Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhà ở ở đô thị lớn
(TN&MT) - Dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất sẽ tạo cơ hội phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đặc biệt là thị trường nhà ở thương mại. Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở tại những đô thị lớn như Đà Nẵng.
Tạo hành lang pháp lý mới
Tại Đà Nẵng thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều thách thức. Nhiều dự án nhà ở thương mại bị vướng, không thể triển khai được, gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự án, đẩy giá nhà tăng liên tục, gây khó khăn cho người mua nhà.
Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản (Đà Nẵng) cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất là cần thiết, đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư, ổn định nguồn cung, giúp thị trường phát triển lành mạnh.
Theo ông Lập, Dự thảo Nghị quyết đã mở ra hành lang pháp lý mới, hy vọng sẽ khai thông bế tắc nguồn cung bất động sản gây nên hiện tượng sốt nóng ở nhiều địa phương hiện nay. Trước đây, khi tham gia góp ý Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, nhiều chuyên gia đã đề nghị Luật hóa nội dung này.
Nội dung dự thảo nghị quyết đã cân nhắc đầy đủ, hạn chế tác động tiêu cực của quy định đến thực tiễn phát triển của thị trường bất động sản như quy định về điều kiện khu vực áp dụng là khu vực đô thị, khu vực quy hoạch phát triển đô thị đã được phê duyệt để hạn chế phát triển ồ ạt tại những nơi không có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở, hạn chế hình thành những đô thị "ma".
Đồng thời, các dự án được thí điểm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, đồng thời được UBND cấp tỉnh chấp thuận về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất. Điều này góp phần hạn chế, không gây phá vỡ quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương đã duyệt.
"Chúng ta cũng không nên lo lắng về việc Nhà nước sẽ thất thu ngân sách như trước đây, bởi theo quy định Luật Đất đai mới, giá tiền sử dụng đất sẽ tính theo cơ chế thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích cho Nhà nước, người dân và nhà đầu tư."- Ông Nguyễn Đức Lập chia sẻ.
Góp phần giảm nhiệt giá nhà
Đối với các Chủ đầu tư, quy định từ Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong triển khai hoạt động đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chủ động đăng ký thực hiện dự án khi cảm thấy điều kiện thị trường thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trên thị trường để gia tăng lợi nhuận, hạn chế việc đưa sản phẩm ra thị trường khi bão hòa, gây nên tình trạng dư cung. Điều này cũng giúp chủ đầu tư giảm được chi phí tài chính, chi phí cơ hội do các thủ tục pháp lý đầu tư kéo dài để giảm giá thành sản phẩm.
Rõ ràng, cả Nhà nước, người dân, chủ đầu tư, thị trường đều được hưởng lợi từ chính sách này. Thị trường sẽ sớm được gia tăng nguồn cung, đặc biệt nguồn cung ở phân khúc bình dân và trung cấp để góp phần hạ nhiệt giá nhà hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản (Đà Nẵng), hiện quy định đề xuất thực hiện thí điểm không vượt quá 30% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030. Đây là con số chưa được như kỳ vọng trên thị trường, nhất là tại các địa phương có nhu cầu cấp bách về nhà ở như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Hy vọng qua thực tiễn thi hành Nghị quyết trong thời gian tới và các quy định của Luật Đất đai 2024 chính thức đi vào đời sống, Quốc hội sẽ có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
"Bên cạnh đó, ở những địa bàn tỷ lệ người dân sở hữu nhà ở cao, như ở vùng nông thôn, đa số người dân có nhà ở rồi nên tỷ lệ đô thị hóa không cao, nhu cầu nhà ở thấp, vì vậy, không nhất thiết phải thí điểm. Một số thành phố lớn, nhu cầu nhà ở cao, nên cho thí điểm và mở rộng hơn về quy mô, tỷ lệ % trên diện tích nhu cầu phát triển nhà ở để kéo giảm giá nhà xuống. Còn nếu cho thí điểm ồ ạt mà thiếu kiểm soát, sẽ dễ dẫn đến tình trạng như một số nước dư thừa nhà ở tại những nơi không có nhu cầu, không thu hút cư dân về ở. Như thế là chôn tiền vào bất động sản, sẽ có hại cho nền kinh tế, nên cần cân nhắc rất kỹ, không nên thực hiện trên tất cả các các địa bàn" - ông Lập đề xuất.