Biển đảo

Giữ Cồn Chim xanh cho sinh kế bền

ÁI TRINH - Chi cục Thủy sản Bình Định, 110 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn, Bình Định 31/10/2024 - 13:40

(TN&MT) - Rác thải Cồn Chim, đầm Thị Nại, Bình Định từng là vấn đề khiến chính quyền địa phương và các ngành chức năng trăn trở. Tuy nhiên đến năm 2024, vấn nạn này đã được giải quyết khi Hợp tác xã TM& DV Cồn Chim Xanh được thành lập và nhận hợp đồng thu gom rác thải tại khu vực này. Việc xử lý rác thải, giữ cho Cồn Chim xanh đã góp phần phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho bà con.

Cuối tháng 9 vừa qua, tôi cùng đoàn công tác của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và đại sứ quán Canada có dịp khảo sát tại Cồn Chim, đầm Thị Nại (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định). Thông thường từ bến đò Vinh Quang 2 (đất liền) qua Cồn Chim chỉ mất khoảng 10 phút đi đò. Tuy nhiên hôm ấy trúng vào thời điểm triều kiệt, 3 xuồng máy đưa đoàn chúng tôi, khoảng 15 người chạy đường vòng để không bị mắc cạn. Xuồng thong thả lướt trên mặt đầm, những hình ảnh đẹp dần hiện ra: giữa mênh mông nước và bạt ngàn rừng ngập mặn, từng nhóm ngư dân đang lặn bắt phễnh, cào nghêu, sò, giẹm... Xa xa, ở khu vực nước cạn nhô cả bùn, một vài người đang đào trùn biển. Xa hơn nữa, các loài chim như diệc, cò, sếu… ung dung dạo bước trên vùng nước nông để “săn mồi”. Phong cảnh thật đẹp và yên bình!

anh-4-1-.jpg
Đoàn công tác trò chuyện cùng anh Nghĩa, Chị Thương (ngoài cùng bên phải) - sáng lập viên của HTX TM&DV Cồn Chim Xanh. Ảnh: ÁI TRINH

30 phút sau, chúng tôi đặt chân lên xóm Cồn Chim. Đây là một xóm nhỏ thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, nằm ẩn mình giữa vùng đầm nước mênh mông và rừng ngập mặn. Theo những người già làng cho biết, xóm Cồn Chim được hình thành rất sớm từ thời kháng chiến chống Pháp. Xưa kia nơi đây là một cồn đất nổi giữa đầm. Dân vạn chài các nơi tới Cồn Chim khai thác thủy sản thấy tôm cá trù phú nên đã trồng cây rừng ngập mặn giữ đất, nâng nền, xây nhà ở... Đầu tiên chỉ 5 - 10 người, đến nay đã gần 300 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống trên Cồn, chuyên nghề chài lưới và nuôi thủy hải sản bán tự nhiên.

Ngõ hẹp dẫn chúng tôi vào trong xóm nhỏ. Tôi nhận ra sự khác biệt của người dân Cồn Chim về ý thức bảo vệ môi trường. Bao đời các thế hệ sinh sống ở Cồn đều vứt rác xuống đầm thì nay ở hai bên nhà, dọc các con hẻm đã sẵn những xô, chậu đựng rác để chờ xe của HTX TM&DV Cồn Chim Xanh đến thu gom. Bà con đã đồng ý đóng phí để được thu gom rác và cùng chung tay bảo vệ môi trường đầm Thị Nại. Đối với Cồn Chim, đây thực sự là một sự thay đổi kỳ diệu!

Người giải bài toán khó rác thải ở Cồn Chim

Hôm ấy chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với anh Trần Trọng Nghĩa (36 tuổi) cùng chị Hồ Thị Thân Thương (34 tuổi) - là hai vợ chồng đã thành lập ra HTX TM&DV Cồn Chim Xanh - đơn vị tiên phong thực hiện thu gom rác thải tại “ốc đảo” này.

anh-2.jpg
HTX TM&DV Cồn Chim Xanh thu gom rác thải trôi nổi trên đầm Thị Nại. Ảnh: HTX

Chị Hồ Thị Thân Thương - Giám đốc HTX TM&DV Cồn Chim Xanh cho biết, HTX được thành lập vào ngày 11/01/2024 gồm 12 thành viên. Bên cạnh dịch vụ chính là du lịch, cuối tháng 5/2024, HTX đã ký hợp đồng với UBND xã Phước Sơn để triển khai thu gom rác thải sinh hoạt tại xóm Cồn Chim. Hiện nay Cồn Chim có khoảng 85% hộ dân đăng ký sử dụng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Hằng tuần, HTX cho đội thu gom rác theo định kỳ vào thứ Ba, thứ Năm và Chủ Nhật, sau đó vận chuyển bằng thuyền về bến đò tập kết, đưa lên xe ép rác chuyên dụng, đưa về bãi chôn lấp tập trung của huyện. Lượng rác thu gom được khoảng 400 kg/lần.

Ngoài việc thu gom rác thải sinh hoạt, các xã viên HTX còn chủ động ra quân tình nguyện dọn dẹp rác thải trôi nổi trên Đầm Thị Nại và khu vực rừng ngập mặn Cồn Chim.

