Biến đổi khí hậu

Nguồn thu từ "bán không khí", tạo động lực cho người dân giữ rừng

Thanh Tâm 30/10/2024 - 10:21

Giai đoạn năm 2023 - 2025, Thanh Hóa thu hơn 162 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Nguồn thu từ “hơi thở của rừng” góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, tái tạo nguồn tài nguyên rừng, giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời bổ trợ nguồn lực cho các tổ đội bảo vệ rừng cộng đồng.

“Quả ngọt” từ rừng

Hơn 20 năm trông coi bảo vệ khu rừng tự nhiên đầu nguồn tại địa phương, anh Lương Văn Bảy (40 tuổi, thôn Tân Hiệp, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) nghĩ đơn giản đó bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của chính gia đình mình cũng như người dân trong thôn, rừng cũng chính là nơi chở che để tránh được những trận lũ càn quét. Anh xem đó là trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng và xã hội.

Hàng năm gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ gạo trên diện tích rừng được giao khoanh nuôi bảo vệ. Anh luôn làm vì cái tâm và hết sức trách nhiệm. Anh Bảy cũng như nhiều người dân nơi đây chưa bao giờ nghĩ sẽ được nhận thêm khoản tiền từ việc bán tín chỉ carbon.

a-bay.jpg
Anh Bảy phấn khởi khi diện tích rừng mình canh giữ đã sinh lời

Anh Bảy bộc bạch: Gia đình tôi được giao khoán bảo vệ hơn 40ha rừng tự nhiên, đợt vừa rồi tôi nhận được gần 6 triệu tiền bán tín chỉ carbon. Người dân như chúng tôi không hiểu gì quá lớn, chỉ đơn giản hiểu theo nghĩa cán bộ giải thích là giữ được màu xanh của rừng, sẽ có nguồn thu. Tôi rất phấn khởi, vì khu rừng mình canh giữ bao nhiêu năm qua đã sinh lời.

Năm 1997, gia đình bác Lương Trung Thành (64 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, Như Xuân) cũng nhận nhận bảo vệ 34ha rừng tại tiểu khu 578, cách nhà 14km. Dù đường xa, đi lại khó khăn nhưng chưa khi nào bác Thành bỏ quên trách nhiệm của mình. Đều đặn tháng hai lần bác đều cặm cụi một mình cơm đùm, cơm nắm, khát uống nước suối xuyên rừng vào kiểm tra, nếu có bất thường sẽ lập tức báo cáo với kiểm lâm địa bàn.

Gần 30 năm, diện tích bác Thành được giao khoán bảo vệ vẫn xanh mướt, chưa bị tác động bởi con người. Năm vừa qua, được nhận hơn 4 triệu đồng từ bán tín chỉ carbon. Bác Thành tâm sự số tiền đó không phải quá lớn, nhưng với người gắn bó với rừng, coi rừng như nhà, là nguồn khích lệ, tạo thêm động lực, giúp bác gắn bó và bảo vệ rừng tốt hơn.

a3.jpg
Nhờ giữ rừng tốt, những cánh rừng ở huyện Như Xuân còn nhiều cây gỗ lớn

Bác Thành cho hay, rừng ở Thanh Quân có độ dốc lớn, người đi rừng phải có sức khỏe, kinh nghiệm mới tránh bị lạc. Trước đây, Thanh Quân được coi là điểm nóng về chặt phá rừng, những người giữ rừng càng phải gai góc, can đảm.

Nhờ sự chung tay bảo vệ rừng của bà con trong thôn cùng lực lượng chức năng, những cánh rừng ở Thanh Quân đã giữ được màu xanh, an ninh rừng luôn được giữ vững. Người dân sống gần rừng được hưởng lợi từ những lâm sản phụ, góp phần ổn định cuộc sống.

Đã gần 30 năm qua, diện tích rừng được giao khoán bảo vệ trở thành công việc bác càng thấy có sự gắn kết kỳ lạ với rừng. Những người giữ rừng như bác làm bằng chính lương tâm và sự tử tế với rừng.

“Lợi ích kép” từ bán tín chỉ carbon

Trên địa bàn xã Thanh Quân có hơn 2.400ha rừng tự nhiên, được giao cho 215 hộ trông coi, bảo vệ, đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon. Năm 2023, xã Thanh Quân được chi trả 313 triệu đồng từ việc bán tín chỉ carbon.

Ông Lục Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, cho biết: Số tiền bán tín chỉ carbon không lớn nhưng các hộ phấn khởi, tạo động lực cho người dân tăng cường, quyết tâm bảo vệ rừng. Người dân hiểu được giữ rừng là có tiền, tiền sinh ra từ rừng.

Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết năm 2023, toàn huyện có khoảng 29.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, thu về hơn 3,7 tỷ đồng.

a1.jpg
Nguồn thu từ "bán không khí", tạo động lực cho người dân giữ rừng.

Theo ông Đạt, có 1.112 hộ dân và 6 chủ rừng nhà nước, 6 UBND cấp xã trên địa bàn huyện được nhận số tiền từ bán tín chỉ carbon.

"Việc thu lợi từ bán tín chỉ carbon hướng đến thực hiện mục tiêu "3 trong 1" gồm: tăng nguồn thu nhập, tạo động lực, tính chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ, gắn bó với rừng; từng bước thay đổi nhận thức của bà con về vai trò, tác dụng của rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống", ông Đạt chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng quản lý Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho biết, Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính.

Bán tín chỉ carbon có ý nghĩa lớn trong việc tăng nguồn thu nhập cho các chủ rừng; hỗ trợ sinh kế cho các nhóm cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; giảm áp lực phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép; làm giàu rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia và hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây cũng là tiền đề cho việc phát triển đề án bán tín chỉ carbon rừng.

“Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có hơn 393.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, số tiền hơn 162 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư” – ông Tuấn cho biết thêm.

Giai đoạn 2023-2025, Thanh Hóa có hơn 393.000ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, thu về hơn 162 tỷ đồng. Thị trường carbon phát triển mở ra cơ hội tạo nguồn lực tài chính bổ sung cho lâm nghiệp thông qua các cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon.

a2.jpg
Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon góp phần bổ trợ nguồn lực cho các tổ đội bảo vệ rừng cộng đồng.

Ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, vấn đề môi trường và sự phát triển bền vững trở thành những thách thức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến sự phát triển bền vững thông qua bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu lượng khí thải carbon, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm chất thải.

“Xu hướng là: Nếu các doanh nghiệp phát thải nhà kính nhiều sẽ phải trả tiền. Số tiền ấy được nhà nước chi trả cho các cá nhân, cộng đồng, lực lượng tham gia bảo vệ rừng, làm giàu rừng. Qua đây, tạo nên chuỗi tuần hoàn khép kín từ khâu bảo vệ đến quản lý, phát triển rừng. Có như vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sẽ có ý thức giữ gìn môi trường, cùng chung tay, đồng hành cùng lực chức năng bảo vệ, phát triển rừng bền vững”, ông Thái chia sẻ.

Ông Thái cho biết, với phương châm: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế” buộc các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có chiến lược bảo vệ môi trường. “Việc đầu tư vào ESG, bán “hơi thở của rừng” đánh thức tiềm năng phát triển rừng bền vững. Đây cũng xu hướng tất yếu, bước đi quan trọng trong tạo môi trường, xây dựng nguồn nhân lực bền vững có trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức để bảo vệ rừng”, ông Thái khẳng định.

Thanh Tâm