Giải báo chí Phát triển xanh sẽ tôn vinh xứng đáng các tác phẩm
(TN&MT) - Tối ngày 31/10 tại TP Vũng Tàu, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon (GREEN MEDIA HUB) cho biết sẽ tôn vinh khen thưởng xứng đáng các tác phẩm báo chí góp phần xanh hóa Việt Nam đã gửi bài tham dự “Giải Báo chí Phát triển Xanh” lần thứ Nhất 2023 - 2025 từ ngày 1/10/2023 đến nay. Dự kiến sẽ trao Giải vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Giải báo chí phát triển Xanh lần thứ nhất 2023 - 2025 với mục đích, ý nghĩa về chủ đề phát triển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững luôn được Đảng và Nhà nước, cộng đồng quan tâm lớn. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của 150 quốc gia trên thế giới cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ XXI - năm 2050.
Thực hiện chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông chủ đề phát triển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Theo đó, ngày 09/12/2022, Giám đốc Nhà Văn hóa, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định số 28/QĐ-NVHHNBVN về việc đổi tên và kiện toàn Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon (sau đây gọi tắt là “Câu lạc bộ báo chí Phát triển Xanh” - tên tiếng Anh: GREEN MEDIA HUB; có trụ sở tại Văn phòng đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh số 226/23 đường Lê Văn Sỹ, Phường 1, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh).
Giải báo chí Phát triển Xanh do Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hoá Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh tổ chức thường niên, là hoạt động quan trọng, góp phần tuyên truyền, truyền thông, tham vấn, phản biện chính sách, thúc đẩy thực hiện kịp thời các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 và tăng cường thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của mình trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nước hướng đến cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ XXI - năm 2050.
Đồng thời, tôn vinh những giải pháp công nghệ, sáng kiến, hiến kế, điển hình trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đi đôi với xây dựng xã hội, gắn kết thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, xây dựng thị trường carbon… phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Giải cũng tạo diễn đàn, sân chơi về nghiệp vụ cho các thành viên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh; ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí có tác phẩm báo chí chất lượng cao chủ đề Phát triển Xanh, thành tích trong hoạt động tuyên truyền, truyền thông chủ đề phát triển xanh, phát triển bền vững.
Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo tuổi Trẻ TP.HCM, Phó Chủ nhiệm thường trực Green Media Hub cho biết: “Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon giới thiệu để cùng nhau trao đổi thảo luận, chia sẻ với các đồng nghiệp. Đây là giải thưởng mục tiêu phát triển xanh đặt ra để thu hút về phát triển xanh để báo chí tham gia phát triển xanh, tôn xanh các tác phẩm có chất lượng mang tính thời sự cao.
Về vấn đề thời sự - thời đại, chuyển đổi xanh nền kinh tế từ nhận thức đến hành động, từ chính sách đến thực tiễn, từ hình mẫu đến đại trà. Chuyển đổi hành vi, thói quen của người dân, cộng đồng trong ứng xử xanh với môi trường, từ tiêu dùng xanh, du lịch xanh cho đế xây dựng cuộc sống xanh. Thực hiện mục tiêu về giảm phát thải ròng về bằng không vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam trước cộng đồng thế giới”.
Cũng theo ông Lê Xuân Trung, về giải thưởng sẽ trao cho những tác phẩm báo chí cho những ý tưởng, câu chuyện, vấn đề, sự kiện, nhân vật thú vị, mới lạ, độc đáo, khác biệt…truyền thông điệp, truyền cảm hứng về khởi nghiệp phát triển kinh tế xanh, phát triển thị trường phát triển tín chỉ carbon, thích ứng với biến đổi hậu. Ngoài ra, những sáng kiến của người dân, hiến kế của cộng đồng, giải pháp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn theo xu hướng 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế).
Giải được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của mình trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững, phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, giải tôn vinh những giải pháp công nghệ, hiến kế, đổi mới sáng tạo, con người điển hình trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, xây dựng và phát triển bền vững gắn với thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, xanh và bền vững.
