Tư vấn pháp luật

Tự ý đốt chất thải có thể bị xử phạt đến 1 triệu đồng

Báo TN&MT 01/11/2024 - 17:22

(TN&MT) - Bạn đọc Nguyễn Minh Quân ở Gia Lộc, Hải Dương hỏi: Ở nhiều địa phương trong cả nước hiện đang xảy ra tình trạng đốt rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường... Khói thải từ việc đốt rác còn ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh khu vực và ảnh hưởng tới người tham gia giao thông khiến tầm nhìn hạn chế, có thể gây ra tai nạn. Vậy theo quy định của pháp luật việc đốt rác thải bừa bãi sẽ bị xử lý như thế nào?

Vấn đề bạn hỏi, Văn phòng Luật sự trả lời như sau:

Hiện nay, hành vi tự ý đốt rác thải bừa bãi tại khu dân cư, nơi công cộng đang diễn ra thường xuyên, khiến nhiều người dân xung quanh khó chịu. Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm mất cảnh quan đô thị, thậm chí có thể gây mất tầm nhìn, khiến người đi đường gặp nạn.

dot-rac.jpg
Bãi rác của xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cháy khiến khói phủ kín đoạn đường dài, người tham gia giao thông qua đây, nhiều người phải xuống dắt xe vì không nhìn rõ đường đi.

Trong thời gian qua, Việt Nam quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế nên việc bảo vệ môi trường hết sức được quan tâm, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các chế tài cụ thể đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó: Nghiêm cấm hành vi “Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Đồng thời, Điều 172 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật nêu trên có thể khẳng định hành vi tự ý đốt rác thải trong khu dân cư và nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt theo các quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp hành vi tự ý đốt chất thải gây tổn thất, thiệt hại đến những người xung quanh thì ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ thể vi phạm phải bồi thường thiệt hại thực tế đã gây ra.

Căn cứ quy định tại Khoản 8, 9, 10 Điều 26 và Khoản 7 Điều 29 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có hành vi tự ý đốt chất thải trái quy định về bảo vệ môi trường có thể bị xử phạt từ 2.000.000 – 1.000.000.000 đồng tùy theo tính chất và khối lượng của chất thải.

Ngoài ra, chủ thể vi phạm buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Khôi phục lại tình trạng ban đầu; chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường; chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý hoặc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trường hợp đốt rác với quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường, hậu quả xảy ra nghiêm trọng chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự.

Báo TN&MT