Đà Nẵng: Giữ “mái nhà chung” cho sinh vật biển

Môi trường - Ngày đăng : 15:43, 25/10/2024

Hệ sinh thái rạn san hô được ví như “ngôi nhà” của biển. Chỉ chiếm khoảng 1% mặt nước biển nhưng chúng là nơi trú ngụ của 25 - 40% loài sinh vật của biển. Hiện diện tích san hô ở Sơn Trà chỉ còn 1/100 so với thập niên 80, 90 do đó, việc tái tạo rạn san hô ở đây càng trở nên cấp bách để bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển xanh.
e-magazinedanang.jpg

Hệ sinh thái rạn san hô được ví như “ngôi nhà” của biển. Chỉ chiếm khoảng 1% mặt nước biển nhưng chúng là nơi trú ngụ của 25 - 40% loài sinh vật của biển. Hiện diện tích san hô ở Sơn Trà chỉ còn 1/100 so với thập niên 80, 90 do đó, việc tái tạo rạn san hô ở đây càng trở nên cấp bách để bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển xanh.

1(2).jpg

Vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng nằm ngay dưới chân khu bảo tồn thiên nhân Sơn Trà từng được các chuyên gia đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Thế nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước đây. Bởi, theo đánh giá của nhiều nhà khoa học thì hệ sinh thái này đang trên đà suy giảm nghiêm trọng.

a1(1).jpg
San hô tại Sơn Trà bị suy giảm nghiêm trọng nhiều năm qua từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố con người

Theo kết quả nghiên cứu đánh giá biến động hệ sinh thái rạn san hô khu vực Sơn Trà và Cù Lao Chàm do nhóm tác giả Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Minh Thiện của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Dương Công Vinh của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Gia Lai, trong 21 năm qua, rạn san hô sống ở khu vực Sơn Trà đã suy giảm 37,65%. Kết quả nghiên cứu nói trên được nhóm tác giả tính toán theo dữ liệu ảnh viễn thám và GIS, xử lý ảnh vệ tinh, phân loại nền đáy kết hợp khảo sát thực địa, đo đạc đặc điểm nền đáy, độ sâu...

Diện tích san hô sống bị mất nhiều, nhất là ở khu vực phía bắc bán đảo Sơn Trà với hơn 64% diện tích tại vũng Đá Bàn và hơn 63% diện tích tại phía tây Bãi Bắc. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, diện tích san hô sống đã tăng trở lại trong 5 năm gần đây với mức tăng hơn 24% diện tích tại khu vực Bãi Bụt, Mũi Giòn và 50% diện tích ở Hòn Sụp. Sự suy giảm san hô sống diễn ra tại tất cả các rạn san hô, sự phục hồi hay hình thành mới chưa đủ để các rạn san hô trở về trạng thái ban đầu.

Cũng theo nhóm tác giả, sự suy giảm diện tích san hô bị chi phối bởi cả nguyên nhân tự nhiên và hoạt động của con người. Đà Nẵng nằm trong khu vực chịu nhiều tác động của bão và lũ lụt nên các hệ sinh thái rạn san hô dễ bị phá hủy bởi trầm tích từ đất liền, ngọt hóa do mưa lũ, sóng mạnh do bão.

Bên cạnh đó, hiện tượng gia tăng nhiệt độ nước biển cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến suy giảm diện tích rạn san hô. Việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, sử dụng các dụng cụ đánh bắt cá được xem là nguyên nhân chính tàn phá các rạn san hô.

biendanang(2).jpg
San hô dưới lòng đại dương Sơn Trà

Còn theo kết quả của đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” (2019) của Viện sinh thái học Miền Nam điều tra đã cho thấy độ phủ trung bình của san hô sống ở vùng biển này chỉ đạt khoảng 23% tổng hợp phần nền đáy, trong đó san hô cứng chiếm khoảng 20% và san hô mềm chiếm khoảng 3%.