Giải thưởng được kỳ vọng là sân chơi, diễn đàn nghiệp vụ của các thành viên Câu lạc bộ và cộng tác viên, ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí có tác phẩm báo chí chất lượng cao về chủ đề Phát triển Xanh, phát triển bền vững”.
Sau thời gian phát động Ban Tổ chức nhận được sự hưởng ứng tham gia đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên trên khắp các vùng miền đất nước gửi nhiều tác phẩm báo chí có giá trị tham dự giải.
Ban tổ chức đã và đang chọn lọc các tác phẩm có giá trị, đóng góp hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì một Việt Nam phát triển xanh, nhất là hướng đến các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu qua các tuyến bài có chất lượng và nội dung cao, như: Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 1: Du lịch chinh phục rừng nguyên sinh - Bài 2: Từ tri thức bản địa đẻ ra tiền - Bài 3: “Ăn” rừng từ bán tín chỉ carbon của tác giả Mai Cường, Hữu Phúc và Đoàn Kiên (Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Loạt bài tín chỉ carbon – Giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên – Bài 1: “Mỏ vàng” chưa được đánh thức – Bài 2: Kỳ vọng từ thị trường tín chỉ carbon của tác giả Mai Cường, Hữu Phúc và Đoàn Kiên (Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Bài Giảm phát thải carbon từ du lịch và Hai cô gái lặn biển của tác giả Phạm Quốc Tuấn (Báo Quảng Nam). Bài Đà Nẵng hướng đến giao dịch tín chỉ carbon của tác giả Hoàng Hiệp (Báo Đà Nẵng)…
Thời gian trao giải dự kiến vào tháng 6/2025
Giải thưởng
1. Loại hình báo in
01 giải Nhất: 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng)
02 giải Nhì: 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng)/Giải
03 giải Ba: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng) /Giải
05 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) /Giải
2. Loại hình báo điện tử (11 giải)
01 giải Nhất: 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng)
02 giải Nhì: 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng)/Giải
03 giải Ba: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng)/Giải
05 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng)
3. Loại hình phát thanh - truyền hình (11 giải)
01 giải Nhất: 80.000.000 đồng (Tám mươi triệu đồng)/Giải
02 giải Nhì: 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng)/Giải
03 giải Ba: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng)/Giải
05 giải khuyến khích: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng)/Giải
Riêng giải đặc biệt và sáng tạo, mỗi giải 100.000.000 (Một trăm triệu đồng)/Giải
Ngoài tiền thưởng, tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải được cấp Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức. Được quảng bá hình ảnh, thương hiệu nhà báo và các cơ quan báo chí tròng làng báo và trong công chúng, không gian mạng.
Chủ trì và tổ chức trao giải gồm: Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh (Green Media Hub), Báo Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và Trung tâm Văn hóa báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam).
Về Hội đồng xét Giải thưởng, dự kiến được tập hợp bởi các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà báo chuyên về lĩnh vực phát triển xanh: Tiến sỹ Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO VIETNAM); Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông Sáng lập Tập đoàn VinaCapital; Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; Ông Nguyễn Trần Tuệ, Đại diện Bloomberg Businessweek tại Việt Nam; Bà Bùi Thị Thu Hiền, Điều phối viên IUCN tại Việt Nam; Nhà báo Lê Mỹ Ái Linh, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam); Nhà báo Vũ Duy Hưng, Giám đốc Truyền hình Nhân Dân; Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM; Nhà báo Nguyễn Văn Hiếu, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông); Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông); Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM...
Địa chỉ nhận bài dự thi Giải thưởng Báo chí Phát triển Xanh:
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng, Phòng Thư ký - Biên tập, Báo Tài nguyên và Môi trường; Thư ký Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh hướng đến NetZero Carbon
Email: nvhung@baotainguyenmoitruong.vn
Điện thoại: 0932210975