Phát triển Xanh

Thúc đẩy các hành động làm mát xanh tại Việt Nam

Khánh Ly 24/10/2024 18:05

(TN&MT) - Khí thải HFC từ điện lạnh và điều hòa không khí có thể giảm đáng kể bằng cách sử dụng các công nghệ Làm mát xanh, dựa trên các chất làm lạnh tự nhiên và các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng. Đây là giải pháp quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày 24/10/2024 đã diễn ra hội thảo tổng kết dự án “Sáng kiến Làm mát Xanh III” (GCI III), nhằm chia sẻ các kết quả dự án sau 3 năm triển khai và thảo luận về ngành Làm mát Xanh tại Việt Nam. Đến dự hội thảo có đại diện các Bộ, ban, ngành, các tổ chức đối tác, chuyên gia và các bên thực hiện dự án.

Hội thảo bao gồm 2 Diễn đàn chiến lược về: Triển khai hoạt động làm mát xanh tại Việt Nam; Đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi sang làm mát xanh trong ngành lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam.

z5963091292500_a5e8baebd29387c78f90b080f76f2ddb.jpg
Ông Nguyễn Bá Tú, Điều phối viên dự án Sáng kiến Làm mát Xanh III (GCI III) tại Văn phòng Ô dôn Quốc gia Việt Nam (Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đại diện đối tác chính chia sẻ về những đóng góp của dự án trong việc đưa các đóng góp của ngành lạnh và điều hòa không khí vào mục tiêu giảm nhẹ trong Cam kết Quốc gia tự quyết định (NDC)

Năm 2019, nhằm phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã cam kết loại trừ các chất hydrofluorocarbons (HFC) - khí tổng hợp thường dùng trong ngành lạnh và đang trở thành một nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo thỏa thuận này, phát thải từ các chất HFC sẽ được cắt giảm 80% trong giai đoạn 2024-2045.

Cùng với Thái Lan, Bangladesh, Kenya, Uganda, Colombia và Honduras, Việt Nam đã trở thành quốc gia thành viên của dự án “Sáng kiến Làm mát Xanh III”. Dự án đặt mục tiêu nâng cao năng lực của khu vực công và tư trong làm mát xanh, đồng thời, thúc đẩy các hoạt động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành lạnh sang các công nghệ đạt hiệu quả năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh tự nhiên như cacbon dioxit, hidrocacbon và amoniac, đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt nam vào năm 2050.

z5963091332903_b6b8fade5c5e53074579ba1f38612afa.jpg
Ông Oemar Idoe, Trưởng Khối các dự án về Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp, GIZ Việt Nam – đơn vị thực hiện GCI III hoan nghênh dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra

Ông Oemar Idoe, Trưởng Khối các dự án về Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp, GIZ Việt Nam - đơn vị thực hiện GCI III nhấn mạnh: Dựa trên quan hệ hợp tác xây dựng và công bố "Kiểm kê khí nhà kính đầu tiên của ngành Điện lạnh và Điều hòa không khí tại Việt Nam" vào năm 2018, GIZ và Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chung tay thực hiện Sáng kiến Green Colling III tại Việt Nam vào năm 2022.

GCI III đã làm việc với Văn phòng Ô-dôn Quốc gia thuộc Cục Biến đổi khí hậu để hỗ trợ đầu vào kỹ thuật cho phát triển chính sách, phát triển năng lực của các quan chức chính phủ và trong hệ thống đào tạo nghề; chuyển giao công nghệ và phân tích thị trường.

"Chúng tôi cũng hoan nghênh và ghi nhận sự tham gia tự nguyện của chính phủ Việt Nam vào Cam kết Làm mát Toàn cầu tại Hội nghị COP28 năm 2023. Đây là nỗ lực đáng khích lệ của Việt Nam trong việc thúc đẩy làm mát bền vững" - ông Oemar Idoe khẳng định. Ngành điện lạnh và điều hòa không khí chịu trách nhiệm cho tới 10% tổng lượng khí thải toàn cầu. Điều này là do mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ và tiềm năng nóng lên toàn cầu cao của nhiều chất làm lạnh thông thường. Đồng thời, nhu cầu làm mát đang tăng đều đặn. Theo báo cáo đánh giá lần thứ sáu của IPCC từ năm 2022, chỉ riêng việc sử dụng Hydrofluorocarbons hoặc HFC có thể dẫn đến nhiệt độ tăng thêm lên tới 0,5 °C vào năm 2100 nếu không có biện pháp nào được thực hiện.

z5963091319931_bffe5e9046be9e6d6ca9776a37fce2eb.jpg
Các chuyên gia trình bày Báo cáo về việc thu thập dữ liệu, xây dựng nghiên cứu thị trường, phân tích thị trường và đề xuất Kế hoạch chuyển đổi sang các công nghệ làm mát xanh

Chia sẻ về kết quả các hoạt động hợp tác chung giai đoạn 2022 - 2024, ông Nguyễn Bá Tú, Điều phối dự án GCI III tại Văn phòng Ô-dôn Quốc gia (NOU) cho biết: GCI III đã hỗ trợ Cục Biến đổi khí hậu tiếp cận các công cụ và lý thuyết làm mát xanh, cung cấp dịch vụ hỗ trợ theo yêu cầu và tăng cường kết nối các bên liên quan, nhằm đưa các biện pháp làm mát xanh trong ngành lạnh và diều hòa không khí (RAC) vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật 2022 của Việt Nam.

Về hoạt động nâng cao năng lực về Làm mát Xanh và Sử dụng an toàn chất làm lạnh tự nhiên gốc hidrocacbon, dự án đã tổ chức thành công 2 khóa tập huấn thực hành cho giảng viên và 5 khóa tập huấn nhân rộng tại Trường Cao Đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội. Thêm vào đó, nhằm nâng cao tính đáp ứng giới của lĩnh vực Làm mát Xanh, các chương trình đào tạo nghề đã được xây dựng phù hợp với học viên nữ.

Chuỗi tập huấn của GCI III tổ chức từ tháng 10/2023 - 3/2024 có sự tham gia của 30 giảng viên nguồn và 75 sinh viên, đóng góp vào xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ cho thị trường làm mát xanh của Việt Nam.

z5963091332978_f71f398f7919aa8cda3fcd945dd9384d.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Điều phối viên Văn phòng Ô-dôn Quốc gia (Cục Biến đổi khí hậu): Dự án đã giới thiệu những thực hành tốt về công nghệ sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới đến với Việt Nam, các công nghệ này khi được áp dụng đồng bộ trong các chương trình đào tạo tại các trường nghề sẽ mang lại nhiều kết quả tốt cho các học viên để đáp ứng các yêu cầu về môi trường, sức khỏe và con người”

Sáng kiến Làm mát Xanh III (GCI III) là dự án toàn cầu do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Đức (BMUV) tài trợ, thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện.

GCI III đang hỗ trợ 7 quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam, chuyển đổi sang các công nghệ làm mát xanh thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, chuyển giao công nghệ, và nâng cao năng lực.

Khánh Ly