Thông tin cần biết

Nhiều lợi ích khi áp thuế giá trị gia tăng với phân bón

H.L 30/10/2024 - 09:06

Với đề xuất áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thay vì miễn thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, các chuyên gia cho rằng, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng phân bón (nông dân) đều được hưởng lợi.

Báo Tài nguyên và Môi trường xin được lược ghi một số ý kiến tâm huyết của một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội.

* ĐBQH Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Tạo sự bình đẳng giữa sản xuất phân bón với tất cả các ngành sản xuất khác

Nội dung thảo luận về thuế giá trị gia tăng, đặc biệt là đối với sản phẩm phân bón trong dự thảo Luật Thuế giái trị gia tăng (sửa đổi) nhận được rất nhiều ý kiến của các ĐBQH. Trong đó, nhiều ý kiến lo ngại việc đánh thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho khu vực nông nghiệp, cho người nông dân là những người tiêu thụ các sản phẩm phân bón, làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường. Từ góc độ là đơn vị trực tiếp tham gia thẩm tra nội dung dự thảo Luật, tôi xin cung cấp thêm thông tin về đánh giá tác động đối với chính sách này.

dbqh-nguyen-van-chi-doan-dbqh-tinh-nghe-an-..jpg
ĐBQH Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, ĐBQH tỉnh Nghệ An

Trước tiên, từ góc độ đánh giá tác động có thể nghĩ ngay rằng, khi phân bón đang không chịu thuế mà chuyển sang áp thuế 5% thì mặt bằng giá sẽ bị tăng lên 5%. Điều này về lý thuyết rất đúng, nhưng chỉ đúng trong trường hợp: ví dụ sản phẩm này đang chịu thuế 2% bây giờ tăng thêm 5% lên 7% thì nhiều khả năng sẽ làm mặt bằng giá bị tăng lên 5%, do đội thêm phần thuế mới tăng thêm này. Tuy nhiên, phân bón là lĩnh vực rất đặc thù và khác biệt so với tất cả các sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường hiện nay - phân bón đang ở diện không chịu thuế. Do đó, tất cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ đối với toàn bộ giá trị thuế đầu vào, cho nên giá thành rất cao. Tất cả được cộng vào giá thành và cộng vào giá bán.

Trong khi đó, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào nên có lợi hơn hẳn. Chúng ta đã phân biệt đối xử giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu bằng cơ chế không chịu thuế. Hơn thế, phân bón sản xuất trong nước bị phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác trong nước, khi tất cả đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%,10%. Chính vì vậy, việc chuyển sang áp dụng thuế 5% với phân bón không có nghĩa mặt bằng giá sẽ tăng lên 5%, vì các doanh nghiệp phân bón trong nước có dư địa để giảm giá khi họ được khấu trừ phần thuế đầu vào. Không thể nói người nông dân hay khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Chúng ta nên để cho ngành sản xuất phân bón của chúng ta được đối xử một cách bình đẳng, theo đúng cơ chế thị trường, tức là phải được chịu thuế và được khấu trừ đầu vào như tất cả các ngành sản xuất trong nước khác.

* ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế

Khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT, xét trên nhiều góc độ: từ thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước; góp phần tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, có cơ hội hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.

z5980884449502_a598329c044ecfc11253f0e33a96ab20.jpg
ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ rõ trong các báo cáo, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế sẽ tháo gỡ khó khăn trong việc giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khi phân bón không thuộc diện chịu thuế, thách thức cũng rất lớn. Nếu đưa vào diện chịu thuế, thì có cơ hội hoàn thuế, giảm chi phí sản xuất, Chính phủ không có mong muốn gì khác, từ cơ hội doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thì có thể giảm giá bán, tạo lợi ích cho bà con nông dân. Do đó, nhất trí với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế. Tuy nhiên, áp thuế GTGT 5% hay 0% vào phân bón cần phải xem xét và phân tích cụ thể, phương án nào có lợi nhất cho bà con nông dân thì chúng ta điều chỉnh.