Ông Hồ Văn Nhân - Xóm trưởng xóm Cồn Chim cho biết, từ khi có HTX phụ trách thu gom rác sinh hoạt ở Cồn Chim, bà con ở địa phương rất hưởng ứng. Hoạt động này đã góp phần mang lại môi trường xanh, sạch cho khu sinh thái Cồn Chim, đồng thời qua đó nâng cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn của cộng đồng và du khách.

Phát triển du lịch cộng đồng

Sau khi dạo một vòng quanh xóm và trò chuyện với bà con để hiểu thêm về sinh kế, cuộc sống của người dân nơi ốc đảo, xuồng tiếp tục đưa chúng tôi đến ao nuôi tổng hợp các loại thủy sản dưới tán rừng ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái của HTX. Không gian được bài trí khá đẹp: hai nhà bè nổi khang trang được dựng chạy dọc theo phía ngoài ao nuôi để phục vụ ăn uống. Tại đây cũng có đầy đủ các dịch vụ để du khách trải nghiệm như chèo sup, câu cá, ghe, lưới khai thác thủy sản...

Tôi cùng chị Vân Sơn - cán bộ quản lý chương trình của UNDP lên chiếc sõng nhôm và được chị Tiến - thành viên HTX chèo ra giữa ao nuôi rộng 2ha. Một vài sõng khác cạnh đó cũng chở theo khách. Bạn Trương Vũ Hữu Hạnh, sinh năm 1990, một thành viên khác của HTX đang kéo lưới lồng, trong lưới thu có rất nhiều tôm to, búng tanh tách. Đi một đoạn, Hạnh tiếp tục kéo lưới ba màng, lần này dính lưới là khá nhiều loại thủy sản: cá đối cầu, cá dìa, những con cua to hơn cả bàn tay người lớn. Mọi người ai nấy đều rất vui.

“Cồn Chim được thiên nhiên ưu đãi với bạt ngàn rừng ngập mặn, trên tán rừng là chim cò trú ngụ, dưới nước là các loại thủy sản phong phú và đa dạng. 15 năm gắn bó với các em học sinh trên ốc đảo, tôi đã yêu Cồn Chim tự bao giờ. Chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ và lan tỏa hình ảnh của Cồn Chim đến với mọi người. Tham gia du lịch tại Cồn Chim, du khách được phám phá cuộc sống của ngư dân, hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức bài chòi và các món ăn đặc sản, dân dã của miền sông nước”, anh Nghĩa - vốn là giáo viên dạy nhạc tại điểm trường ở Cồn Chim, thuộc Trường Tiểu học số 2 Phước Sơn chia sẻ.

Có mặt cùng đoàn khảo sát, ông Shawn Steil, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam cho biết “Chúng tôi đã trải nghiệm đánh bắt thủy sản, tận mắt chứng kiến quá trình chế biến, được thưởng thức tại chỗ với các loại thủy sản tươi ngon vừa thu được. Tôi cảm thấy thật tuyệt và rất vui khi các bạn trẻ khởi nghiệp bằng việc bảo vệ môi trường để phát triển du lịch địa phương”

Tạo sinh kế bền vững

HTX hoạt động rất chuyên nghiệp với phân mảng rõ ràng như thu gom rác, tour du lịch và có cả đội chuyên chụp ảnh, bay flycam để truyền thông. Tuy nhiên để phát triển du lịch sinh thái bền vững, HTX luôn đặt việc bảo vệ môi trường đầm Thị Nại là nhiệm vụ trọng tâm. “Chúng tôi phát triển sinh kế được là nhờ màu xanh ở Cồn Chim và khi làm kinh tế ở đây chúng tôi sẽ làm cho Cồn Chim ngày một xanh hơn”. Anh Nghĩa cho hay về mục tiêu HTX đang hướng tới.

Hữu Hạnh là thành viên nòng cốt của HTX. Công việc chính của Hạnh là thu gom rác, chạy xuồng chở khách và hướng dẫn khách trải nghiệm câu cá, thả lưới, chèo sup... “Trước kia hai vợ chồng em làm gỗ và khai thác thủy sản ở đầm Thị Nại nhưng thu nhập bấp bênh. Nay cả hai cùng vào làm ở HTX, ngoài làm tour du lịch, em còn thu gom rác nên lương của em từ 10 - 12 triệu/tháng, còn vợ em và các thành viên khác lương từ 6 - 8 triệu/tháng”. Hạnh phấn khởi chia sẻ.

Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho những người dân địa phương, đảm nhận việc chèo thuyền, hướng dẫn du khách khám phá và giới thiệu về vùng "đất lành chim đậu”. Hiện có mười cô tham gia cộng tác vào mùa du lịch, mỗi ngày chèo xuồng ba lá chở khách đi tham quan trong khu sinh thái Cồn Chim, với thù lao 200 nghìn đồng/người.

Ông Nguyễn Đình Giới - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn đánh giá cao mô hình HTX TM&DV Cồn Chim Xanh: “HTX này không chỉ giải quyết vấn đề rác thải ở Cồn Chim, mà còn giúp người dân hiểu rõ và chung tay bảo vệ môi trường đầm Thị Nại; tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn góp phần phát triển du lịch địa phương”.

ÁI TRINH -

Chi cục Thủy sản Bình Định, 110 Trần Hưng Đạo,

TP. Quy Nhơn, Bình Định

ÁI TRINH - Chi cục Thủy sản Bình Định, 110 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn, Bình Định