Xã hội

Áp dụng các chính sách về thuế để giải quyết vấn nạn y tế của thuốc lá

Mai Đan 28/10/2024 - 15:12

(TN&MT) - Nhóm nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa kêu gọi các quốc gia áp dụng các biện pháp để giảm tiêu dùng thuốc lá như tăng thuế thuốc lá và tạo thêm nhiều môi trường không hút thuốc hơn. Đây cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo triển khai tại Việt Nam.

Sáng kiến cấm bán thuốc lá ngăn 1,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi vào cuối thế kỷ 21

IARC đưa ra khuyến nghị trên khi vừa công bố kết quả của nghiên cứu mô hình hóa trên tạp chí The Lancet Public Health. Theo đó, nếu cấm bán thuốc lá cho 650 triệu người sinh trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2010, khoảng 1,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi sẽ được ngăn chặn vào năm 2095.

Theo WHO, hút thuốc là nguyên nhân gây ra khoảng 85% trường hợp ung thư phổi, căn bệnh ung thư gây tử vong cao nhất trên thế giới. Nghiên cứu của IARC cho thấy, nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, sẽ có gần 3 triệu trường hợp tử vong do hút thuốc trong số những người sinh từ năm 2006 đến năm 2010, tuy nhiên nếu cấm bán thuốc lá cho 650 triệu người ở lứa tuổi này, khoảng 1,2 triệu ca tử vong sẽ được ngăn chặn vào năm 2095.

article_5837481819_2x.jpg
Theo IARC, nếu cấm bán thuốc lá cho 650 triệu người sinh trong thời gian từ năm 2006 - 2010, khoảng 1,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi sẽ được ngăn chặn vào năm 2095

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu về các ca mắc và các ca tử vong do ung thư tại 185 nước trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy hơn 45% số ca tử vong do ung thư ở đàn ông trên thế giới có thể được ngăn chặn, và con số này ở phụ nữ là gần 31%.

Bà Isabelle Soerjomataram, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sự khác biệt này có liên quan đến tiếp thị nhằm vào giới của ngành công nghiệp thuốc lá trong vài thập niên qua.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng tại một số khu vực, Bắc Mỹ và một số khu vực châu Âu, Australia và New Zealand, việc chấm dứt bán thuốc lá có thể ngăn chặn nhiều ca tử vong ở phụ nữ hơn ở đàn ông. Cụ thể, 78% ca tử vong ở phụ nữ Tây Âu có thể được ngăn chặn, trong khi tỷ lệ cao nhất đối với đàn ông là gần 75% ở Trung và Đông Âu.

Nghiên cứu cảnh báo những ca tử vong mà các nhà khoa học đánh giá không thể ngăn chặn có thể do các yếu tố nguy cơ khác liên quan đến ung thư phổi, như ô nhiễm không khí hoặc hút thuốc thụ động.

Sáng kiến thế hệ không hút thuốc đã được thực hiện tại một số nước, như New Zealand và một số khu vực của Australia và Mỹ. Năm 2022, New Zealand trở thành nước đầu tiên cấm bán thuốc lá cho những người sinh sau năm 2008. Tuy nhiên, cuối năm 2023, chính phủ nước này thông báo có kế hoạch từ bỏ biện pháp này.

Trái lại, chính phủ mới tại Anh ủng hộ kế hoạch của cựu Thủ tướng Rishi Sunak cấm bán thuốc lá cho những người sinh sau tháng 1/2009.

Các tác giả nghiên cứu của IARC nhấn mạnh các chính sách thế hệ không hút thuốc là không đủ để giải quyết vấn nạn y tế của thuốc lá, đặc biệt đối với những người hút thuốc hiện nay. Nhóm nghiên cứu kêu gọi áp dụng các biện pháp đã chứng minh có hiệu quả như tăng thuế thuốc lá và tạo thêm nhiều môi trường không hút thuốc hơn, cũng như hỗ trợ nỗ lực bỏ hút thuốc.

Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá

Tăng thuế thuốc lá cũng là biện pháp được nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị triển khai áp dụng tại Việt Nam. Tại một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức gần đây, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để Việt Nam đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, giúp tăng ngân sách Nhà nước. Ước tính, nếu thuế thuốc lá tăng 10%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giảm từ 5-8%”.

Theo TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cải cách chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam có thể làm giảm đáng kể tác hại của thuốc lá đối với sự phát triển và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Bà cho biết, Việt Nam có thuế thuốc lá rất thấp, với mức thuế chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá trong năm 2022, thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, trong khi thu nhập tiếp tục tăng nhanh khiến khả năng chi trả cho tiêu dùng thuốc lá tiếp tục tăng. Hơn nữa, thuế hiện đang áp dụng là thuế theo tỷ lệ đơn thuần, sẽ có xu hướng khuyến khích sản xuất các nhãn hàng thuốc giá rẻ, điều đó sẽ làm cho giới trẻ dễ dàng tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc.

tang-thue-tieu-thu-dac-biet-de-giam-ty-le-hut-thuoc-la-20241021212250.jpg
Tăng thuế thuốc lá là biện pháp được nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị triển khai áp dụng tại Việt Nam

Các thực hành quốc tế tốt theo khuyến cáo của WHO đang được thực hiện ở ngày càng nhiều quốc gia là sử dụng hệ thống tính thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối hoặc hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ), đảm bảo thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ.

Đối với thuốc lá, WHO khuyến nghị Việt Nam tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đáng kể bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối theo lộ trình và giữ nguyên thuế theo tỷ lệ. Thuế tuyệt đối nên áp tối thiểu 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng hàng năm lên tới 15.000 đồng mỗi bao vào năm 2030.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế cũng cho rằng việc tăng đáng kể mức thuế và giá thuốc là là biện pháp hiệu quả nhất để giúp giảm tỷ lệ hút thuốc. Tuy nhiên, bà cho biết, theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ. WHO khuyến nghị tỷ lệ này cần đạt ít nhất 70% - 75% giá bán lẻ.

Ngoài ra, khi hiệu chỉnh giá thuốc lá theo giá thị trường năm 2020, giá một bao thuốc lá đang có xu hướng giảm, năm 2010 giá một bao thuốc là 15,1 nghìn đồng và đến năm 2020 giảm còn 14,7 nghìn đồng. Do vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO.

Bên cạnh đó, cần quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Mai Đan