Phát triển Xanh

Ngành thủy sản tiên phong làm lạnh bền vững

Khánh Ly (thực hiện) 29/10/2024 - 07:28

(TN&MT) - Thủy sản hiện đứng thứ 5 trong các ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là ngành tiên phong trong việc sử dụng môi chất lạnh thân thiện với môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất, vừa tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế.

Động lực nào giúp cho ngành thủy sản lựa chọn đầu tư hiện đại hóa hệ thống đông lạnh để làm nền tảng phát triển bền vững? Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xung quanh vấn đề này.

7a(1).jpg
Ông Nguyễn Hoài Nam -
Phó Tổng thư ký Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

PV: Thưa ông, xin ông cho biết về hiện trạng sử dụng môi chất lạnh cho các khâu chế biến và xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Ngành thủy sản của Việt Nam đã đạt quy mô công nghiệp, có tới cả nghìn nhà máy xuất khẩu sử dụng thiết bị đông lạnh và kho trữ đông công nghiệp, phân bố chủ yếu tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó còn có rất nhiều cơ sở sản xuất thủ công, quy mô nhỏ để cung cấp hàng hóa đầu vào cho các nhà máy hoặc buôn bán nhỏ lẻ.

Có thể nói, chuỗi giá trị thủy sản chính là một chuỗi lạnh. Dù dùng biện pháp trực tiếp hay gián tiếp thì các khâu trong chuỗi vẫn phải sử dụng đến thiết bị lạnh. Đây là biện pháp lưu trữ tối ưu nhất hiện nay cho thực phẩm nói chung, và đặc biệt đối với thủy sản nói riêng. Điều này đồng nghĩa với lượng sử dụng môi chất lạnh trong ngành thủy sản rất lớn.

Hai loại môi chất lạnh phổ biến hiện nay là Freon và NH3 (Amoniac). Trong đó, NH3 được sử dụng phổ biến hơn trong vòng 15 năm qua vì không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Đứng ở góc độ ngành, VASEP và các đơn vị thành viên đều hiểu về những yêu cầu, công nghệ môi chất lạnh nào đang phù hợp hơn, tốt hơn cho môi trường, và kiểm soát phát thải các chất này thông qua quá trình đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất.

PV: Từ khi nào các thành viên Hiệp hội bắt đầu chú trọng vấn đề cải tiến và chuyển đổi công nghệ làm lạnh cũng như sử dụng các thiết bị có môi chất lạnh không gây hại cho môi trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Tôi sẽ tính từ thời điểm cách đây 35 năm, vào năm 1999 khi Việt Nam chính thức được đưa vào danh sách 1 gồm các quốc gia xuất khẩu sang châu Âu, tức là được công nhận về kiểm soát an toàn thực phẩm. Ngay sau đó, ngành thủy sản Việt Nam đã tiến vào giai đoạn chuyển đổi, nâng cấp mạnh mẽ để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Đó chính là bước hội nhập đầu tiên, và trong quá trình nâng cấp ấy bao gồm cả hệ thống thiết bị lạnh. Bởi, công suất sản xuất của nhà máy phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống lạnh.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ cách đây khoảng 15 năm. Khi đó, thế giới bắt đầu đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm môi trường và trách nhiệm xã hội.

Là người đã đồng hành cùng ngành thủy sản trong cả 2 giai đoạn đó, tôi nhận thấy có 3 động lực chính tạo nên sự chuyển biến rõ nét. Thứ nhất là sự phát triển của công nghệ làm lạnh trên thế giới. Nhật Bản, châu Âu và Mỹ là những nơi tiên phong trong ngành công nghiệp lạnh, công nghiệp máy nén và kèm theo là các xu hướng sử dụng môi chất. Việt Nam là bên sử dụng, có nghĩa quyền lựa chọn nằm trong tay chúng ta.

Thứ hai là yêu cầu của thị trường. Cùng với quy định pháp luật, các nhà mua hàng cũng yêu cầu các nhà cung ứng của phía Việt Nam sẽ phải sản xuất bền vững, đảm bảo trách nhiệm môi trường và trách nhiệm xã hội. Trong đó bao gồm cả các vấn đề liên quan đến hệ thống máy nén, thiết bị, hệ thống lạnh.

Động lực thứ ba đến từ chính nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề làm sao để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí vận hành. Ngành thủy sản đã hội nhập thị trường quốc tế từ sớm và sâu rộng, vì vậy, câu chuyện cạnh tranh cũng được đẩy cao. Ở đây, chúng ta cạnh tranh với các nước có nền sản xuất và khả năng cung ứng thủy sản ra thế giới tương tự như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Êcuado...

Hiên nay, nhiều đơn vị cung ứng thiết bị và dịch vụ thiết bị lạnh uy tín đã tham gia vào Hiệp hội VASEP. Điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành thủy sản để vừa có quy mô đáp ứng công suất sản xuất lớn, vừa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. VASEP có thể tự tin rằng doanh nghiệp thủy sản hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu thị trường, các quy định pháp luật liên quan.

7b.jpg
Ngành thủy sản đang tiên phong chuyển đổi sử dụng thiết bị, công nghệ làm lạnh thân thiện môi trường

PV: Việc sử dụng môi chất lạnh bảo vệ tầng ô dôn và không gây phát thải khí nhà kính có vai trò như thế nào trong việc giữ mức tăng trưởng cao như hiện nay của ngành thủy sản nước ta?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Trước xu hướng của thị trường, các nhà máy thủy sản Việt Nam phải thay đổi. Đây là yếu tố sống còn, quyết định xem họ có thể tiếp tục nhận được các hợp đồng lớn, hợp đồng lâu dài hay không.

Từ góc độ ngành và nhìn nhận theo con mắt của chuyên gia, chúng tôi thấy rằng, việc chuyển đổi rất có lợi về chi phí rẻ hơn và thân thiện hơn với môi trường, vừa không gây phá tầng ô-dôn vừa dễ vận hành, bảo trì.

Tính trên bài toán đầu tư, chi phí đầu tư những hệ thống thiết bị dùng NH3 lớn hơn Freon, nhưng đối với nhà máy quy mô công nghiệp, doanh nghiệp sẽ phân bổ đầu tư theo hướng ít hao hụt hơn trong thời gian dài. Và vì vậy, hệ thống mới rõ ràng sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp và kích thích họ mạnh dạn lựa chọn.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, các nhà máy quy mô công nghiệp sẽ va chạm với quy định pháp luật thường xuyên hơn và đặc biệt là với yêu cầu thị trường nhiều hơn. Vì vậy, họ sẽ chú trọng đến vấn đề đầu tư chuyển đổi công nghệ làm lạnh hơn doanh nghiệp ở quy mô thủ công. Điều này còn liên quan đến yếu tố nguồn lực căn cơ của mỗi doanh nghiệp để lựa chọn đầu tư. Vẫn sẽ có nơi sử dụng máy nén cũ cùng với loại môi chất lạnh thế hệ cũ. Và như vậy, ngành thủy sản vẫn đang còn dư địa để tiếp tục cải thiện vấn đề sử dụng môi chất lạnh theo hướng thân thiện môi trường. Hiệp hội vẫn tiếp tục khuyến cáo chuyển đổi để góp phần vào mục tiêu bảo vệ tầng ô-dôn và giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)