Trong nước

Tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công

Thanh Tùng 06/11/2024 - 18:37

Sáng 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), có 102 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tháo gỡ những vướng mắc cấp bách thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đầu tư công sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, cắt giảm thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý đầu tư công.

5.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Tại buổi thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, lưu ý các nội dung về phạm vi sửa đổi, chất lượng dự án luật để thông qua tại một kỳ họp, tính khả thi, thực tế và cụ thể của các điều khoản quy định trong dự thảo luật, các quy định cụ thể về 5 nhóm chính sách Chính phủ trình và các vấn đề cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung, đánh giá tác động; đề nghị cân nhắc việc sửa đổi, không sửa đổi hoặc bổ sung các nguyên tắc, điều kiện để đảm bảo chặt chẽ…

Quy định trách nhiệm về việc sử dụng đất sau khi tách riêng dự án giải phóng mặt bằng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết phải điều chỉnh Luật Đầu tư công và phần lớn các nội dung đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật. Góp ý vào quy định về việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, đại biểu cho biết, mặc dù chúng ta chưa có báo cáo đánh giá, tổng kết các dự án thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng. Song, với những kết quả đã đạt được của các dự án đã được tách trong thời gian qua, chúng ta có thể yên tâm, đồng thuận, cho phép tất cả các dự án nhóm A, B, C đều có thể được tách phần giải phóng mặt bằng khi cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng việc tách giải phóng mặt bằng xong để đất trống không sử dụng hoặc tách xong lại dùng vào mục đích khác khi việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đó không thuộc đối tượng được phép giải phóng mặt bằng, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần quy định cụ thể là người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất sau khi giải phóng mặt bằng đúng mục đích như dự án ban đầu được đề xuất.

cuong-hn.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận

Liên quan đến đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư trong tiêu chí phân loại dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng so với thời điểm bắt đầu có Luật Đầu tư công năm 2015, cho đến nay quy mô nền kinh tế đã tăng lên đến hơn 2 lần. Do vậy, việc đề xuất tiêu chí quy mô vốn của các nhóm A, B, C đề xuất tăng lên 2 lần như dự thảo luật tôi cho rằng phù hợp. Tuy nhiên, riêng dự án quan trọng quốc gia tăng lên từ 10.000 lên 30.000, tức là 3 lần, đại biểu cho rằng việc này chưa thực sự có cơ sở. Do vậy, đại biểu đề nghị nên cân nhắc, nên đề xuất tăng lên 2 lần tương đương như mức tăng của quy mô nền kinh tế. Chúng ta biết rằng những dự án quan trọng quốc gia được thông qua Quốc hội bao giờ cũng đi kèm theo các cơ chế, chính sách đặc thù giúp cho dự án này sẽ được triển khai thuận lợi hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị cần cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp. Đại biểu cho rằng, hiện nay HĐND các cấp họp khá thường xuyên nên chúng ta không lo việc khi thông qua HĐND phải chờ đợi và thực tế khi thông qua HĐND, việc chuẩn bị các dự án phải kỹ hơn và việc chuẩn bị kỹ hơn này rất cần thiết. Kinh nghiệm như các nhà đầu tư nước ngoài khi triển khai dự án, phần chuẩn bị dự án mất rất nhiều thời gian và chuẩn bị rất kỹ, sau này triển khai sẽ rất phù hợp và không có phát sinh. Hơn nữa, khi thông qua HĐND phê duyệt, chúng ta đã thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực và như vậy không tập trung những rủi ro vào cho người chịu trách nhiệm vừa phê duyệt chủ trương, vừa xây dựng dự án và tôi cho rằng đây là một việc tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Một vấn đề khác, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần phải xem xét lại đề xuất về danh mục dự án đầu tư công trung hạn chỉ là danh mục dự kiến và phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch hằng năm. Bởi vì nếu như thực hiện theo đề xuất như trên thì các dự án khi triển khai trên thực tế có thể hoàn toàn khác, không phải là các dự án như đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bởi vì danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là danh mục dự kiến và cơ quan thực hiện thì lại được phép tự thay đổi các dự án đó. Nếu thực hiện cơ chế này thì có thể sẽ quay lại tình trạng đầu tư dàn trải như trước khi có Luật Đầu tư công. Chúng ta biết rằng việc đề xuất này để khắc phục tình trạng dự án đầu tư công trung hạn chuẩn bị quá lâu, cho nên khi đưa vào kế hoạch hằng năm thì không phù hợp, cần phải điều chỉnh. Do vậy, để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề xuất cần bổ sung thêm vào trong luật là phải có thêm kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm cuốn chiếu.

