Môi trường

Phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam - Nhìn ra thế giới

Hoài Thu 25/10/2024 - 15:24

(TN&MT) - Theo TS. Vũ Văn Doanh - Phó trưởng Khoa Môi trường, Đại học TN&MT Hà Nội, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt trong các vấn đề về quy hoạch, chính sách.

Năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh chóng

Trong nghiên cứu được TS. Vũ Văn Doanh trình bày tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi Năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero” ngày 24/10, ông nhấn mạnh: Chuyển dịch năng lượng (quá trình thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hoá thạch gây ô nhiễm môi trường bằng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo,…) đang là xu hướng của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung hiện nay.

ts-vu-van-doanh.jpeg
TS. Vũ Văn Doanh - Phó trưởng Khoa Môi trường, Đại học TN&MT Hà Nội trình bày nghiên cứu tại Hội thảo

Thông tin từ cơ quan Năng lượng quốc (IEA) cho thấy, thời gian qua, việc sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) trên phạm vi quy mô toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây tại thời điểm Thoả thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó, tốc độ tăng trường đầu tư hàng năm vào năng lượng xanh và NLTT trung bình trong 5 năm sau thoả thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Đến năm 2020, tỷ lệ đã tăng lên 12%, năm 2022 đầu tư cho năng lượng xanh và năng lượng tái tạo đạt 1.400 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng đầu tư cho toàn ngành năng lượng.

Trong đó, Mỹ và châu Âu đã đưa ra nhiều chính sách ưu tiên phát triển năng lượng xanh, NLTT,… và đã đạt được những thành quả tích cực. Cụ thể, Mỹ đã chi hàng tỷ USD tạo ra nhiều chương trình đầu tư xanh, NLTT,… nhằm thúc đẩy đầu tư cho ngành năng lượng trên toàn quốc, khoản tiền này được đưa vào các chương trình, dự án giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với với biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng sự nóng lên toàn cầu, đồng thời, tạo ra một nền kinh tế năng lượng xanh và năng lượng tái tạo bền vững.

Đối với châu Âu, thời gian gần đây, Uỷ ban châu Âu cũng đưa ra nhiều chính sách tăng tốc đầu tư vào mạng lưới năng lượng xanh, NLTT và thúc đẩy tiến độ các dự án, tăng công suất điện mặt trời để kịp thời đáp ứng các mục tiêu chống BĐKH, sử dụng năng lượng tái tạo,… Điều này đã giúp giảm thiểu tình trạng thiếu điện trong những đợt nắng nóng đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu.

Ghi nhận tại Nam Âu, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã gia tăng lắp đặt điện mặt trời trong bối cảnh 2 nước đối mặt với giá năng lượng cao kỷ lục. Năm 2022, công suất điện mặt trời của Tây Ban Nha tăng thêm 4,5 GW và là mức cao kỷ lục, điện mặt trời đóng góp 30% sản lượng điện của Tây Ban Nha; tại Hy Lạp, điện mặt trời đã đáp ứng 3,5 GW trong tổng nhu cầu là 10 GW.

Vai trò của Nhà nước trong hoạch định chính sách

Trong kinh nghiệm của Đan Mạch, mục tiêu tự chủ về năng lượng xanh và dựa vào NLTT được đưa lên hàng đầu. Nước này đã xây dựng hàng nghìn tua - bin gió cuối những năm 1970, đến năm 2000, đã có 6000 tua- bin gió được xây dựng, tiếp theo đó, các trang trại gió ngoài khơi cũng được dựng lên, và lần lượt các cơ sở quy mô lớn đã tiếp tục xây dựng ở Biển Bắc và Biển Baltic.

Cho đến nay, Đan Mạch đã có khoảng 4800 tua-bin đang tạo ra 6,9 GW trên đất liền và trên biển (4.593 GW (4.500 tua-bin gió) và 2.306 GW tương ứng), sử dụng 33.000 người chuyên vận hành chúng. Các tua-bin gió ở Đan Mạch, với mô hình mới nhất đạt tới 15 MW sản lượng trong 24 giờ và điện gió được xem là nguồn năng lượng rẻ nhất ở quốc gia này. Đến năm 2030, Đan Mạch có kế hoạch tạo ra 60% năng lượng từ điện gió.

