dựng, hoàn thiện CSDLĐĐ
(TN&MT) - Việc xây dựng CSDLĐĐ đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế nỗ lực hoàn thiện, qua đó vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, thực hiện các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về đo đạc lập hồ sơ địa chính, xây dựng CSDLĐĐ trên địa bàn, Sở đã tham mưu tổ chức thực hiện và đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, đã hoàn thành hệ thống bản đồ địa chính trên toàn tỉnh đảm bảo phục vụ các yêu cầu về quản lý đất đai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ dữ liệu bản đồ và hồ sơ địa chính, Sở đã tổ chức xây dựng CSDLĐĐ đối với các loại đất trên địa bàn toàn tỉnh (ngoại trừ đất lâm nghiệp được thực hiện từ năm 2008 có nhiều biến động chưa được cập nhật, phương pháp đo đạc chưa đảm bảo độ chính xác theo quy định).
Hệ thống CSDLĐĐ, đặc biệt dữ liệu địa chính đảm bảo kết nối, chia sẻ, liên thông thuận lợi trong các giao dịch và thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho mọi đối tượng. Trong đó, hệ thống thông tin đất đai tỉnh được xây dựng có hơn 1.089.557 thửa đất đang vận hành, khai thác, xử lý trực tuyến trên Hệ thống thông tin đất đai tập trung; có 540.790 thửa đầy đủ các thành phần dữ liệu theo quy định kỹ thuật về CSDLĐĐ tại Thông tư 75/2015/TT-BTNMT (thửa đã được xuất, ký sổ địa chính điện tử), đạt tỷ lệ 49,69 % số thửa đất hoàn thành xây dựng CSDL địa chính.
Từ khi triển khai sử dụng hệ thống thông tin quản lý đất đai (tháng 6/2023) đến nay, đã tiếp nhận giải quyết 91.444 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 47.453 hồ sơ giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 43.991 hồ sơ giải quyết quy trình nội bộ; liên thông thuế điện tử hơn 30.000 hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính từ các Chi nhánh Văn phòng đăng ký sang cơ quan thuế.
Hệ thống thông tin đất đai đang vận hành đáp ứng đầy đủ các chức năng quản lý, khai thác, chia sẻ liên thông dữ liệu giữa Văn phòng đăng ký đất đai với phần mềm “Một cửa điện tử”, phần mềm xử lý nghiệp vụ của cơ quan thuế; đảm bảo 100% thực hiện trên môi trường điện tử, từ khâu tiếp nhận, xử lý và trả kết quả. Ngoài ra, Hệ thống thông tin đất đai đã kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia NLIS; kết nối chia sẻ CSDLĐĐ với CSDL Quốc gia về dân cư…
Dù đạt những kết quả nhất định tuy nhiên, CSDL địa chính xây dựng trong thời gian qua vẫn chưa được hoàn thiện, còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn… Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện hoàn thành CSDLĐĐ tỉnh hướng tới đến kết nối đồng bộ với CSDL quốc gia về đất đai theo định hướng của Bộ TN&MT, ngày 4/10/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia về đất đai trên địa bàn tỉnh để đến năm 2025, CSDLĐĐ của tỉnh vận hành đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật.
Tỉnh sẽ tổ chức rà soát, đánh giá chi tiết theo đơn vị hành chính các cấp về hiện trạng hệ thống CSDLĐĐ; ưu tiên xây dựng, hoàn thiện dữ liệu địa chính; từng bước hoàn thành các dữ liệu thành phần; tổ chức đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm đang vận hành để có phương án lựa chọn đảm bảo kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về đất đai; triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh; tạo thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
“Tài nguyên đất đai là nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng hoàn chỉnh CSDLĐĐ cho tỉnh Thừa Thiên - Huế rất cần thiết nhưng phải có một chiến lược dài hạn với các mục tiêu và phương pháp cụ thể, mô hình hiện đại, thông suốt. Tỉnh phấn đấu đến năm hết 2025 sẽ xây dựng hoàn thiện CSDLĐĐ, kết nối đồng bộ với CSDLĐĐ quốc gia, quản lý khai thác đồng bộ 4 cấp (xã – huyện – tỉnh – Trung ương) đúng với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…”, ông Trường nói.