Văn hóa

Khơi dòng ký ức, bồi đắp tình yêu với Thủ đô

Đức Tâm 24/10/2024 - 15:34

(TN&MT) - Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần thứ III năm 2024 thu hút hơn 700 tác phẩm dự thi. Nhiều tác phẩm đã thể hiện sâu sắc tình cảm, sự quan tâm và những góc nhìn mới mẻ về ký ức và sự phát triển của Thủ đô.

Sáng 24/10 tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III năm 2024. Cuộc thi được phát động từ tháng 7/2024 hướng đến Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Sau hơn 3 tháng phát động, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được hơn 700 tác phẩm dự thi, với nhiều tác phẩm chất lượng, có chiều sâu, có góc nhìn, tư liệu quý về lịch sử, quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội.

_mg_4359.jpg
Quang cảnh buổi lễ trao giải Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III năm 2024

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Tổng Biên tập Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, Trưởng Ban Tổ chức Giải cho biết: “Một trong những nét mới của Cuộc thi năm nay là sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ, những người tâm huyết với ký ức Thủ đô chúng ta”.

Theo Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, có rất nhiều tác phẩm, bài viết dự thi chất lượng, thể hiện ký ức sống động về Hà Nội trong những ngày kháng chiến và giải phóng Thủ đô. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của thế hệ trẻ đối với lịch sử và những giá trị truyền thống của Thủ đô. Cuộc thi đã góp phần giá trị trong việc vun đắp tâm hồn của người trẻ, để họ hiểu về Hà Nội, thêm yêu và tự hào về Hà Nội.

_mg_4116.jpg
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tổng kết Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III năm 2024

Thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi Ký ức Hà Nội lần thứ III năm 2024 gồm: Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo; Nhà báo Đinh Thu Hà - Trưởng Ban VHXH Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Phó Trưởng Ban Giám khảo; bà Trần Thị Mai Dung - Trưởng phòng Báo chí Xuất bản Truyền thông (Sở TT&TT Hà Nội), Ủy viên Ban Giám khảo; Nhà báo, Nhà văn, Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Giám khảo; Nhà văn Trương Quý, Ủy viên Ban Giám khảo.

Từ ngày 10/10, Ban Thư ký Cuộc thi Ký ức Hà Nội tuyển chọn 23 bài dự thi qua vòng sơ loại đến Ban Giám khảo. Sau hơn một tuần làm việc độc lập, nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan và nhiệt huyết, Ban Giám khảo Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội đã chấm điểm, chọn ra 11 tác phẩm chất lượng để trao giải. Các tác phẩm đạt giải Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III - 2024 có sự thống nhất cao giữa các thành viên Ban Giám khảo.

_mg_4174.jpg
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Việt Nam -Trưởng Ban Giám khảo đánh giá về các tác phẩm trong cuộc thi viết

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Giám khảo đánh giá: “Các tác phẩm tham dự Cuộc thi là những nét bút chớp nhanh, ghi lại những vẻ đẹp mong manh, dễ hòa tan của Hà Nội để giữ lại. Đặc biệt, những ký ức Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tác phẩm đánh được điểm cao nhất có những chi tiết đắt giá mà nếu không phải người trong cuộc sẽ không biết được”.

Theo Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hà Nội không chỉ là của riêng người Hà Nội mà là của cả nước, nơi đây đang phát triển, thay đổi từng ngày, cuộc thi đã lưu giữ các vẻ đẹp của Thủ đô, lưu giữ các câu chuyện, những kỷ niệm, những ký ức thoảng qua để tạo nên một tác phẩm dự thi.

anh-trao-giai-nhat.jpg
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương, người đạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm "Câu chuyện nạn đói năm 1945 và giây phút chạm má vào huy chương ngày Giải phóng Thủ đô"

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương, tác giả đạt giải Nhất cuộc thi viết về Ký ức Hà Nội, đã chia sẻ về một kỷ niệm hào hùng của dân tộc in đậm trong tâm trí bà, đó là hình ảnh các anh bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô với tư thế hiên ngang.

Ngày Giải phóng Thủ đô là một dấu mốc lịch sử chói lọi, không thể nào phai mờ. Trong ký ức của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương, hình ảnh các anh bộ đội với mũ cài huy hiệu sao vàng rực rỡ, mang đến cho Hà Nội một sinh khí mới tràn đầy sức sống, mãi mãi sống động. Bà còn xúc động nhắc lại kỷ niệm được tặng hoa cho các anh bộ đội trong ngày trọng đại ấy.

Đối với bà, ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ là sự thay đổi kỳ diệu của riêng Hà Nội, mà còn là cảm giác đổi đời mạnh mẽ của cả dân tộc, cả đất nước.

Ban Giám khảo đánh giá các bài dự thi năm nay có nhiều bài viết chất lượng tốt, đồng đều hơn, ghi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở nhiều góc cạnh khác nhau. Như Câu chuyện nạn đói năm 1945 và giây phút chạm má vào huy chương ngày Giải phóng Thủ đô; Lòng hiếu khách của người Tràng An; Lược sử nghìn năm của Thủ đô viết qua tên phố; “Phố B52” mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố…

Đức Tâm