Biến đổi khí hậu

Bình Định ra Công điện về ứng phó với bão số 6

Đông Duy 25/10/2024 - 15:43

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND gửi Chủ tịch UBND các huyện ven biển cùng các cấp, các ngành của tỉnh về việc ứng phó với bão số 6.

Chiều ngày 24/10, bão TRAMI (tiếng Việt là Trà Mi) đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trong năm 2024. Hồi 4 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc, 119,0 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Theo dự báo, trong 24 giờ tới, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc, 115,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13; bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h. Vùng nguy hiểm từ Vĩ tuyến 15,0 – 19,5N; phía Đông kinh tuyến 113,5E. Đây là cơn bão dự báo có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi do tác động của nhiều hình thế thời tiết trên biển.

Để chủ động ứng phó với bão và thực hiện nội dung Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 6; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6; thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

h1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị chủ động ứng phó bão số 6

Đồng thời, sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định…

Các địa phương phải lưu ý mức độ ngày càng khốc liệt của thiên tai

Trước đó, chiều tối ngày 24/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão Trà Mi dưới sự chủ trì của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tỉnh Bình Định có 6.239 tàu thuyền với 43.673 lao động, trong đó có 5.656 tàu với 39.816 lao động đang hoạt động ven bờ trong tỉnh và neo đậu tại bến, 583 tàu với 3.857 lao động hoạt động ở vùng khơi.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, UBND các huyện ven biển, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn đã liên lạc với gia đình chủ tàu thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Đến chiều tối ngày 24/10, không có tàu nào nằm trong vùng nguy hiểm.

h2.jpg
Bình Định tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão Trà Mi

Đối với các hồ chứa, toàn tỉnh có 164 hồ chứa, dung tích nước hiện có tại các hồ là 180,3/683 triệu m3 đạt 26,4% dung tích thiết kế. Các hồ chứa cơ bản đảm bảo an toàn khi có mưa lớn. Một số cây trồng vụ mùa nông dân đang tiến hành thu hoạch như cây lúa thu hoạch 1.806 ha, đạt 40% diện tích, cây bắp thu hoạch 2.336 ha, đạt 89,3% diện tích, đậu phụng thu hoạch 628 ha, đạt 97,1% diện tích…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lưu ý mức độ ngày càng khốc liệt của thiên tai, minh chứng rõ nhất là cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc gây hậu quả nặng nề. Yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh các đơn vị, địa phương kích hoạt phương án phòng chống bão Trà Mi tương ứng với phương án chống bão cấp 4, cấp cao nhất trong phòng chống bão lụt của tỉnh và bám sát diễn biến cơn bão để kích hoạt các biện pháp phòng chống cụ thể.

Đông Duy