E-magazine: Miền Trung - Dồn sức khắc phục hậu quả bão số 6

Môi trường - Ngày đăng : 16:03, 30/10/2024

(TN&MT) - Những ngày vừa qua, cơn bão số 6 (bão Trà Mi) đã gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản tại miền Trung. Để khắc phục hậu quả, các địa phương đang căng mình ứng phó sạt lở, lũ lớn sau bão, đồng thời khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, khôi phục lại giao thông, điện, viễn thông... nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân.
e-magazinemt(1).jpg

Những ngày vừa qua, cơn bão số 6 (bão Trà Mi) đã gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản tại miền Trung. Để khắc phục hậu quả, các địa phương đang căng mình ứng phó sạt lở, lũ lớn sau bão, đồng thời khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, khôi phục lại giao thông, điện, viễn thông... nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân.

1(3).jpg

Do ảnh hưởng của bão số 6, tại tỉnh Quảng Bình xuất hiện mưa to đến rất to gây ngập lụt hàng nghìn nhà dân, chia cắt, sạt lở nhiều khu vực, tuyến giao thông. Hiện chính quyền và lực lượng cứu hộ đã và đang khẩn trương triển khai biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dân và tài sản.

5a.jpg
Bão số 6 gây ngập lụt trên diện rộng ở các tỉnh, thành của miền Trung
5b(1).jpg
Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 6 với hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập úng
Giúp dân giằng chống nhà

Cảnh báo mưa lớn, đe dọa lũ quét
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 28/10 đến đêm 29/10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 100 - 200mm, có nơi trên 350mm, cảnh báo nguy cơ có mưa cường suất lớn (>100mm/3h). Ngày và đêm ngày 30/10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 30 - 60mm, có nơi trên 80mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng thấp trũng, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn đồi

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tập trung lực lượng và phương tiện cho công tác phòng, chống, nhất là các xã vùng trũng, các điểm sạt lở, xung yếu; bảo đảm an toàn cung cấp điện, thông tin thông suốt.

Các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, huy động lực lượng, phương tiện, bám chắc địa bàn, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão số 6, tại địa phương có mưa lớn, mực nước các sông dâng cao đã gây ngập ở các ngầm tràn và chia cắt các tuyến đường khu vực miền núi thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông; ngập lụt, ngập úng địa bàn vùng đồng bằng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Sau khi kiểm tra thực tế công tác ứng phó mưa bão, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng lưu ý, hiện tại mặc dù trời đã hết mưa nhưng nước trên các sông vẫn đang tiếp tục lên. Cùng với ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão số 6 có khả năng tiếp tục gây mưa lớn. Do vậy, đề nghị các địa phương tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ; thực hiện nghiêm túc việc phân công trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chủ động triển khai phương án ứng phó.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, bão số 6 đã khiến 2 người chết, 230 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều nơi ven biển, đầm phá và khu vực trũng thấp bị ngập và xâm thực. Trong đó ở thị trấn Lăng Cô có gần 50 nhà ngập từ 1,0 - 1,5m. Cây xanh ngã đổ khắp nơi.

Sóng lớn, triều cường khu vực bờ biển giáp ranh xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP. Huế)
5c.jpg
Bờ biển ở Thừa Thiên – Huế bị sóng đánh tan hoang sau bão số 6

Nghiêm trọng hơn, sóng lớn, triều cường đã làm khu vực bờ biển giáp ranh xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP. Huế) tiếp tục bị sạt lở, phá hỏng toàn bộ hệ thống kè vừa được xây dựng trước đó ít ngày, cuốn trôi một đoạn đường phục vụ du lịch ra biển. Nhiều hàng quán ven biển bị gió làm xiêu vẹo, hư hỏng. Sau bão, sóng biển liên tục đánh vào bờ, ngoạm sâu vào đất liền, uy hiếp khu dân cư ở gần đó.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, sau khi bão tan, lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục, đặc biệt là tình hình sạt lở bờ biển. Tỉnh yêu cầu các địa phương cử cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý.

