Biển đảo

Giữ xanh “quần đảo bão tố” - Bài 3: Xanh hóa Trường Sa

Mai Thắng - Địa chỉ: 38 Phước Sơn, đường 11, phường 11 Vũng Tàu 29/10/2024 - 07:27

(TN&MT) - Hàng trăm cây di sản có tuổi thọ nhiều năm, hàng ngàn cây xanh mọc khắp đảo nổi, hàng trăm vườn rau vươn dài nảy mầm tươi tốt ở các đảo chìm, đó là thành quả của chương trình "Xanh hóa Trường Sa"- một "chiến lược" lớn làm nức lòng lính đảo và thấm đẫm nghĩa tình sâu sắc.

Chiến lược "dài hơi".

Đồng hành với chiến lược xây dựng 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa "mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về nếp sống, thắm tình quân, dân" là chương trình "Xanh hóa Trường Sa". Chương trình khởi đầu từ năm 2023, nhưng thực chất việc trồng cây xanh ở Trường Sa đã được cán bộ, chiến sĩ triển khai từ rất sớm, ngay sau những ngày đầu Trường Sa giải phóng.

13d.jpg
Những mầm xanh ngoài "Pháo đài canh biển"

Trường Sa được coi là "quần đảo bão tố" không chỉ vì điều kiện thời tiết mà còn là địa hình, địa chất. Ngoài đảo Sơn Ca có thổ nhưỡng chất mùn dầy và lớp phân chim hải âu từ xưa để lại, cơ bản các đảo còn lại thổ nhưỡng là sỏi đá, cát trắng và san hô cứng. Do khí hậu khắc nghiệt, cộng với thổ nhưỡng khắt khe, khô cứng, việc trồng cây trên đảo khó khăn nhiều lần so với đất liền.

Năm 2009, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội có chủ trương lớn đầu tư phát triển Trường Sa bảo đảm về cơ sở hạ tầng, vừa để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam, vừa tạo thế trận phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, từ sớm, từ xa; đồng thời nhằm "cải thiện" khí hậu vốn nóng nực, khô rát ở đảo.

Đồng hành với chiến lược bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, "Xanh hóa Trường Sa" cũng được hình thành. "Xanh hóa Trường Sa là chương trình dài hơi của Quân chủng Hải quân. Bên cạnh khẳng định chủ quyền còn tạo ra không gian sống xanh giữa nơi khí hậu đặc biệt khắc nghiệt. Mặt khác, "Xanh hóa Trường Sa" cũng khẳng định tinh thần làm chủ cuộc sống, tinh thần sống đẹp, nếp sống xanh của cán bộ, chiến sĩ ở các đảo nổi, đảo chìm. Chương trình "Xanh hóa Trường Sa" đã khoác tấm áo mới màu xanh lên đảo"- Đại tá Trần Văn Giáo, nguyên cán bộ Cục Chất lượng đo lường Quân chủng Hải quân chia sẻ.

Theo Đại tá Trần Văn Giáo, xanh hóa Trường Sa chính là cải thiện, ngọt hóa nguồn nước lợ và huy động các nguồn lực để trồng cây xanh quanh đảo. Hiện tại các đảo nổi đảo chìm nói chung đã phủ được từ 30 - 40% diện tích cây xanh so với diện tích bề mặt của đảo. "Xanh hóa Trường Sa" còn có ý nghĩa hạn chế, giảm thiểu, ngăn cản sức gió, mưa, bão tố đối với các công trình dân sinh, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm bám đảo, chắc tay súng giữ chủ quyền Tổ quốc.

"Ươm, chiết, nhân giống" - nguồn nhân lực tại đảo

Xác định "Xanh hóa Trường Sa" bên cạnh tuyên truyền sâu rộng "ăn sâu bám rễ" trong cán bộ, chiến sĩ, phải tận dụng nguồn nhân lựa và tài nguyên tại chỗ, nghĩa là phải triển khai cho bộ đội phát huy sáng kiến, sáng chế, kinh nghiệm, sở trường trong việc ươm, chiết, nhân giống cây xanh. "Các đảo nổi, đảo chìm có nhiều đồng chí có kinh nghiệm ươm, chiết cây. Có đồng chí gia đình có truyền thống làm cây cảnh nên rất thạo việc. Phát huy năng lực tại chỗ của bộ đội vừa tạo ra nguồn cảm hứng và phong trào thi đua; vừa phát huy "sở trường" của bộ đội. Cho đến nay, tất cả các đảo nổi, đảo chìm đều ươm, chiết, nhân giống được cây xanh" - Thượng tá Nguyễn Trung Quảng, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 4 cho biết.

13a.jpg
Những cây xanh được trồng quanh đảo. Ảnh: Vùng 4 HQ

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Trung Quảng, mục đích của chương trình "Xanh hóa Trường Sa" là trồng cây phủ xanh các đảo và củng cố vườn tăng gia, đảm bảo rau xanh cho bộ đội. Từ năm 2022 đến nay, Vùng 4 Hải quân đã vận động các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hơn 200 nghìn cây xanh các loại kèm theo đất màu, phân hữu cơ và các vật chất che chắn để trồng cây xanh.

