Tình trạng thiếu hụt nguồn cung VLXD: Quảng Nam cấp thiết tìm giải pháp
(TN&MT) - Miền Trung được mệnh danh là “thủ phủ” cát, nhưng tại một số địa phương hiện nay lại thiếu cát phục vụ xây dựng hạ tầng làm chậm tiến độ công trình, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra cần đa dạng nguồn cung để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm thời gian tới.
Khan hiếm nguồn cung
Thời gian qua, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khan hiếm, giá cát đẩy lên cao chưa từng có. Trong khi đó, lại xuất hiện tình trạng mỏ cát khi đưa ra đấu giá quyền khai thác thì giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, dẫn theo nhiều hệ lụy.
Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Đây là mỏ cát xây dựng có diện tích 6,04ha, trữ lượng ước tính là 159.000m3. Kết quả bất ngờ khi mỏ được chốt giá 370 tỷ đồng, cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm (1,2 tỷ đồng). Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty Cổ phần MT Quảng Đà, có địa chỉ tại quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng). Với 370 tỷ đồng cho mỏ cát có trữ lượng ước tính 159.000m3, tương đương giá cát phải được bán là hơn 2,3 triệu đồng/m3 thì doanh nghiệp mới có lãi. Đáng chú ý, đây là doanh nghiệp còn khá "non trẻ" trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại địa phương.
Từ kết quả của cuộc đấu giá phải trải qua 200 vòng đấu, nhiều ý kiến cho rằng khả năng doanh nghiệp “bỏ cọc” sẽ diễn ra, mỏ cát sẽ phải được đấu giá lại. Trong khi đó, cát vẫn tiếp tục khan hiếm, không đảm bảo được nguồn cung cho thị trường. Thực tế, giá cát trên thị trường mùa cao điểm đã ở ngưỡng từ 400.000 - 450.000đồng/m3, còn mức giá mà UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3. Tuy giá cao là vậy nhưng theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bê tông và thầu xây dựng thì nhiều lúc không có cát để mua, mặc dù “tiền tươi thóc thật”. Cần nhìn nhận rằng, nguồn cát của Quảng Nam không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh mà còn phục vụ cho cả TP. Đà Nẵng và thậm chí là tỉnh Thừa Thiên Huế. Nếu tình trạng thổi giá rồi bỏ cọc thực sự diễn ra thì phải chăng nguồn cát của khu vực này tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Cần sớm đa dạng nguồn cung để ổn định thị trường
Thời gian qua giá cát xây dựng ở Quảng Nam, đặc biệt là vùng Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên... liên tục biến động. Nhiều mỏ cát ở các huyện miền núi chỉ khai thác manh mún, nhỏ lẻ. Còn khu vực thuận tiện giao thông (như huyện Đại Lộc) số lượng mỏ cát lại khá ít, cùng với đó là thời gian qua đã có một số mỏ dừng hoạt động vì hết thời hạn khai thác, làm cho nguồn cung cát trở trên thiếu hụt.
Theo Sở TN&MT Quảng Nam, tính đến hết tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 35 giấy phép khai thác khoáng sản cát, đá làm VLXD thông thường còn hiệu lực, gồm: 12 giấy phép khai thác cát, sỏi, cuội với tổng công suất khai thác theo thiết kế là 156.433m3/năm; 23 giấy phép khai thác đá với tổng công suất khai thác theo thiết kế là 2.208.419m3/năm. Để đảm bảo duy trì nguồn vật liệu ổn định trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát các khu vực mỏ vật liệu đảm bảo điều kiện để đề xuất đấu giá quyền khai thác khoáng sản thường xuyên, liên tục.
Đồng thời giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản để sớm đưa các mỏ vào hoạt động khai thác. Hiện nay có 18 trường hợp mỏ đã được phê duyệt trữ lượng đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản đá, cát, sỏi với tổng trữ lượng đá đã được phê duyệt dự kiến đưa vào thiết kế khai thác như sau là hơn 22 triệu m3 và cát, sỏi là hơn 960.000m3.
Các trường hợp này hiện chủ yếu đang thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, đất đai… sau khi hoàn thiện các hồ sơ thủ tục sẽ được cấp phép khai thác theo quy định đảm bảo nguồn cung vật liệu trong thời gian tới.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá nhanh chóng thực hiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan và các BQL dự án xây dựng công trình, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát đề xuất danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để khai thác cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, danh mục khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản để UBND tỉnh xem xét khoanh định phê duyệt để làm cơ sở cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo duy trì nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh.