Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ Heineken Việt Nam: Thúc đẩy sự chung tay hành động của toàn xã hội hướng tới Net Zero
(TN&MT) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn của toàn cầu, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh trở thành chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp trên hành trình hướng tới Net Zero.
Chia sẻ tại Hội thảo Chuyên đề “Vai trò của Lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững” do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media HUB) và Báo Tài Nguyên & Môi Trường tổ chức sáng 1/11 tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn của toàn cầu, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trở thành chiến lược cốt lõi cho các doanh nghiệp, trong đó có Heineken.
Theo bà Ánh, với tầm nhìn dài hạn, Heineken Việt Nam đã và đang thúc đẩy hàng loạt sáng kiến bền vững. Điều này không chỉ nhằm giảm thiểu tác động môi trường mà còn hỗ trợ các mục tiêu phát triển quốc gia, khẳng định vị thế là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển xanh tại Việt Nam.
Hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030, doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát thải, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước. Đây là một hành trình dài hơi và đầy thử thách, đòi hỏi sự nhất quán, kiên định và sáng tạo trong từng bước thực hiện. Việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn “Tái tạo – Chia sẻ – Tối ưu hóa – Tái sử dụng/Tái chế – Số hóa – Chuyển đổi” cũng là một phần quan trọng trong lộ trình này, với mục tiêu không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021 – một thành tích vượt chỉ tiêu bốn năm so với dự kiến.
Hiện nay, Heineken Việt Nam đã đạt bước tiến vượt bậc trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, với 99% nguồn năng lượng phục vụ quá trình sản xuất đến từ các nguồn tái tạo.
Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư vào các Chứng chỉ Thuộc tính Năng lượng (EAC) để đảm bảo 100% lượng điện tiêu thụ tại các nhà máy đều từ các nguồn tái tạo. Đây là một chiến lược ngắn hạn thông minh nhằm giảm áp lực tiêu thụ điện từ các nguồn năng lượng hóa thạch, đồng thời là một trong những bước đi cần thiết để tiến tới mục tiêu xanh hóa toàn diện.
“Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp Heineken Việt Nam tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Từ năm 2021, doanh nghiệp không còn rác thải chôn lấp, tức tất cả các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất đều được tái sử dụng hoặc xử lý một cách thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hơn trong dài hạn. Mô hình “tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa” đã và đang trở thành phương châm hoạt động tại tất cả các nhà máy của Heineken trên khắp Việt Nam, góp phần vào xây dựng một nền công nghiệp bền vững” - bà Ánh nhấn mạnh.
Một sáng kiến nổi bật khác của Heineken Việt Nam là chương trình hợp tác với Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã (WWF) tại Việt Nam, với mức đầu tư lên đến 30 tỷ đồng để bảo tồn nguồn nước tại các lưu vực sông trọng điểm. Mục tiêu của chương trình là bù hoàn 100% lượng nước sử dụng vào năm 2025, đảm bảo rằng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên nước quốc gia.
Nhìn nhận về vai trò của truyền thông đối với hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp, bà Ánh cho rằng, báo chí đóng vai trò then chốt trong việc truyền thông và nâng cao nhận thức của công chúng, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ về tầm quan trọng của phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Các phương tiện truyền thông không chỉ là cầu nối cung cấp thông tin mà còn là nơi chia sẻ những giải pháp sáng tạo, những bài học thành công và các sáng kiến hữu ích từ các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Doanh nghiệp hy vọng thông qua truyền thông, các sáng kiến và giải pháp đổi mới từ Heineken sẽ được truyền tải rộng rãi đến công chúng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, từ đó thúc đẩy sự chung tay và đồng hành của toàn xã hội trên hành trình hướng tới Net Zero.