Việc ươm, chiết, nhân giống cây xanh ở Trường Sa khó khăn gấp nhiều lần so với đất liền bởi khí hậu khắc nghiệt. Vậy mà dưới bàn tay khéo léo, chịu khó của cán bộ, chiến sĩ, hàng loạt cành cây bàng quả vuông được chiết thành công, hàng ngàn hạt bàng quả vuông giống, dừa nước nảy mầm đội đất chui lên.

Cũng từ đây, các tên "nghệ nhân chiến sĩ" ra đời như một sự ghi nhận thành quả lao động và cổ vũ phong trào trồng cây xanh ở đảo của cán bộ, chiến sĩ. "Nghệ nhân chiến sĩ" Nguyễn Thành Trung ở đảo Đá Tây A cho biết, gia đình anh có truyền thống làm nghề cây cảnh bonsai ở Nam Định nên việc ươm chiết, nhân giống cây xanh ở đảo không quá khó khăn.

Theo anh Trung: "Đảo Đá Tây A khí hậu khắc nghiệt hơn các đảo khác. Chiết cành nhân giống bắt đầu vào cuối năm. Tận dụng mùn đất đem ra từ đất liền, chúng tôi "buộc" vào những thân cây. Từ lúc buộc vào thân cây đến lúc nảy mầm từ 3 đến 4 tháng. Khi lá mọc dài khoảng 10cm thì đem cưa từng khúc và ươm ở những vị trí mát, có độ ẩm. Đối với hạt bàng quả vuông phải được ủ ươm mầm trong đất mùn, độ ẩm cao, và che nắng gió. Hàng ngàn hạt bàng quả vuông được chúng tôi ươm mầm, trồng thành công. Mỗi lần có đoàn khách từ đất liền ra thăm, chúng tôi đều gửi cây bàng quả vuông giống về đất liền để làm quà tặng. Xanh hóa Trường Sa đã tận dụng năng lực của cán bộ chiến sĩ tại chỗ và chúng tôi đã làm được điều đó nhiều năm nay".

Thiếu tá Nguyễn Chí Toàn, Phó Cụm trưởng Cụm 1 đảo Trường Sa Đông cho biết: "Chúng tôi luôn coi cây cối như người bạn. Dù thiếu nước đến mức nào thì chúng tôi vẫn luôn tiết kiệm, dành một lượng nước để tưới cây. Sau những giờ huấn luyện, việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh giúp chúng tôi thư giãn và cảm giác gần gũi với cuộc sống quê nhà".

Thiếu tá Toàn còn cho biết, được sự chỉ đạo của cấp trên, chỉ huy đảo tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp với khuôn viên của đơn vị. Vào mùa mưa, tranh thủ đất mềm, đơn vị tổ chức đào hố sẵn, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ, lá cây khô, rồi ủ phân xanh và phủ độn. Khi thời tiết phù hợp, đơn vị sẽ tổ chức trồng cây. Mỗi cây trồng mới, anh em đều có biện pháp che chắn gió, không để hơi muối mặn táp vào làm cây chết.

Bên cạnh đó, đảo cũng phát động nhiều phong trào để nâng cao ý thức xây dựng, bảo vệ môi trường sống, qua đó giúp bộ đội thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị hơn. Biết bao công sức của cán bộ, chiến sĩ đã bỏ ra cho cây phát triển tươi tốt trên đảo. Vì vậy, các đơn vị đều quản lý rất chặt chẽ, phân công chăm sóc theo từng loại cây và giao nhiệm vụ cho tổ chức đoàn, đoàn viên phụ trách các khu vực cây cụ thể.

Hằng năm, các đảo đều tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp thực hiện chương trình "Xanh hóa Trường Sa". Kết quả trồng, chăm sóc cây xanh cũng trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng.

Đảo Sơn Ca là đảo có hệ thống nước ngọt và đất mùn nhiều nhất, bởi thế, việc ươm mầm, chiết cây xanh ở đây dễ dàng hơn so với các đảo khác. Những "nghệ nhân" đảo Sơn Ca đã ươm hàng ngàn cây giống. Những cây giống đó được chuyển đến các đảo chìm khác như Cô Lin, Len Đao, Đá Tây A,B,C.

Trung úy Trần Văn Lợi - Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo Cô Lin chia sẻ: "Việc ươm mầm giống ở đảo Cô Lin vô cùng khó khăn, bởi thế chúng tôi lấy cây giống từ các đảo nổi như Sơn Ca, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông. "Xanh hóa Trường Sa" không chỉ trồng cây xanh phủ kín đảo, mà còn tăng cường trồng rau xanh, nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống bữa ăn bộ đội".

Gần 50 năm sau giải phóng, các đảo nổi đảo chìm trong quần đảo Trường Sa đang từng ngày "thay da đổi thịt", khoác trên mình màu áo mới. Đó không chỉ là màu áo mới của hàng ngàn cỏ cây hoa lá được mọc khắp trên đảo, mà còn nếp sống xanh, nếp sống đẹp của cán bộ chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, để mỗi lần những đoàn khách từ đất liền ra Trường Sa đều trầm trồ khen ngợi "Trường Sa hôm nay xanh quá, khác hẳn ngày xưa".

Mai Thắng -

Địa chỉ: 38 Phước Sơn, đường 11, phường 11 Vũng Tàu

Bài 4: Những mầm xanh ngoài "Pháo đài canh biển"

Mai Thắng - Địa chỉ: 38 Phước Sơn, đường 11, phường 11 Vũng Tàu