Trong nước

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt nhiều kết quả quan trọng

Thanh Tùng - Khương Trung 26/10/2024 - 14:30

Đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn, vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết nhiều địa phương đã rất nỗ lực, thực hiện đạt kết quả tốt như Nam Định, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.

Sáng 26/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tình hình thực hiện NSNN năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN. Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH. Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.

Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Yên Bái, Bình Phước và Bình Thuận. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận chủ trì phiên thảo luận.

Sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện, 176 đơn vị hành chính cấp xã

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhiều ý kiến phát biểu tại Tổ. Đánh giá khái quát về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực rất khó khăn thì kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả đó là do sự nỗ lực của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và cả hệ thống chính trị. Năm 2024 là năm chứng kiến sự phát triển toàn diện, khi 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; nếu chỉ tiêu GDP đạt 7% thì sẽ đảm bảo đạt 15/15 chỉ tiêu đề ra.

a.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu thảo luận. Ảnh: Khương Trung

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, một số điểm nhấn của kinh tế xã hội 2024 có thể kể đến là tăng trưởng kinh tế cao, khi Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao hàng đầu của thế giới; quy mô nền kinh tế đứng thứ 34 trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn đảm bảo; đặc biệt, kiểm soát tốt lạm phát. Công tác thể chế được quan tâm, dù vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhưng đây cũng cho thấy nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, chúng ta cũng thực hiện rất tốt quan điểm tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Điều này một mặt thể hiện tính nhân văn của thể chế chính trị đồng thời thể hiện đúng quan điểm phát triển của đất nước ta.

Thông tin với các đại biểu Quốc hội về kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là chủ trương lớn, vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Tuy nhiên, vừa qua nhiều địa phương rất nỗ lực. Trong 54 địa phương trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có 51 địa phương thực hiện, 3 địa phương do có những yếu tố không thực hiện được. 3 địa phương gồm Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu, nguyên nhân là do việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố với đơn vị hành chính nông thôn để tạo không gian phát triển mới nhưng lại không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nên phải dừng lại để tiếp tục hoàn thiện.

Trong 51 địa phương thực hiện sắp xếp, đến thời điểm này, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành được 38 địa phương, còn 13 địa phương. Trong 13 địa phương thì hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận hồ sơ của 10 địa phương, còn lại 2 địa phương Hà Tĩnh, Ninh Bình có chậm hơn do việc mở rộng không gian thành phố hiện hữu với 1 đơn vị hành chính cấp huyện nên phải rà soát, đánh giá về tiêu chuẩn đô thị của đơn vị hành chính sẽ sáp nhập. Tỉnh Trà Vinh cũng đã hoàn thiện hồ sơ.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chúng ta sẽ sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện; 176 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 562 đơn vị hành chính cấp xã; giảm số lượng lớn các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp để sắp xếp với các đơn vị sự nghiệp tương đồng. Đồng thời giảm số lượng rất lớn số lượng công chức, viên chức dôi dư, các trụ sở công. Kỳ này chặt chẽ hơn, phương án cụ thể để các địa phương đảm bảo sau 3 năm hoàn thành sắp xếp tài sản công dôi dư, sau 5 năm hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Việc này đang được triển khai rất chặt chẽ.

Trong quá trình triển khai, có nhiều địa phương thực hiện rất tốt. Lấy ví dụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Nam Định là điển hình, tiên phong. Nam Định đã tổ chức sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 79 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã. Hay như thành phố Hà Nội cũng tổ chức sắp xếp đến 109 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có số lượng sắp xếp lớn. Hải Phòng cũng rất tiêu biểu cho hoạt động này. “Nhiều địa phương rất quyết liệt, và ở đâu quyết liệt ở đó thành công, người dân đồng thuận. Ở đâu không quyết liệt, quyết tâm nhất là người đứng đầu thì ở đó chưa đạt được mục tiêu”, Bộ trường Phạm Thị Thanh Trà nói.

a(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 15. Ảnh: Khương Trung

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, “trên thế giới không có nước nào mà số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lại lớn như nước ta. Chưa có đất nước nào mà số chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam, chiếm đến 62%, còn đâu chi cho đầu tư”. Do vậy, thời gian tới, cả hệ thống chính trị sẽ phải đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 và Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 và sau đó thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống, trong đó có hệ thống hành chính nhà nước, các cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, các đơn vị hành chính…

Về chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua dù còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã dành khoảng 700 nghìn tỷ đồng, đến năm 2026 là 930 nghìn tỷ đồng cho việc thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công. Đây là một khoản tiền khá lớn. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng còn nhận thấy những bất cấp. Bộ đã báo cáo với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho chủ trương trên tình thần của Kết luận số 83. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ rà soát một số đối tượng bất cập, như nhân viên hành chính sự nghiệp, đối tượng giáo viên nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế… “Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp với tinh thần chung Nghị quyết của Trung ương và nhất là các kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành”.

Hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”

Tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ 15, đại biểu Nguyễn Chí Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình với ý kiến đánh giá của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khả năng trong năm 2024, chúng ta sẽ hoàn thành cả 15/15 chỉ tiêu đặt ra. Kết quả này là do sự lãnh đạo thương xuyên, liên tục của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội thông qua các cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ các ách tắc, giải quyết kịp thời các bức súc của xã hội; sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp.

e.jpg
Đại biểu Nguyễn Chí Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu thảo luận. Ảnh: Khương Trung

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025, nước ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là các vấn đề: nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3; tăng trưởng xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do xung đột, cạnh tranh, bảo hộ của các nước; sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào thị trường lớn; đầu tư của nước ta đang phục hồi chậm, nhất là đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nhà nước...; thị trường trong nước chưa được thúc đẩy và khai thác hiệu quả;…

Về giải pháp cho những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là “đột phá của đột phá”. Thực hiện hiệu quả các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, trong đó có nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đầu tư công… giúp giải quyết ngay những vướng mắc, cản trở phát triển, cải cách các thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn để giải phóng các nguồn lực phục vụ cho phát triển. Đồng thời, tập trung vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án về đất đai. Thúc đẩy khai thác hiệu quả các động lực mới. Phát triển thị trường bất động sản. Đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, trong đó giải ngân đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Tăng cường thu hút FDI một cách có chọn lọc, chất lượng, đặc biệt là các dự án lớn, dự án công nghệ cao, các nhà đầu tư chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghiệp mới…

Thanh Tùng - Khương Trung