* ĐBQH Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: Người nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón đều hưởng lợi

Quy định áp mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) là nội dung được nhiều đại biểu cũng như cử tri quan tâm, trong đó có đông đảo cử tri là bà con nông dân vì sự thay đổi này có tác động trực tiếp tới đời sống, sinh kế của họ. Trách nhiệm của Quốc hội cũng như trách nhiệm của đại biểu buộc phải xem xét, đánh giá vấn đề này một cách hết sức thận trọng, thấu đáo về nhiều mặt.

qh520241029144214.jpg
ĐBQH Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Qua nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo và nội dung giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của cử tri là nông dân, của doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan, cá nhân cho rằng, có thể yên tâm về sự thay đổi này so với luật hiện hành. Yên tâm rằng việc áp thuế 5% đối với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Đồng thời, các báo cáo đánh giá còn cho thấy năng lực sản xuất phân bón rất lớn, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước; tỷ trọng phân bón nhập khẩu so với sản xuất trong nước chỉ chiếm 27%, nếu áp dụng thuế suất 5%, nhập khẩu vào cũng chịu 5% và cũng chịu sự điều tiết chung với phân bón trong nước.

Bên cạnh đó, mặt hàng phân bón là mặt hàng thuộc diện chịu sự kiểm soát và bình ổn giá của Nhà nước. Do đó, việc áp dụng thuế suất 5% chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất, đồng thời phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước và về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.

* PGS.TS Ngô Trí Long: Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% là hợp lý

Tôi đã dự nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức nhằm tìm ra mức thuế suất hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất và từ đó đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn khi không đánh thuế. Tại các cuộc hội thảo trước đó, có nhiều mức thuế suất 0%, 5%, 7% được đưa ra thảo luận, song theo ông, với mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở GTGT đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm 2-3%, từ đó, có cơ sở giá bán thấp hơn, nông dân sẽ được hưởng lợi.

Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế GTGT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam, trong khi ngân sách Nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu. Còn nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi ở mức 7-10% sẽ không thể hiện được ưu đãi của Nhà nước với ngành này.

Nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón… Do đó, tôi cho rằng, Quốc hội, Chính phủ nên sớm xem xét, sửa đổi quy định, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5%.

Việc ban hành quy định này sẽ tháo gỡ được những bất cập, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành phân bón. Bên cạnh đó, thông qua áp dụng mức thuế GTGT sẽ giúp doanh nghiệp trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Và quan trọng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.

* TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp phân bón phát triển ổn định

Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT. Rất tiếc sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, các viện, cơ quan nghiên cứu… hoặc không thực hiện hoặc không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh rằng áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón có lợi hay không chịu thuế có lợi hơn.

z5980886266266_061b983e1998d202e1894f319c2a8ab2.jpg
TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Việc ban hành Luật Thuế 71/2014/QH13 mục tiêu nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể từng mục tiêu sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực chúng ta thấy chưa thực sự khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước, việc tác động đến nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp không rõ ràng, các dự án sản xuất phân bón trong nước hoàn toàn được xây dựng vào giai đoạn trước năm 2014.

Bên cạnh đó, theo Luật Thuế 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các DN sản xuất trong nước, phát sinh những bất cập khiến nhiều DN sản xuất trong nước phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Nguyên nhân là các DN sản xuất phân bón trong nước phải cạnh tranh về giá bán khi gánh chịu chi phí thuế GTGT, trong khi lại không áp dụng với mặt hàng nhập khẩu cùng loại. Trong trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT với phân bón, phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.

z5980888520464_d34e816de69f1cf99fe4cdcc5729c28b.jpg
Nhiều lợi ích khi áp thuế giá trị gia tăng với phân bón

Để góp phần tháo gỡ những bất cập như đã nêu trên, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần thúc đẩy bền vững của ngành sản xuất phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị đề xuất sửa đổi áp dụng mức thuế suất GTGT 5% thay cho quy định hiện nay.

Lợi ích lớn nhất là bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi DN phân bón trong nước sản xuất ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân. Nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm. Nông dân mua phân bón nhập khẩu với giá cao hơn do phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.

H.L