Xã hội

Điện Biên: Đồng bào DTTS phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Hoàng Châu 25/10/2024 - 15:24

(TN&MT) - Những năm gần đây, phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn nền văn hóa các dân tộc của tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển. Gắn liền với đó là các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), được khai thác, khôi phục nhằm phát huy giá trị bản sắc các dân tộc.

Mô hình du lịch cộng đồng, thời gian qua đã được xây dựng và duy trì thành công, không chỉ mang lại cho du lịch Điện Biên một diện mạo mới mà còn thiết thực làm thay đổi nhận thức, lối sống, tư duy, cách làm kinh tế gắn với du lịch của đồng bào các dân tộc. Tận dụng tiềm năng, lợi thế này các địa phương đã chú trọng đầu tư khai thác bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, mang lại sức sống mới cho các làng đồng bào DTTS. Trong đó, để phát triển du lịch bền vững, luôn chú trọng việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần do đó nhiều hộ gia đình đã chủ động tham gia. Bên cạnh đó, đòng bào DTTS cũng tích cực khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình, đặc biệt đối với những di sản gắn với hoạt động du lịch như ẩm thực, trình diễn nghệ thuật, trang phục, kiến trúc, nghề truyền thống, lễ hội...

1404.dien_bien_phu.jpg
Phụ nữ Thái vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt hàng ngày.

Đồng bào các dân tộc đã biết tận dụng những nghề truyền thống, những món ăn dân dã, điệu múa; những căn nhà sàn truyền thống… để tạo sự khác biệt, thu hút du khách đến tham quan, giao lưu, khám phá. Ngoài việc khôi phục lại một số lời ca, điệu múa, đậm chất văn hóa địa phương thì đó còn là điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, tạo nguồn thu nhập chính đáng cho người dân.

Được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá, du lịch cộng đồng homestay... xác định thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Bản văn hóa Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa Che Căn trở thành bản kiểu mẫu về du lịch cộng đồng, tạo điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khám phá văn hóa, ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc.

Anh Lò Văn Đức, chủ Homestay Phương Đức, bản Che Căn chia sẻ: Người dân bản Che Căn chúng tôi làm du lịch cộng đồng theo đúng nghĩa “cộng đồng”, tức là cả bản cùng tham gia. Nhà nào cũng phải có trách nhiệm gìn giữ môi trường chung, tạo cảnh quan, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhiều năm nay du lịch phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Gia đình tôi hiện vừa làm nông nghiệp, vừa phát triển mô hình homestay, hàng năm đón hàng trăm lượt khách du lịch tới nghỉ dưỡng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

images3227429_bao_ton_1.jpg
Phụ nữ bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo may quần áo phục vụ du khách đến trải nghiệm.

Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Bản thân tôi luôn có ý thức phải giữ gìn vệ sinh môi trường, bên cạnh đó vận động bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch. Bảo vệ môi trường trong du lịch là một trong những yếu tố mà bản chúng tôi hướng đến từ lâu, không chỉ làm cho làng bản sạch sẽ thu hucts khách du lịch mà đó còn là một trong những nếp sống văn hóa hiện nay của bản Che Căn.

Để tránh việc xả rác bừa bãi, và nói không với rác thải nhựa để nâng cao chất lượng du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng, du khách được sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên từ tre, nứa… Cùng với đó, để phát triển du lịch bền vững chúng tôi luôn chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường như: Xử lý chất thải từ hoạt động du lịch, thay đổi thói quen xả rác bừa bãi ra môi trường... tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường.

Hoàng Châu