“Rạn san hô tại khu vực Ghềnh Bàn (vũng Đá Bàn) đã bị suy giảm nghiêm trọng với diện tích khoảng 2km2 do tác động chủ yếu của các cơn bão trong những năm qua, nhất là những cơn bão mạnh, siêu bão trong 2 năm 2020 và 2021. Các rạn san hô khác cũng bị suy giảm ảnh hưởng do tác động của con người. Trong những năm qua, nhóm lặn chúng tôi nhặt và đưa được hơn 25 tấn rác ở các rạn san hô lên bờ, trong đó có nhiều tấm lưới “ma” - anh Lê Chiến, người sáng lập Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa chia sẻ.

2(3).jpg

San hô được xem là nơi cư trú lý tưởng, là mái nhà trú ẩn, là bãi đẻ cho hàng nghìn loài sinh vật biển. Mất rạn san hô không chỉ là mất một vẻ đẹp lộng lẫy của biển cả, mà còn gây ra sự đứt gãy sinh thái lớn hơn rất nhiều, thậm chí gây khủng hoảng cho cả hệ sinh thái ở các bãi, đảo, vịnh trù phú mà con người đang có.

Tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, sinh kế của người dân, ngư dân các vùng biển phụ thuộc trực tiếp vào nguồn vốn biển tự nhiên. Các dịch vụ hệ sinh thái bị suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lượng, lương thực, an toàn và sinh kế của đại bộ phận dân cư các vùng ven biển.

10-nam-qua-anh-dao-dang-cong-trung-da-tinh-nguyen-lam-lao-cong-duoi-day-bien-de-giai-cuu-san-ho.jpg
10 năm qua, anh Đào Đăng Công Trung đã tình nguyện làm lao công dưới đáy biển để giải cứu san hô
den-nay-da-nang-co-4-to-khai-thac-ket-hop-bao-ve-nguon-loi-hai-san-truc-tiep-tham-gia-bao-ve-san-ho-duoi-long-dai-duong-son-tra.jpg
Đến nay Đà Nẵng có 4 tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi hải sản, trực tiếp tham gia bảo vệ san hô dưới lòng đại dương Sơn Trà

Nhận thức tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững kinh tế biển, từ năm 2007, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 13/9/2007 về Quy định quản lý, bảo tồn rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan đến vùng biển từ hòn Chảo đến Nam Hải Vân và Bán đảo Sơn Trà. Trong đó tổng diện tích quản lý bảo tồn rạn san hô và các hệ sinh thái từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và Bán đảo Sơn Trà là 3.940ha.

Trong Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 18/02/2019 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển thủy sản bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu Quản lý và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển; tăng diện tích các khu vực phục vụ cho bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển, diện tích các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển thành phố.

Ngày 9/3/2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 660/KH-SNN về triển khai thực hiện Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nội dung điều tra, khảo sát bổ sung tại Bán đảo Sơn Trà về tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển; phục hồi một số hệ sinh thái điển hình: san hô, cỏ biển.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã thành lập được 4 tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi hải sản tại các phường Hòa Hiệp Bắc, Thanh Khê Đông, Thọ Quang, Mân Thái với 105 thành viên tham là người dân địa phương. Trong thời gian qua, các tổ đã tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó đã kịp thời báo cáo trên 250 nguồn tin về các hành vi vi phạm đến nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi san hô và hệ sinh thái tại các khu vực biển được giao khoán theo dõi, bảo vệ. Đồng thời phối hợp triển khai tốt công tác tuyên truyền đến người dân, ngư dân về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Là đơn vị trực tiếp được Đà Nẵng giao cho bảo vệ san hô ở khu vực Hòn Sụp, Ban Quản lý (BQL) Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng định kỳ hằng năm, thả phao khoanh vùng bảo vệ san hô, nhắc nhở người dân và du khách thực hiện nghiêm các quy định tại khu vực bảo vệ san hô. Đơn vị cũng đã cử nhân viên trực cố định, dùng thúng và loa, còi hiệu để đẩy đuổi phương tiện vi phạm, hoạt động du lịch chui.

Ông Phan Minh Hải - Phó BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, BQL đã nhiều lần nhắc nhở đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch thủy nội địa trái phép, yêu cầu tuyệt đối không thực hiện việc đón trả khách tham quan tour đường biển tại bán đảo Sơn Trà khi chưa được phép.

