Môi trường

Trồng cây năng lượng trên đất mỏ: Giải pháp phục hồi môi trường hiệu quả

Thuỷ Nguyễn 31/10/2024 - 12:29

(TN&MT) - Ngày 31/10, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phối hợp với Viện Độc lập về các vấn đề môi trường (UFU) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án trồng cây năng lượng trên đất mỏ sau khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên thiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng, Cộng hòa Liên bang Đức đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

_mg_1007.jpg
Bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Trải qua hơn 20 năm, đến nay, các hoạt động hợp tác về bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là việc kết quả triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã góp phần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm; đồng thời nâng cao năng lực về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực bảo vệ môi trường đất nói riêng cho đội ngũ cán bộ quản lý của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Dự án “Trồng cây năng lượng trên đất mỏ sau khai thác khoáng sản” là một trong các dự án hợp tác của hai Bộ đã được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2015. Trải qua hai giai đoạn, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dự án được thực hiện với mục tiêu để đánh giá tính khả thi của việc tái sử dụng diện tích đất sau khai thác khoáng sản để trồng cây năng lượng, trên cơ sở đó vừa thực hiện cải tạo, phục hồi đất sau khai thác khoáng sản, vừa làm tăng giá trị sử dụng của các diện tích đất nghèo dinh dưỡng.

Đánh giá về kết quả thực hiện Dự án, bà Nguyễn Thị Thiên Phương cho biết, sau gần 10 năm thực hiện, dự án đã phối hợp với các cơ quan quản lý môi trường của nhiều địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp để đảm bảo các kết quả của dự án được thực hiện một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với các quy định quản lý hiện hành.

Đặc biệt, Dự án đã có những đóng góp cả về lý luận và cơ sở thực tiễn cho việc cải tạo, phục hồi đất sau khai thác khoáng sản ở trên cả phương diện môi trường, kinh tế và bảo vệ khí hậu.

_mg_1032.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã chia sẻ các kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm trong quá trình triển khai Dự án, đồng thời bàn thảo để mở rộng các nghiên cứu, các dự án hợp tác tiếp theo trong thời gian tới.

_mg_1029.jpg
Tiến sĩ Michael Zschiesche, Giám đốc điều hành, Viện Độc lập các vấn đề về môi trường phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Michael Zschiesche, Giám đốc điều hành, Viện Độc lập các vấn đề về môi trường cho biết, thời gian qua, Viện đã phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng danh sách các khu khai thác mỏ bị bỏ hoang; thử nghiệm trồng cây có khả năng sản sinh năng lượng sinh học tại các khu khai thác mỏ đã đóng cửa; xác định tiềm năng tận dụng và các phương pháp sử dụng sinh học khối; đánh giá tính kinh tế của việc trồng cây có khả năng sản sinh năng lượng sinh học; dự đoán các tác động do biến đổi khí hậu…

Theo đó, Dự án đã tiến hành lựa chọn, trồng thử nghiệm các cây trồng năng lượng trên bãi thải của 3 khu vực khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên, Lâm Đồng và Quảng Ninh.

“Cây trồng năng lượng” mà Dự án tiếp cận là những cây có thể sử dụng để sản xuất năng lượng sinh học trực tiếp, hoặc các cây làm thức ăn, tạo năng lượng gián tiếp thông qua sản xuất khí sinh học. Đồng thời, với đặc điểm các bãi thải sau khai thác khoáng sản hầu hết là những khu vực đất nghèo dinh dưỡng, đất trống nên cây năng lượng giúp mở rộng diện tích trồng, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí nhà kính.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại cây trồng năng lượng giúp nâng cao giá trị kinh tế của khu vực bãi thải sau khai thác khoáng sản bằng cách tạo ra nguồn năng lượng mới như khí sinh học, nhiên liệu sinh học để chế biến nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, tạo nguồn thức ăn chủ động cho con người và vật nuôi trong điều kiện đất canh tác có hạn.