Kinh nghiệm của Đan Mạch đã thể hiện rõ ràng vai trò của Chính phủ trong giai đoạn đấu thầu, đặc biệt ở các khâu quy hoạch không gian biển hay rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá các dự án. Với quy trình chặt chẽ, hạn chế đối tượng tham gia thầu giúp Đan Mạch lựa chọn một cách hiệu quả nhất các nhà đầu tư, hạn chế rủi ro, thông qua Cục Năng lượng quốc gia (DEA).

img_0704.jpeg
Tua- bin gió tại Đan Mạch

Bên cạnh đó, Chính phủ Đan Mạch cũng ban hành nhiều quy định, hình thành khung pháp lý chặt chẽ trong công tác quản lý giá, nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng xanh, NLTT. Ngoài ra, cũng cung cấp các ưu đãi đáng kể cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo để thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan.

Kinh nghiệm về năng lượng sạch tại Hàn Quốc cho thấy, từ năm 1987, quốc gia này đã bắt đầu xây dựng và phát triển các chính sách, cùng việc ban hành đạo luật khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Đến năm 2002, cơ chế giá điện FIT cho điện gió lần đầu tiên tại Hàn Quốc với giá không đổi trong 5 năm đầu tiên (107.66 KRW/kWh).

Đến năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc quyết định thay thế cơ chế giá điện FIT bằng cơ chế tiêu chuẩn danh mục đầu tư năng lượng xanh, NLTT - RPS (Renewable Portfolio Standard) và đưa ra lộ trình áp dụng từ cuối năm 2012. Cụ thể, các đơn vị sản xuất điện với công suất trên 500MW thuộc đối tượng phải áp dụng cơ chế RPS, theo đó phải sản xuất 4% năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đến năm 2017 và tăng lên 10% đến năm 2023. Các đơn vị sản xuất điện khi áp dụng cơ chế RPS sẽ được nhận một chứng chỉ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (REC) tương ứng với quy mô dự án thực hiện.

Với việc áp dụng cơ chế RPS tại Hàn Quốc, đã mang lại nhiều tác động tích cực. Trong giai đoạn 2002-2011 khi áp dụng cơ chế giá FIT tỷ lệ tăng trưởng công suất đặt của năng lượng xanh, NLTT khoảng 7,5%, trong khi giai đoạn 2012-2016 khoảng 11,36%.

Hàng năm, trên cơ sở rà soát các mục tiêu đã thực hiện, Chính phủ sẽ thiết lập mục tiêu sản xuất NLTT của các đơn vị sản xuất điện. Các đơn vị sản xuất điện phải đạt được mục tiêu sản xuất NLTT hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ, bằng hình thức đầu tư nhà máy điện sản xuất NLTT mới hoặc mua bán chứng chỉ REC từ các đơn vị sản xuất điện khác.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Có thể nói, năng lượng xanh và NLTT đã giúp nhiều quốc gia khắc phục được tình trạng thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng. Từ những kinh nghiệm quốc tế, TS. Vũ Văn Doanh đưa ra một số đề xuất giúp Việt Nam áp dụng kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng xanh hiệu quả, trong đó, cần xác định rõ cơ quan đầu mối thực hiện, đặc biệt ở lĩnh vực đầu tư năng lượng và trong giai đoạn quy hoạch, môi trường, đầu tư; cụ thể hoá và đồng bộ các quy định trong cơ chế đấu thầu, thực thi cơ chế đấu thầu như quản lý rủi ro và có kế hoạch đấu thầu rõ ràng, minh bạch.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tới các nguồn lực và công cụ hỗ trợ để xem xét áp dụng các tiêu chí, thước đo phát triển năng lượng xanh, NLTT, thước đo xếp loại tín nhiệm doanh nghiệp 2 ngành này; xây dựng khung pháp lý, hệ thống chính sách thông qua phản hồi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt đối với các dự án năng lượng xanh, NLTT và phát triển cơ chế thanh toán bù trừ, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cho các công trình nghiên cứu, xây dựng liên quan đến việc phát triển và sử dụng năng lượng xanh, NLTT tại Việt Nam,…

Hoài Thu