Bão Trà Mi khả năng giảm cấp, đổi hướng khi tiến gần đất liền
(TN&MT) - Khoảng ngày 27/10, khi tiến gần đất liền nước ta, bão Trà Mi có thể đổi hướng quay ra biển, nhưng hoàn lưu bão vẫn sẽ gây mưa to cho khu vực Bắc và Trung trung Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 – 20km/h và tăng lên cấp 11 – 12, giật cấp 14. vị trí trên khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210km về phía Đông Đông Bắc.
Trong 48 giờ tới, bão duy trì cấp 11 và di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tâm bão nằm trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, bão di chuyển theo Tây Nam, rồi đổi hướng Đông Nam giảm tốc độ còn khoảng 10km/h.
Đến 7h sáng Chủ nhật 27/10, bão giảm xuống cấp 10, giật cấp 12 và nằm trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Tây Tây Nam.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại có khả năng đổi hướng Đông mỗi giờ đi được khoảng 10km, cường độ tiếp tục suy yếu còn khoảng cấp 8.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), hướng di chuyển của bão Trà Mi có sự thay đổi bất thường do trong những ngày tới, bão chịu tác đồng cùng lúc của hệ thống không khí lạnh và hoàn lưu bão mới hình thành ngoài phía đông Philipiin. Đặc biệt khi đi qua Quần đảo Hoàng Sa, đến vùng biển ngoài khơi Trung Bộ (sau ngày 26/10) bão số 6 có khả năng di chuyển chậm lại, giảm cấp và đổi hướng, khả năng đổ bộ vào đất liền còn chưa rõ ràng. Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến bão trong những ngày tới.
Trước mắt, trong ngày 25, 26/10, cần lưu ý các nguy hiểm về gió mạnh, sóng lớn trên biển, bao gồm ở khu vực phía Bắc, giữa của biển Đông, vùng biển huyện đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên theo quá trình tăng cấp của bão. Ngay cả khu vực phía Nam của Biển Đông cũng chịu tác động của gió mùa Tây Nam mạnh cấp 6 gây ra tình trạng biển động. Những tác động về gió mạnh đối với khu vực biển ven bờ cần theo dõi thêm trong bản tin tiếp theo.
Theo Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 25/10, không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, trong hôm nay 25/10, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 12 (89-133km/h), giật cấp 15. Sóng biển cao 5 - 7m, vùng gần tâm bão 7 - 9m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa) đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Ngày và đêm mai 26/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15. Sóng biển cao 6 - 8m, vùng gần tâm bão 8 - 10m; biển động dữ dội.
Vùng biển phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5 - 7m.
Khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Nam của khu vực Giữa biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động; sóng biển cao từ 3 - 6m.
Khu vực biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm vùng biển huyện đảo Lý Sơn), có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5 – 7 m.