_mg_1040.jpg
Ông Mr. Fabian Stolpe, Phó Trưởng phòng Luật Môi trường và Tham gia cộng đồng, UfU phát biểu

Đánh giá tổng quan về Dự án, ông Mr. Fabian Stolpe, Phó Trưởng phòng Luật Môi trường và Tham gia cộng đồng, UfU cho rằng, những loại cây có khả năng sản sinh năng lượng sinh học (keo lai, cỏ VA06, cao lương, sắn, mía đường…) được trồng tại 3 khu có đặc điểm khai thác khoáng sản khác nhau: Mỏ than tại Quảng Ninh, mỏ bô xít tại Lâm Đồng, mỏ ti tan tại Núi Pháo (Thái Nguyên) và đều đạt được nhiều kết quả khả thi. Dự án cũng triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các khu đất sau khai thác mỏ nhằm tăng cường công tác quản lý.

Đánh giá tiềm năng trồng cây năng lượng các vùng biên tại Việt Nam, ông Dr. Harald Mark, Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Dr. Mark, Dr. Schewe & Partner cho biết, các chuyên gia của Dự án đã tiến hành lựa chọn các cây trồng có khả năng thích ứng cao với điều kiện khô hạn, thiếu dinh dưỡng, có khả năng tạo năng lượng. Theo đó, Khu vực 1 – tại bãi thải khai thác khoáng sản tại Núi Pháo, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) được trồng keo lai Úc, cao lương, cỏ VA06, sắn trồng xen đậu xanh. Khu vực 2 – tại bãi thải mỏ than Hà Tu, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) được trồng cao lương xen cây cốt khí và keo tai tượng. Khu vực 3 – tại khu bãi thải khai thác quặng Bauxit tại huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) trồng cây cọc rào, hướng dương, sắn.

Theo ông Dr. Harald Mark, qua việc trồng thử nghiệm các loại cây trên khu vực bãi thải sau khai thác khoáng sản đã đem lại những kết quả khả quan. Cụ thể, cây cao lương thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu khu thử nghiệm, khả năng chịu hạn tốt, vụ đầu cho năng suất sinh khối khá cao, hàm lượng đường cao, có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ethanol. Tuy vậy, tốc độ sinh trưởng và năng suất sinh khối của các loại cây cũng dao động lớn, phụ thuộc vào tính chất vật lý, hóa học của khu vực bãi thải.

_mg_1062.jpg
Ông Trương Thế Mạnh, Phó Giám sát Trưởng phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Công ty Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ về kết quả sau 8 năm trồng cây năng lượng tại Núi Pháo ở miền Bắc Việt Nam, ông Trương Thế Mạnh, Phó Giám sát Trưởng phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Công ty Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong thời gian thực hiện trồng cây của Dự án từ năm 2016 đến nay, khu vực Núi Pháo chứa đất đá thải trong quá trình xây dựng sau đó được phủ lớp đất mặt dày khoảng từ 0,5 – 1 m, nên thuận lợi cho quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Theo ông Trương Thế Mạnh, từ kết quả khảo sát, Công ty đã có hướng dẫn cụ thể trong việc hoàn thiện hồ sơ cho những hạng mục cải tạo đã thực hiện để phục vụ cho quá trình xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác.

z5984925598216_479aa52d3007215e923e6cec7ba03728.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng đề xuất cơ hội cho cây năng lượng phát triển như: Tận dụng được các quỹ đất hoang hóa, quy hoạch treo; nhu cầu của thị trường về năng lượng sinh khối phát triển; đề ra chính sách và quy hoạch phát triển cây năng lượng của Nhà nước; thay đổi được nhận thức và tư duy đổi mới, thị trường của người dân.

Đồng thời, cần phát triển chuỗi sản xuất năng lượng, trong đó có các công nghệ sản xuất vật liệu trung gian, người dân thu hoạch cây năng lượng và sản xuất vật liệu trung gian, giảm khối lượng, thể tích, vận chuyển, có thể bảo quản lâu.

Thuỷ Nguyễn