Chất nhờn trong máy rửa chén: Giải pháp bất ngờ cho tình trạng nóng lên toàn cầu
(TN&MT) - Các nhà khoa học đang tìm kiếm những vi sinh vật có khả năng làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu, không chỉ ở đại dương hay không gian, mà còn ở những nơi bất ngờ ngay trong nhà.
Dự án Hai Biên giới (2FP), được tài trợ bởi công ty công nghệ sinh học Seed Health, đang kêu gọi người dân Mỹ tìm kiếm “sự phát triển của vi khuẩn lạ” tại nhà. Mục tiêu là phát hiện ra các vi sinh vật có thể hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) từ không khí hoặc giúp phân hủy các chất ô nhiễm.
Ông Braden Tierney, Giám đốc điều hành của 2FP cho biết vi khuẩn ưa môi trường cực đoan phát triển mạnh trong các điều kiện khắc nghiệt và có những đặc tính độc đáo có thể được ứng dụng trong công nghệ sinh học để giải quyết vấn đề khí hậu. Nhóm nghiên cứu tập trung vào những vi khuẩn sống trong môi trường khắc nghiệt như máy rửa chén, máy điều hòa và lò vi sóng.
Ông Tierney nhấn mạnh rằng những môi trường này phản ánh những thay đổi môi trường mà hành tinh có thể phải đối mặt trong tương lai, bao gồm sự gia tăng nhiệt độ và bức xạ. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra những loại vi khuẩn có khả năng hấp thụ carbon tương tự như vi khuẩn trong tự nhiên.
Một ví dụ đáng chú ý là vào năm 2022, nhóm 2FP đã phát hiện một loại vi khuẩn lam mới ngoài khơi đảo Vulcano ở Ý, có khả năng hấp thụ CO2 và chuyển hóa thành sinh khối hiệu quả.
Các tình nguyện viên tham gia "Chiến dịch sinh vật ưa môi trường cực đoan" sẽ chụp ảnh các dấu hiệu phát triển vi khuẩn trong nhà và trả lời câu hỏi liên quan. Các đặc điểm như màu sắc, mùi và kết cấu sẽ giúp các nhà khoa học xác định những lĩnh vực quan tâm.
Ông Wilfried Weber, Giám đốc khoa học tại Viện Vật liệu mới Leibniz ở Đức nhận định, việc khám phá vi khuẩn mới trong môi trường sống là rất khả thi. Mặc dù công nghệ thu giữ carbon bằng vi khuẩn còn mới mẻ, nhưng đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá là một trong những công nghệ nổi bật trong báo cáo tháng 6 năm 2024. Phương pháp thu giữ carbon truyền thống thường tập trung vào việc lưu trữ CO2 dưới lòng đất, nhưng việc sử dụng vi khuẩn có thể chuyển đổi CO2 thành các sản phẩm có giá trị cao như hóa chất tinh chế và nhiên liệu, giúp bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng phương pháp này cần nguồn năng lượng bền vững như ánh sáng mặt trời hoặc hydro xanh. Ông Tierney cho biết, tiềm năng ứng dụng vi khuẩn không chỉ dừng lại ở thu giữ carbon. Vi khuẩn có thể giúp làm sạch môi trường ô nhiễm bằng cách loại bỏ kim loại nặng và dầu mỏ.
Bà Ara Katz, đồng Giám đốc điều hành của Seed Health nhấn mạnh: “Vi khuẩn chỉ là một phần trong giải pháp toàn diện ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Chúng ta cần tìm kiếm mọi giải pháp tiếp cận có thể”.