Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan: Phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
(TN&MT) - Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 05/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở Hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng khẳng định, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách trong luật còn nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý trong dự thảo luật lần này là Điều 13 quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp tướng: 60.
Cùng với đó, dự thảo luật cũng quy định, khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, việc tăng như vậy là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt và cũng phù hợp với xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay. Hiện tại, các sĩ quan từ Trung tá trở xuống theo Luật Bảo hiểm xã hội đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm nên không đủ 75% lương hưu.
“Việc tăng tuổi là nhằm tiệm cận với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội để các sĩ quan khi về nghỉ hưu được hưởng đủ chế độ, mặt khác việc nâng tuổi nghỉ hưu còn nhằm thu hút nhân tài phục vụ trong quân đội. Do vậy, tôi tán thành với quy định này”, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, việc tăng tuổi với sỹ quan phục vụ tại ngũ từ 01 - 05 tuổi, sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong các chế độ BHXH dài hạn.
Đối với việc nâng hạn tuổi với cấp tướng, dự thảo luật đang quy định cao nhất là 60 tuổi, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi để đảm bảo tính thống nhất giữa các lực lượng vũ trang, bảo đảm trọng dụng nhân tài và tương quan giữa hai lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân. Vì lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cấp tướng công an là 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 cũng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng cùng là sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam nhưng tính chất, môi trường làm việc, địa bàn công tác, nhiệm vụ trong quân đội nhân dân tại các khu vực miền núi, vùng biên giới, hải đảo.... sẽ phức tạp, khó khăn, nguy hiểm hơn các khu vực khác, do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất ở địa bàn miền núi, vùng biên giới, hải đảo... thấp hơn các khu vực khác, nhằm bảo đảm sĩ quan đủ điều kiện sức khỏe thể chất và tinh thần để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, việc nâng hạng tuổi đã được Bộ Quốc phòng tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án tăng tuổi. Phương án đề xuất trong dự thảo luật vừa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của quân đội, vừa phù hợp với thực tiễn và thống nhất với các quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng điều kiện kéo dài tuổi phục vụ thêm 5 năm như quy định tại khoản 2 Điều 13, đó là khi quân đội có nhu cầu sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt tôi cho rằng còn chung chung và chưa rõ. “Để phù hợp với chủ trương phân cấp và phù hợp với thực tiễn, tôi đề nghị trong dự thảo luật nên phân cấp cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc kéo dài độ tuổi của sĩ quan tại ngũ trong trường hợp đặc biệt cần thiết”, đại biểu kiến nghị.
Các đại biểu cũng thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.
Tiếp thu giải trình ý kiến của đại biểu về quân hàm cấp uý tăng 46 lên 50 tuổi, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết, các sĩ quan ra trường khoảng 10-12 năm sẽ lên đến đại uý. “Đến năm 50 tuổi mà chỉ lên đại uý thì năng lực phải xem lại”, nhấn mạnh điều này, Đại tướng Phan Văn Giang nói, tuổi cấp đại uý nghỉ hưu là không nhiều, gần như không có... Đại tướng Giang cho rằng, sĩ quan quân đội phải rèn quân thế nào để “khi có tình huống là phải xử lý được”, và phải đáp ứng được yêu cầu "ngày càng nhanh, ngày càng cao” về chuyên môn.
Về đề xuất tăng tuổi hưu của sỹ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi, Đại tướng Phan Văn Giang chia sẻ: Do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội, nên mong Quốc hội cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sỹ quan cấp tướng như trong dự thảo đề xuất là 60 tuổi.