3(3).jpg

Từ năm 2016, nhóm Trung tâm cứu hộ sinh vật biển, gọi tắt là Sasa (Sasa Team Marine Animals Rescue) đã bắt đầu với dự án hồi sinh những rạn san hô ở Đà Nẵng xuất phát từ tình yêu với biển của họ. Toàn bộ san hô hư hại trong phạm vi 100km2 biển Sơn Trà đã được nhóm Sasa phục hồi thành công, đã trở thành sáng kiến ​​bảo tồn san hô đầu tiên tại Đà Nẵng và vùng duyên hải miền Trung.

Công việc tình nguyện này không hề đơn giản, trung bình, mỗi ngày các thành viên làm việc 6-8 giờ dưới nước ở độ sâu 8-10m để làm sạch rạn san hô và tái tạo những rạn bị tổn hại. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ để tìm nhặt các mảnh san hô khỏe mạnh bị vỡ dưới đáy biển sâu và nuôi dưỡng trong các vườn ươm rồi trồng lên các rạn san hô đã chết. Để cấy một cành san hô mất 250.000 đồng/cành và tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để phủ kín 100m2, nhưng chỉ một du khách lặn biển giẫm đạp hay bị vướng một tấm lưới ma là đi tong nỗ lực cả tháng trời.

“Cho đến nay, 32 loài san hô đã được phục hồi hoặc nuôi cấy thông qua các phương pháp nhân tạo ở các rạn san hô Bãi Nam, Bãi Bụt và Bãi Sụp. Đây là vườn ươm duy nhất trên thế giới được gây dựng bởi cộng đồng. San hô đang phát triển rất tốt và bắt đầu trổ nhánh. Chúng là “chìa khóa” mở ra những cánh cửa cho tương lai” - anh Lê Chiến – người sáng lập Sasa vui mừng cho biết.

anh-le-chien(1).jpg
Anh Lê Chiến, người sáng lập Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa

Ngoài anh Chiến là dân chuyên nghiệp, các thành viên còn lại của Sasa đều là tay ngang vào nghề. Cả nhóm được kết nối với nhau bằng tình yêu biển cả. Có cả những người bạn nước ngoài đến Đà Nẵng cùng tham gia dự án.

Chị Vương Thuý Hạnh (41 tuổi), một thành viên của nhóm Sasa chia sẻ, công việc chủ yếu của chị là trong lĩnh vực tài chính tại TP.Hồ Chí Minh nghe thì có vẻ không liên quan gì đến môi trường. Nhưng vì tình yêu sâu sắc với biển, với bảo tồn nên chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian để cùng nhóm Sasa trực tiếp “giải cứu” san hô trong suốt những tháng mùa hè.

thanh-vien-nhom-sasa-phuc-hoi-san-ho-duoi-day-bien-son-tra.jpg
Thành viên nhóm Sasa phục hồi san hô dưới đáy biển Sơn Trà
thanh-vien-trong-nhom-dang-kiem-tra-vuon-san-ho-vua-duoc-trong-tai-ban-dao-son-tra.jpg
Thành viên trong nhóm đang kiểm tra vườn san hô vừa được trồng tại bán đảo Sơn Trà

“Thật phấn khởi khi thấy các nhánh san hô phát triển mạnh mẽ trong vùng biển động và chứng kiến ​​nhiều loài cá và tôm sinh ra từ các vườn ươm san hô của chúng tôi. Dù thiệt hại do bão và nắng nóng đôi lúc khiến cả nhóm nản lòng, nhưng cũng chính điều nay lại thúc đẩy nhóm làm việc chăm chỉ hơn để phục hồi san hô sau thảm họa.” – chị Hạnh chia sẻ.

Cùng Sasa, hiện tại Đà Nẵng còn có nhiều nhóm tình nguyện viên lặn biển nhặt rác để bảo vệ san hô – “báu vật” của Sơn Trà như anh Đào Đặng Công Trung, nhóm Danang Freediving….Họ hy vọng rằng những nỗ lực của mình sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về việc sử dụng tài nguyên bền vững và du lịch thân thiện với môi trường.

