Sửa đổi Luật Thuế GTGT tăng minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thay vì miễn thuế giá trị gia tăng là một bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu.
Cấp thiết sửa đổi Luật thuế GTGT
Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần tại Luật số 31/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 (dưới đây gọi chung là Luật thuế GTGT). Qua 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng.
Đơn cử, từ năm 2013 đến năm 2022, mặc dù, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu NSNN. Theo thống kê của cơ quan quản lý thu thì số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế, cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19), năm 2022 khoảng 24,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 3 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
Đơn cử như việc, phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT, trong khi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào (ở nước họ), nên thường rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu chỉ cần bán bằng giá hoặc thấp hơn một chút so với hàng sản xuất trong nước là chiếm lĩnh hết thị phần, vì tâm lý “sính hàng ngoại” của một bộ phận nông dân. Cũng chính vì điều này mà trong hàng chục năm qua, một số mặt hàng phân bón ngoại thường xuyên “neo” giá thấp hơn một chút so với phân bón nội. Cứ sản phẩm phân bón trong nước giảm một giá thì phân bón nhập khẩu cũng lại giảm theo, khiến sức cạnh tranh của phân bón nội rất yếu - trong khi đó doanh nghiệp phân bón nội không thể giảm giá mãi.
Ngoài ra, khi mặt hàng phân bón không bị áp thuế sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ không có cơ hội để đầu tư thêm dây chuyền máy móc phục vụ cho sản xuất. Vì khi đầu tư sẽ phải nhập khẩu máy móc, thiết bị và phải nộp thuế GTGT cho đầu vào mà không được khấu trừ, không được hoàn lại sẽ tích tụ và dồn vào giá thành.
Do đó, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón là một bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn tăng thu ngân sách Nhà nước. Khi doanh nghiệp được khấu trừ GTGT đầu vào, giá thành sản phẩm sẽ giảm, mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân và toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp.
Những điểm mới quan trọng
Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở những bất cập đó, cần thiết phải ban hành Luật thuế GTGT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Theo dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), về cơ bản, dự thảo Luật vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành, nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.
Một trong những quy định được dư luận quan tâm là về đối tượng áp dụng thuế suất 0%.Dự thảo bổ sung quy định cụ thể tên các hoạt động dịch vụ (HHDV) xuất khẩu (XK) được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% như sau: “Dịch vụ xuất là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”; Bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; Bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với HHDV XK.
Ngoài ra, bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm HHDV không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật, gồm: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó XK; Xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; Xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; HHDV cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.
Đồng thời, bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp. Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của NNT.
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến vào Kỳ họp Quốc hội thứ 7, tháng 5/2024 và dự kiến thông qua tại Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024.
Dự thảo Luật giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9). Bỏ 01 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ (Điều 14).
Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16). Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT.