Xã hội

Bảo Yên (Lào Cai): Đồng bộ nhiều giải pháp trong giảm nghèo

Bích Hợp 06/11/2024 - 18:39

(TN&MT) - Phát triển các mô hình nông nghiệp, ưu đãi chính sách tín dụng, tăng cường tuyên truyền, thi đua và thực hiện các dự án giảm nghèo là các giải pháp mà huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang triển khai nhằm đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững.

Vậy huyện Bảo Yên đã làm thế nào để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết kết quả của công tác giảm nghèo của huyện Bảo Yên thời gian qua?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó những năm qua, huyện Bảo Yên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để công tác giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững. Nhờ đó mà công tác giảm nghèo của Bảo Yên đã đạt được kết quả khả quan.

Cụ thể, năm 2022, số hộ nghèo của huyện Bảo Yên là 2.663 hộ, tỷ lệ 12,52%; số hộ cận nghèo 2.440 hộ, tỷ lệ 11,48%. Đến năm 2023 số hộ nghèo của huyện là 1.708 hộ, tỷ lệ 8,01%. Số hộ nghèo giảm 955 hộ, tương đương tỷ lệ giảm 4,51% so với năm 2022.

anh-dung.jpg
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Năm 2024, Bảo Yên phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân toàn huyện đạt từ 3,0% trở lên, tương đương giảm từ 641 hộ nghèo trở lên; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo đạt từ 1,70% trở lên, tương đương giảm 363 hộ cận nghèo trở lên; Tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt 3,5% trở lên; Tỷ lệ tái nghèo dưới 01%; Phấn đấu 14/16 xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Ước thực hiện hết 8 tháng đầu năm 2024, số hộ nghèo giảm 570 hộ, tương đương tỷ lệ giảm 2,67%, đạt 89% kế hoạch năm. Số hộ nghèo còn lại 1.138 hộ, tỷ lệ 5,34%.

Có được kết quả này là nhờ có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân trong huyện. Người dân nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo bằng việc phát triển các mô hình kinh tế, ưu đãi chính sách tín dụng, tăng cường tuyên truyền, thi đua và thực hiện các dự án giảm nghèo là các biện pháp mà huyện Bảo Yên chúng tôi đang triển khai nhằm đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn về các mô hình phát triển kinh tế mà huyện Bảo Yên đang triển khai để công tác giảm nghèo đi vào bền vững?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Để công tác giảm nghèo đi vào bền vững và huyện Bảo Yên đạt được những con số ấn tượng trong giảm nghèo thì phải kể đến vai trò của các mô hình phát triển kinh tế mà huyện Bảo Yên chúng tôi đã và đang triển khai.

trong-que.jpg
Cây quế là một loại cây chủ lực giúp huyện Bảo Yên bứt phá trong công tác giảm nghèo.

Cụ thể, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, Bảo Yên tiếp tục triển khai thực hiện 08 Dự án năm 2023 chuyển sang thuộc 03 nguồn vốn: Dân tộc thiểu số miền núi; Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, dự án liên kết sản xuất Quế theo chuỗi giá trị theo hướng hữu cơ thuộc Nguồn vốn DTTS và miền núi và nguồn vốn Giảm nghèo bền vững.

Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn
VietGAP thuộc Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và nguồn GNBV.

Dự án phát triển vùng cây ăn quả nhiệt đới cây ăn quả theo chuỗi giá trị (Thanh long, Bưởi…) thuộc Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và nguồn DTTS&MN.
Dự án liên kết phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ; khảo nghiệm mô hình trồng xen cây Mắc ca trên chè để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác lồng ghép vốn giảm nghèo bền vững và nguồn vốn nông thôn mới. Dự án phát triển trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị thuộc Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

trong-chuoi.jpg
Mô hình trồng chuối đang là một trong những mô hình giảm nghèo của huyện Bảo Yên,

Bên cạnh đó, UBND huyện Bảo Yên cũng chủ động sử dụng ngân sách huyện để thực hiện xây dựng mô hình liên kết trồng Cam theo chuỗi giá trị trên địa bàn các xã Phúc Khánh, Lương Sơn và Việt Tiến để hỗ trợ nhân dân thực hiện liên kết sản xuất những cây trồng tiềm năng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có gần 30ha Cam.

Song song với phát triển các mô hình Bảo Yên cũng áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo. 9 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn tín dụng tại Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân được 124.343 triệu đồng cho 2.190 khách hàng vay vốn, trong đó có 212 hộ nghèo, 175 hộ cận nghèo, 334 hộ thoát nghèo. Tổng dư nợ của 17 chương trình tín dụng đạt 635.956 triệu đồng, với 10.179 hộ được vay vốn.

PV: Thưa ông, vậy trong công tác giảm nghèo thì huyện Bảo Yên đã gặp phải những thách thức gì?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Trong công tác giảm nghèo huyện Bảo Yên cũng gặp phải muôn vàn khó khăn như: Do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Một bộ phận người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nghề nên không chủ động đăng ký học nghề, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

nuoi-tam.jpg
Trồng dâu - nuôi tằm đang là một trong những mô hình đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế tại huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Một bộ phận người dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ cho không từ Nhà nước, không phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo.
Năng lực, trình độ và khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Còn tại các mô hình phát triển kinh tế như vướng mắc trong giải ngân, trong đối tượng tham gia các dự án, mô hình; Đối tượng thụ hưởng của các dự án từ nguồn vốn CTMTQG là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đa số không có đất để sản xuất và không có tiền để đối ứng phần vật tư…

Trình độ nhận thức của đại bộ phận Nhân dân còn hạn chế, đa số vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Vẫn còn tư tưởng bảo thủ, chậm tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, sản xuất chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược xây dựng các nhà máy chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị. Thị trường tiêu thụ các loại nông sản thiếu ổn định; một số sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc…

PV: Trong thời gian tiếp theo huyện Bảo Yên có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dũng: Trong thời gian tới, để công giảm nghèo bền vững trên địa bàn, huyện Bảo Yên tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Đó là, tiếp tục tranh thủ tối đa sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh Lào Cai để hỗ trợ Nhân dân phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng của huyện.

Tăng cường vai trò lãnh chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên tích cực lao động sản xuất.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đầu tư có hiệu quả các Chương trình, Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thời gian. Phấn đấu giải ngân trên 80% nguồn vốn đã phân bổ.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp người nghèo nâng cao nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng và xã hội.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn về học nghề, giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định nâng cao đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững…

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Bích Hợp