Biến đổi khí hậu

Sơn La: Triển khai các giải pháp khắc phục sụt lún bản Nong Sơn huyện Mai Sơn

Nguyễn Nga 01/11/2024 - 11:10

(TN&MT) – Chiều 31/10, UBND tỉnh Sơn La tổ chức họp giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành và UBND huyện Mai Sơn trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng tránh, khắc phục sụt lún tại bản Nong Sơn và Cao Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.

Khoanh định 4 vùng theo nguy cơ sụt lún

Tháng 4/2024, tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn đã xuất hiện hàng loạt các hố sụt karst. Đáng lưu ý, quá trình sụt lún tại đây đang có xu hướng mở rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của nhân dân 2 bản Nong Sơn, Cao Sơn, xã Chiềng Sung.

1(4).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công chủ trì buổi làm việc.

Trước diễn biến phức tạp trên, ngày 22/7/2024, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó sụt lún đất tại bản Nong Sơn xã Chiềng Sung; triển khai một số giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Đồng thời, giao Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ Điều tra, khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục sụt lún đất tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, với diện tích điều tra, khảo sát là 4,5km2.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã ký hợp đồng tư vấn thực hiện nhiệm vụ với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT). Đến nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành điều tra, khảo sát, đã xác định nguyên nhân hiện tượng sụt lún, khoanh định các vị trí tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, đề xuất các giải pháp khắc phục về kỹ thuật và giải pháp xã hội.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Sở TN&MT đã tổ chức xin ý kiến các Sở, ngành có liên quan, UBND huyện Mai Sơn và các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất. Tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Báo cáo kết quả nhiệm vụ với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Sở có liên quan và UBND huyện Mai Sơn, UBND xã Chiềng Sung; đại diện lãnh đạo, cán bộ Viện Khoa học địa chất và khoáng sản.

1-2-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình sụt lún tại xã Chiềng Sung.

Theo đó, kết quả khảo sát nhiệm vụ đã xác định: Khu vực bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn thuộc hệ tầng Đồng Giao; có hệ thống hang karst ngầm, đới xung yếu/dập vỡ chứa nước trong khu vực phát triển đến độ sâu 70m, trong đó, tầng hang karst lấp đầy vật liệu sét, bột gắn kết kém ở độ sâu 2,4-15m.

Trong quá trình vận động của nước dưới đất trong các hệ thống hang hốc karst, đới xung yếu/dập vỡ theo thời gian sẽ tạo thành các dòng chảy ngầm, hoạt động động lực của dòng chảy ngầm sẽ dần ăn mòn vật liệu có thành phần cacbonat làm mở rộng kích thước hang, làm mỏng trần hang, mở rộng các hệ thống khe nứt và giảm sức chịu tải của trần hang dẫn đến sập trần hang.

Bên cạnh đó, hiện trạng khoan giếng khai thác nước quá mức cũng gây nên thay đổi về chế độ thủy động lực, gây mất nước thường xuyên trong lớp phủ ở độ sâu 15m trở lên, làm giảm khả năng chịu tải của trần hang và gây sập cục bộ các hang hốc karst.

Từ kết quả khảo sát, đơn vị thực hiện đã khoanh định 4 vùng theo nguy cơ sụt lún trên bản đồ 1:5000 và 1:2000, gồm: 0,25ha đã xảy ra sụt lún và có nguy cơ sụt lún rất cao; 3,07ha có nguy cơ sụt lún cao; 1,06ha có nguy cơ sụt lún trung bình; 0,12ha có nguy cơ sụt lún thấp.

Trong đó, với khu vực 0,25ha đã sảy ra sụt lún và có nguy cơ sụt lún rất cao, cần khẩn trương di dời toàn bộ dân cư. Các khu vực còn lại khoanh định, áp dụng biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước; gia cố nền móng và trám, lấp hố sụt; kết hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật cho xây dựng công trình…

3(2).jpg
Nghiên cứu, khảo sát các khu vực có hiện tượng sụt lún đất.

Lên phương án di dời dân cư vùng sụt lún

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngay, tập trung vào công tác tuyên truyền về nguyên nhân sụt lún, các giải pháp trước mắt và lâu dài để phòng tránh, khắc phục hiện tượng sụt lún. Thảo luận về phương án, nguồn lực và công tác tái định cư để di dời các hộ dân trong vùng đã xảy ra sụt lún và nguy cơ sụt lún rất cao; các biện pháp kỹ thuật cần thực hiện ngay với các vùng còn lại.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận sự vào cuộc kịp thời, sự cố gắng, nỗ lực của ngành TN&MT, các sở, ngành và UBND huyện Mai Sơn trong công tác điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân và giải pháp phòng tránh sụt lún tại bản Nong Sơn. Kết quả nhiệm vụ được thực hiện trên cơ sở khoa học, điều tra, thăm dò, nghiên cứu cụ thể, đảm bảo độ tin cậy để đưa ra các giải pháp phòng tránh phù hợp.

Thời gian tới, trên cơ sở kết quả của dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT tiếp nhận toàn bộ kết quả dự án, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành và huyện Mai Sơn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, Sở TN&MT cần đề xuất giải pháp, nhiệm vụ cụ thể của ngành TN&MT; Sở NN&PTNT liên quan đến công tác sắp xếp, ổn định dân cư, cấp nước sinh hoạt thường xuyên cho người dân; Sở Xây dựng về công tác quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch phù hợp với xây dựng nông thôn mới…

4(1).jpg
Hố sụt xuất hiện sau cùng, rộng 7m, sâu 10m, phát triển nghiêng hướng 240°.
2(2).jpg
Mặt cắt lớp phủ quan sát được tại 1 vách hố sụt.

Giao UBND huyện Mai Sơn tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng tránh nguy cơ sụt lún. Cắm biển cảnh báo vùng nguy cơ rất cao, nằm trong vùng đứt gãy, sụt lún, phải tiến hành các giải pháp di dời, sắp xếp, ổn định dân cư.

Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo về đất sản xuất, các công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa… cho người dân. Xem xét chính sách hỗ trợ người dân di chuyển, đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân. Chỉ đạo UBND xã Chiềng Sung thường xuyên theo dõi diễn biến sụt lún đất để cảnh báo kịp thời đến người dân.

Ông Nguyễn Thành Công cũng đề nghị Viện Khoa học địa chất và khoáng sản khuyến cáo cụ thể hơn về các giải pháp phòng tránh, ứng phó; các thời điểm nguy cơ cao xảy ra sụt lún; đề xuất số hộ dân cần ưu tiên di dời khẩn cấp…

Đặc biệt, do ảnh hưởng cơn bão số 2, 3, Sơn La đang có khoảng 40 điểm sạt lở cần di chuyển, sắp xếp dân cư. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Viện Khoa học địa chất và khoáng sản tiếp tục hỗ trợ địa phương trong công tác điều tra, đánh giá nguy cơ sạt lở để có các biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp, kịp thời.

Nguyễn Nga