Ghi nhận bão tại Cù Lao Chàm, Quảng Nam

"Hiện các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành an toàn, tham gia cắt giảm lũ cho hạ du. Những ngày tới, mưa lớn vẫn còn tiếp tục, các địa phương trong tỉnh lưu ý đến các vùng thấp trũng, ngập cục bộ; chủ động nắm bắt thông tin để kịp thời ứng cứu cho người dân; lưu ý tại các khu vực có đông dân cư cần chủ động các phương án di dời, đảm bảo an toàn...", ông Phương nhấn mạnh.

2(2).jpg

Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, tính đến 7 giờ ngày 28/10, trên địa bàn thành phố có 51 nhà bị ngập tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang; hơn 60 nhà bị tốc mái hoàn toàn và một phần.

5d(1).jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục

Bão số 6 gây nhiều thiệt hại tại Quảng Bình:
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến 10h ngày 28/10/2024, mưa lũ đã gây ngập lụt 17.628 nhà dân, trong đó huyện Lệ Thủy: 12.361 nhà, huyện Quảng Ninh: 4.897 nhà, thành Phố Đồng Hới: 370 nhà. Mưa lũ cũng gây chia cắt 44 thôn bản, gồm huyện Lệ Thủy 5 thôn, bản; huyện Quảng Ninh 38 thôn, bản; huyện tuyên Hóa 1 thôn. Hơn 70 điểm giao thông bị ngập.
Đợt mưa lũ lần này đã khiến 1 người chết (Lê Ngọc Hơn, sinh năm 2002, ở thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) do bị nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại khu vực hồ Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy. Và 3 tàu cá bị chìm mang số hiệu QB 17186 TS, QB 11567 TS, QB 11612 TS.

Mưa lớn trút xuống kèm gió mạnh khiến gần 1000 cây xanh đô thị ở Đà Nẵng bật gốc, ngã đổ, tập trung nhiều nhất là ở quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Ngay sau khi mưa tạnh, lực lượng chức năng đã nhanh chóng ra quân thu dọn cây ngã đổ sau bão, đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương dọn vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sau bão, lũ theo phương án, kế hoạch đã được duyệt. Đồng thời, triển khai công tác sửa chữa, khắc phục nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng sớm ổn định đời sống cho nhân dân; tiếp tục thống kê thiệt hại trên các lĩnh vực, khẩn trương khắc phục các công trình, trụ sở, cơ sở hạ tầng,... bị hư hỏng.

Tuy bão số 6 không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam nhưng ảnh hưởng của bão gây mưa to và gió lớn đã khiến gần 20 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều diện tích nông nghiệp bị hư hại. Một số tuyến đường bị cây cối ngã đổ, sạt lở khiến giao thông bị gián đoạn. Các địa phương miền núi như Tây Giang, Hiệp Đức xuất hiện các điểm sụt lún, sạt lở bất thường.

quannam4.jpg
Lực lượng xung kích cắt cây đổ tại Quảng Nam

Hiện nay, các lực lượng xung kích đã cơ bản khắc phục các điểm sạt lở và thông tuyến. Toàn bộ 30hộ/156 nhân khẩu tại Khu dân cư Nà Nổ (Hiệp Đức) đã được sơ tán đến trường tiểu học, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để bà con ăn ở và sinh hoạt.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, theo dự báo, sau khi bão số 6 đi qua, nguy cơ trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra ngập lụt, sạt lở vì mưa lớn kéo dài. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tỉnh đã yêu cầu các địa phương cho rà soát kỹ những khu vực có nguy cơ sạt lở và sạt lở cao. Trước hiện tượng một số quả đồi ở các huyện vùng cao xuất hiện hàng loạt vết nứt, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố tình huống khẩn cấp và triển khai ngay các giải pháp đảm bảo an toàn.

"Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là tình trạng sạt lở do mưa lớn sau bão số 6 ở các huyện miền núi Tây Giang, Hiệp Đức, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, rà soát, chủ động phương án bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra phương án sớm tổ chức khảo sát, đánh giá chọn vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng." - ông Hồ Quang Bửu cho hay.

6.jpg

Nội dung: Lan Anh - Văn Dinh - Phan Tiến
Trình bày:
Tùng Quân

3(3).jpg

Nội dung: Lan Anh - Văn Dinh - Phan Tiến Trình bày: Tùng Quân