6.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

“Với kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm cuốn chiếu thì chúng ta sẽ lấy danh mục dự án từ kế hoạch đầu tư công 5 năm vào trong kế hoạch 3 năm, trong đó sẽ có 2 năm chuẩn bị, nếu như có những dự án không phù hợp thì chúng ta sẽ thay thế, sau 2 năm đó đến năm thứ 3 là năm được đưa vào kế hoạch hằng năm sẽ có vốn, được phê duyệt, sẽ được triển khai ngay thì chúng ta đã khắc phục được những tồn tại nêu trên”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Dự thảo luật đã tháo gỡ được các điểm nghẽn

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đánh giá cao dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình kỳ họp lần này đã hiện thực hóa được những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Dự thảo luật đã nghiên cứu, tháo gỡ được những vấn đề lâu nay đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công từ các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành hoặc do việc quy định tạo ra cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau trong tổ chức triển khai thực hiện luật để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án Luật Đầu tư công.

cuong.jpg
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng phát biểu thảo luận

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, Luật Đầu tư công sửa đổi quy định thời gian bố trí vốn đối với dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm và không thay đổi so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành. Với thời gian thực hiện quy trình thủ tục như tôi đã trình bày ở trên thì việc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công hiện hành về hạn mức đối với phần vốn của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại, chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn sau không được vượt quá 20% là việc bất khả thi.

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét nâng hạn mức phần vốn chuyển tiếp của kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 50% trên cơ sở căn cứ định hướng chiến lược phát triển, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của trung ương và địa phương khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công và tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của luật, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư công có phạm vi sửa đổi rộng, sửa đổi 44 điều, bổ sung 16 điều, bãi bỏ 7 điều với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 50 nhóm chính sách lớn có liên quan đến nhiều luật khác và nhiều luật cũng đang tiến hành sửa đổi tại kỳ họp này, nhiều vấn đề cũng đang còn có ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, việc quyết tâm cho ý kiến và thông qua luật tại một kỳ họp là một thách thức không nhỏ, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về các nội dung sửa đổi để dự án luật đảm bảo tính khả thi. Nên chọn các vấn đề đã đủ chín, đủ rõ để sửa đổi, các quy định có tính linh hoạt, dễ bị thay đổi và thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì giao lại cho cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.

nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận

Một vấn đề khác, đại biểu cho biết, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia tại Điều 8 dự thảo Luật Đầu tư công cũng đề xuất nâng tiêu chí vốn của dự án đầu tư công. Đại biểu nhận thấy quy mô dự án như hiện hành đã được thực hiện từ năm 2015, đến nay việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư cho các dự án là cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá cụ thể, đưa ra các cơ sở cho việc tăng mức vốn đầu tư của dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia, đồng thời cần đánh giá tác động chính sách trên hệ thống các dự án đang triển khai cũng như bối cảnh phát triển của từng địa phương để xác định tiêu chí cho phù hợp.

Về thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ODA, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cân nhắc việc luật hóa các nội dung quy định tại Nghị định 1514 bổ sung vào trong Chương IV của dự thảo. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy nhiều quy định mang tính dẫn chiếu và nhiều quy định trùng lặp với các quy định về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát theo hướng chỉ quy định những vấn đề đặc thù, đồng thời đối với những nội dung về trình tự, thủ tục thì nên giao cho Chính phủ quy định thay vì chúng ta đưa hết vào trong luật để đảm bảo tính ổn định của luật.

Thanh Tùng