4(2).jpg

Khu bảo tồn biển (nêu trong Luật Thủy sản năm 2017) được xem là “công cụ” hữu hiệu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ các loài san hô. Tuy nhiên đến nay, Khu bảo tồn biển Sơn Trà vẫn chưa được thành lập vì gặp nhiều vướng mắc, cần thời gian để đảm bảo tính đồng bộ trong việc thi hành các quy hoạch liên quan.

hoat-dong-du-lich-chui-lan-ngam-san-ho-o-son-tra-dang-tac-dong-lon-den-san-ho.jpg
Hoạt động du lịch chui lặn ngắm san hô ở Sơn Trà đang tác động lớn đến san hô

Ngày 9/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 389/QĐ-TTg về Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đưa vào quy hoạch thành lập mới Khu bảo tồn biển Sơn Trà (Khu bảo tồn loài - sinh cảnh) với diện tích 4.450 ha; Khu vực vùng biển phía Nam Bán đảo Sơn Trà với diện tích 6.655 ha là khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn.

ths-tran-huu-vy-giam-doc-green-viet.jpg
Ths Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Green Việt

Theo ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm GreenViet: Kể từ năm 2016 trở lại đây, qua các hội nghị, hội thảo có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước luôn đề xuất, kiến nghị thành phố Đà Nẵng không chỉ ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học ở rừng mà cần sớm thành lập Khu bảo tồn biển, quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi sinh vật biển

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP/GEF SGP) nhận định, tăng cường sinh kế cho cộng đồng ven biển từ hoạt động du lịch cũng là một lối mở bền vững để bảo tồn hệ sinh thái biển, trong đó có rạn san hô. Dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là minh chứng rõ rệt.

vuon-uom-san-ho-duoi-day-bien-son-tra-2-.jpg
Vườn ươm san hô dưới đáy biển Sơn Trà
vuon-uom-san-ho-duoi-day-bien-son-tra.jpg
Vườn ươm san hô dưới đáy biển Sơn Trà


“Kết quả lớn nhất mà Dự án đem lại không chỉ là nâng cao nhận thức, tạo sự quan tâm đúng mức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng đối với việc bảo tồn quần thể Rạn San Hô Hòn Yến mà còn thúc đẩy triển khai các giải pháp bảo tồn đi kèm với định hướng khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững từ các hoạt động du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân.” –
bà Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.

Trong thời gian chờ đợi thành lập Khu bảo tồn biển Sơn Trà, Đà Nẵng cần phải có đánh giá khoa học và bài bản về hiện trạng đa dạng sinh học và mức độ rạn san hô để có giải pháp bảo vệ. Bố trí nguồn lực tài chính để người dân địa phương thay đổi sinh kế, giảm tối đa hiện tượng đánh bắt hải sản trong phạm vi thiết lập vùng bảo tồn hoặc sử dụng các phương tiện mang tính tận diệt.

32-loai-san-ho-da-duoc-phuc-hoi-hoac-nuoi-cay-thong-qua-cac-phuong-phap-nhan-tao-o-cac-ran-san-ho-bai-nam-bai-but-va-bai-sup-2-.jpg
32 loài san hô đã được phục hồi hoặc nuôi cấy thông qua các phương pháp nhân tạo ở các rạn san hô Bãi Nam, Bãi Bụt và Bãi Sụp

Nhân rộng và duy trì mô hình đồng bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô như ở Cù Lao Chàm hay (Quảng Nam) hay Hòn Yến (Phú Yên). Huy động người dân tham gia dọn rác đáy biển, trồng, bảo tồn san hô và giao cho họ khai thác những khu biển có san hô và trả phí. Quản lý nghiêm ngặt việc tổ chức hoạt động du lịch, nhất là trong cấp phép khai thác mặt biển và xây dựng các công trình trên biển.

Đặc biệt, tăng cường nặng lực cho lực lượng tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng thông đồng khai thác hải sản bất hợp pháp ở những khu bảo tồn biển. Từng bước ứng dụng sâu công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm soát, quản lý hoạt động bảo tồn biển, bảo tồn rạn san hô. Và đấy là cách mà chúng ta có thể hành động để cứu hệ sinh thái biển cho tương lai của thế hệ sau.

6.jpg

Bài, ảnh: LAN ANH
Trình bày:
TÙNG QUÂN

footer.jpg

Bài: Lan Anh - Trình bày: Tùng Quân