Một luật sửa 4 luật về đầu tư: Xử lý quy định của các luật có mâu thuẫn, vướng mắc
Chiều 6/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật với 106 lượt ý kiến phát biểu; cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, xử lý một số quy định của các luật có mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách phải sửa đổi ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tại phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH thảo luận về dự thảo luật, tập trung vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Lưu ý các nội dung về phạm vi sửa đổi luật, đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung, tính thống nhất của dự án luật với hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật đang trình Quốc hội sửa đổi sẽ thông qua tại kỳ họp này, các quy định trong dự thảo luật cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung, đánh giá tác động, làm rõ, thuyết minh hoặc cần cân nhắc việc luật hóa.
Đảm bảo thống nhất trong nội dung quy hoạch khoáng sản
Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, báo cáo thẩm tra số 3266 của Ủy ban Kinh tế có nêu tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó có đề xuất sửa đổi một số nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh, nếu không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch thì chưa phù hợp.
Theo đại biểu, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản chiều ngày hôm qua (5/11), nhiều ĐBQH đã kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy định về điều chỉnh quy hoạch trong các luật liên quan. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất của dự án luật sửa đổi 4 luật, cụ thể là Luật Quy hoạch với hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến nội dung quy hoạch khoáng sản, đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch. Hiện nay, Điều 15 của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có quy định về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, trong đó có nội dung "việc điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về địa chất, khoáng sản". Nội dung này đã được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội theo báo cáo số 724 ngày 25/10/2024. Ngoài ra, nội dung điều chỉnh quy hoạch cục bộ này đã có tiền lệ là được quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Tài nguyên nước. Mặc dù, dự thảo Luật Quy hoạch lần này đã bổ sung Điều 54a về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này sẽ không phù hợp với một số trường hợp khi cần điều chỉnh ngay trong nội bộ một khu vực quy hoạch. Đại biểu lấy ví dụ như thay đổi chỉnh lý tên khu vực khoáng sản, tên, loại, khoáng sản, tài nguyên, trữ lượng, tọa độ, điểm khép góc, hoặc khi cần điều chỉnh cục bộ phương án quản lý về địa chất, khoáng sản được tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Ví dụ như trường hợp một số mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần huy động gấp để phục vụ các dự án theo nghị quyết của Quốc hội. v.v.. Từ phân tích nêu trên, đại biểu kiến nghị tại khoản 15 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi 4 luật cần xem xét, bổ sung nội dung về điều chỉnh cục bộ quy hoạch như quy hoạch khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch, theo đại biểu, để đảm bảo mục tiêu rút gọn, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn gắn với trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch thì việc xem xét, phân cấp thẩm quyền duyệt điều chỉnh quy hoạch cho bộ, chính quyền địa phương trong trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch là rất cần thiết. Do đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị bổ sung điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 54a nội dung về phân cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch như sau: “Đối với quy hoạch ngành quốc gia, bộ trưởng bộ chủ trì lập quy hoạch ngành quốc gia phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với quy hoạch tỉnh thì Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo trình tự rút gọn”.
Một vấn đề khác, đại biểu cho biết, hiện nay dự thảo Luật Đia chất và Khoáng sản đang quy định về điều chỉnh phương án quản lý về địa chất, khoáng sản. Do vậy, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung điểm n khoản 2 Điều 27 của Luật Quy hoạch như sau: “Phương án bảo vệ môi trường khai thác sử dụng bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản”.
“Việc nghiên cứu, bổ sung 3 nội dung nêu trên khi sửa đổi Luật Quy hoạch lần này để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong thực tiễn đặt ra; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm bộ và địa phương quyết định thực hiện và chịu trách nhiệm trong khi Quốc hội, Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đột phá trong phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Phát biểu thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với việc Chính phủ trình Quốc hội để thông qua Luật sửa 4 luật. Góp ý vào Luật Quy hoạch, đại biểu cho rằng việc sửa Luật Quy hoạch lần này cần bảo đảm đáp ứng các yêu cầu tại Nghị quyết số 61 ngày 16/6/2022 của Quốc hội đã đề ra, đặc biệt là khắc phục những các bất cập, hạn chế. Đại biểu hoan nghênh Chính phủ đã trình việc sửa Điều 45 về kế hoạch thực hiện quy hoạch, Điều 51 về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch và bổ sung Điều 54a về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 55.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trước đây đối với quy hoạch các ngành, lĩnh vực có nhiều loại quy hoạch và vừa qua khi thiết kế luật quy hoạch có gom những các quy hoạch đó để thành một quy hoạch của ngành hoặc đưa xuống quy hoạch cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng, trên thực tế, việc bao quát cũng chưa bảo đảm, ví dụ như trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, trước kia mỗi một loại khoáng sản có một quy hoạch và quy hoạch có nhiều nhân tố bên ngoài tác động, ảnh hưởng đến chất lượng. Ví dụ như bối cảnh, tình hình, đặc biệt là công tác điều tra cơ bản thông tin dữ liệu, công tác dự báo có những hạn chế. Yêu cầu đặt ra là cần có sự điều chỉnh một cách linh hoạt, kịp thời.
Từ những phân tích trên, để đảm bảo yêu cầu trước mắt, đại biểu Tạ Đình Thi tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn Long An và đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn Quảng Bình, là cần nghiên cứu để xem xét cho phép việc điều chỉnh cục bộ đối với các quy hoạch ngành quốc gia và xem xét để phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng quản lý ngành hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, kể cả việc phân cấp đối với việc phê duyệt kế hoạch, điều này cũng phù hợp với cả chủ trương đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, đi đôi với phân quyền cần phải có các chế tài để kiểm soát được quyền lực trong công tác quy hoạch cũng như hạn chế việc lạm quyền trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu. Quan điểm khi xây dựng dự thảo 1 luật sửa 4 luật là vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, bám sát thực tiễn, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Tập trung vào những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh, có sự đồng thuận cao.
Đối với dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, các đại biểu nói nhiều đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo quy trình, thủ tục rút gọn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian và theo như tính toán sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày, đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay. Hai là việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp của chúng ta. Ba là xác định được rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng được kịp thời các yêu cầu phát triển. Như vậy, đối tượng đã được tương đối rõ ràng và minh bạch.
Đối với dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, các đại biểu có rất nhiều ý kiến về thủ tục đầu tư đặc biệt. Theo Bộ trưởng, lần này Chính phủ đã thiết kế “luồng xanh” để thu hút đầu tư. Bộ trưởng nêu lại ví dụ ở Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày, Dubai xây dựng một thành phố 600 hecta, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD làm đúng 5 năm… cho thấy sự cấp bách của việc tạo môi trường thuận lợi hấp dẫn đầu tư, ưu tiên hậu kiểm. Đây cũng là lý do Chính phủ bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt. Riêng với đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng thêm khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung, Bộ trưởng cho biết Chính phủ thống nhất sẽ làm rõ hơn đối tượng này và bổ sung sau.