Kinh tế

Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam

Hoài Thu 31/10/2024 - 16:24

(TN&MT) - Ngày 31/10, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá”.

Phát biểu khai mạc, TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

img_0756.jpeg
TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc

Cùng với đó, vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, khẳng định tăng trưởng xanh là một trong những yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Song hành với Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII,…

Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Cam kết tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP); Đề án Phát triển KTTH tại Việt Nam,…

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2022), để theo đuổi một lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, khoảng 368 tỷ USD Mỹ cho đến năm 2040. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, tín dụng xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

img_0757.jpeg
TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày nghiên cứu

Theo đó, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra các thuận lợi, thách thức trong việc phát triển thị trường tài chính xanh trong bối cảnh mới tại Việt Nam. Trong đó, một số thuận lợi của Việt Nam trong việc phát triển thị trường tài chính xanh bao gồm: Cam kết và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững; có tiềm năng phát triển về năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ, sản phẩm và dịch vụ xanh - điều này có thể tạo ra các nguồn tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và tạo việc làm mới.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi còn có những thách thức liên quan đến biến động địa chính trị, kinh tế, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng, sản xuất xanh chững lại; việc thực hiện tăng trưởng kép (kinh tế xanh, kinh tế số) gặp khó khăn do phát thải carbon quá lớn từ kinh tế số; kinh tế thế giới sau tác động của đại dịch, xung đột, đình trệ/ suy thoái tăng trưởng cho đến nay, khiến việc dồn nguồn lực cho phục hồi, nợ công tăng, điều đó gây ra việc giảm dư địa, làm trì hoãn nguồn vốn cho tăng trưởng/ chuyển đổi xanh.

Đồng thời, việc quy hoạch, khung pháp lý, quy định đối với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nói chung và thị trường tài chính nói riêng, nhất là tại Việt Nam mới bắt đầu đi vào hoạt động, gây cản trở đầu tư thị trường tài chính. Đặc biệt, hệ thống thông tin về kinh tế xanh, tài chính xanh vẫn còn thiếu, không nhất quán và ít được kiểm định chặt chẽ; cơ chế đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhìn chung vẫn theo hướng đầu tư phát triển, bảo toàn vốn, khó có thể thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, nhất là theo hướng phát triển công nghệ hướng tới chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, theo TS. Lê Xuân Sang đánh giá, các khó khăn cho việc phát triển thị trường xanh tại Việt Nam còn liên quan nhiều khía cạnh đối với nhà đầu tư; định chế cho vay, phát hành và cơ quan quản lý Nhà nước,…

Do đó, để có thể giải quyết những thách thức trên, ông đưa ra một số đề xuất. Đó là, Nhà nước cần xây dựng cụ thể các hạng mục dữ liệu, thông tin thị trường, danh sách trái phiếu/ cổ phiếu, tín dụng xanh, với các định nghĩa pháp lý rõ ràng, cùng tiêu chí chặt chẽ trong huy động vốn và các chính sách khuyến khích nhằm đáp ứng kỳ vọng, lợi ích của các nhóm đầu tư trong và ngoài nước.

Tiếp đó, Chính phủ cần xác lập quy định trong việc khai thác thị trường tài chính truyền thống (cơ sở), tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới, hướng đến phát triển bền vững thị trường tài chính xanh.

img_0754.jpeg
TS. Nguyễn Thị Liễu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

Về Lộ trình hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP 26 và phát triển thị trường carbon, TS. Nguyễn Thị Liễu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone đã được xây dựng theo hướng các quy định mới trong đàm phán BĐKH, phù hợp với kết quả của COP 26, đây sẽ là cơ sở pháp lý để huy động toàn xã hội thực hiện ứng phó với BĐKH.

Vì vậy, điều cần nhất lúc này chính là rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phù hợp với phát thải ròng bằng 0 vào 2050; tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, năng lực triển khai Thoả thuận Paris và cam kết COP 26; bên cạnh đó, cần triển khai tháo gỡ các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài để huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển ít phát thải; đầu tư các công cụ định giá carbon, nâng cao nhận thức, năng lực cho doanh nghiệp tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường theo Điều 6 Thoả thuận Paris,…

img_0752.jpeg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến trao đổi, góp ý đến từ các đại diện nhiều Bộ/ban, ngành trung ương và các nhà khoa học cũng như các đại biểu đến từ các Tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển nền tài chính xanh tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi các vấn đề then chốt về tài chính xanh như: Kinh nghiệm nước ngoài phù hợp áp dụng tại Việt Nam về thị trường tài chính xanh; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, pháp luật đối với sự phát triển của thị trường tài chính xanh.

Các đại biểu còn đề xuất kiến nghị giải pháp cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội cho các nhóm doanh nghiệp dẫn đầu sẽ giúp thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, đặc biệt cần có những giải pháp khơi thông dòng chảy, thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước cho các dự án xanh, chuyển đổi xanh có quy mô lớn, mang tầm quốc gia.

Hoài Thu