Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông: Thu hút nhiều dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Nam Định đang vươn mình trở thành trung tâm dệt nhuộm bền vững của miền Bắc. Bằng cách thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn vào Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, tỉnh đã tạo nền tảng cho ngành dệt nhuộm phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường.
Đầu tư công nghệ cao để bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam vẫn đối mặt với sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, Nam Định đang nổi lên như một trung tâm quan trọng trong khâu dệt nhuộm và sản xuất vải - lĩnh vực từ lâu được xem là nút thắt trong chuỗi cung ứng.
Nỗ lực này thể hiện qua việc đón nhận nhiều dự án đầu tư vào công đoạn dệt nhuộm với công nghệ cao và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của ngành dệt may.
Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông đã thu hút một số lượng lớn các dự án sản xuất sợi và dệt nhuộm. Điển hình là dự án của Jinnor (Hong Kong) Limited với tổng vốn đầu tư 9 triệu USD. Hiện tại, nhà đầu tư đang tích cực thúc đẩy tiến độ các phần việc liên quan để tháng 10/2025 có thể hoàn tất xây dựng, đưa nhà máy vào sản xuất với tổng sản lượng sản xuất bình quân một năm đạt gần 50 triệu m2 các loại vải cao cấp như sợi cotton, poly, nylon, viscose, tencel.
Tương tự, nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited thuộc Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã khởi động dự án sản xuất vải nhuộm và không nhuộm với công suất dự kiến 55 triệu m² vải, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn đầu vào năm 2026. Sự hiện diện của các tập đoàn quốc tế như Crystal Denim Textiles không chỉ khẳng định vị thế của Nam Định mà còn thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ nhuộm thân thiện với môi trường.
Một dự án nổi bật khác là nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic do Công ty Jehong Textile Việt Nam đầu tư, với công nghệ tiên tiến giúp giảm thiểu lượng nước sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, qua đó góp phần xây dựng một ngành dệt may ít phát thải carbon.
Đáng chú ý, ngày 13/7, Công ty TNHH Top Textiles, thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vải Top Textiles công suất 60 triệu mét vải/năm tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vào hoạt động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Với công suất vận hành 60 triệu mét vải/năm của Công ty TNHH Top Textiles ở giai đoạn hiện nay đã gấp 4 lần công suất sản xuất vải của toàn tỉnh (công suất của tỉnh hiện nay là gần 15 triệu mét vải/năm).
Theo lộ trình đã đăng ký, Công ty TNHH Top Textiles tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025, nâng tổng công suất sản xuất đạt 120 triệu mét vải/năm.
Ông Kyuichi Fukumoto - Giám đốc Tập đoàn Dệt Pacific, đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH Top Textiles cho biết: “Việc tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội, và hướng tới mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất được Công ty đặc biệt chú trọng thực hiện.
Công ty đã chủ động đầu tư nhà máy xử lý nước thải có đầu ra đạt chuẩn cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT (là tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam về nước thải công nghiệp); lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe cao hơn cả yêu cầu đã đặt ra của ngành công nghiệp Việt Nam”.
Lộ trình phát triển bền vững
KCN Dệt may Rạng Đông, với quy hoạch giai đoạn đầu trên diện tích 519,6 ha và hệ thống xử lý nước sạch có công suất 170.000 m³/ngày đêm, là khu công nghiệp dệt may bền vững hàng đầu của Việt Nam. Các nhà máy tại đây được yêu cầu xử lý nước thải sơ bộ trước khi đổ vào hệ thống tập trung của KCN, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường.
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, sự phát triển của KCN Dệt may Rạng Đông đã giúp Nam Định khẳng định năng lực trong việc đón nhận các dự án lớn, sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Việc chuẩn bị hạ tầng công nghiệp theo mô hình sản xuất bền vững, phát thải thấp cho thấy tỉnh Nam Định đã sẵn sàng góp phần vào Chiến lược phát triển ngành thời trang Việt Nam, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị gia tăng cao.
Nam Định với truyền thống dệt may lâu đời, nguồn nhân lực chất lượng và khả năng thích ứng với công nghệ mới, đang trên đà phát triển để trở thành trung tâm dệt may của miền Bắc Việt Nam. Sự chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ xanh và thu hút các dự án chất lượng đã đưa tỉnh này trở thành điểm đến hấp dẫn, không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và ổn định của ngành dệt may cả nước.