Tài nguyên

Lùi thời hạn thực thi quy định chống phá rừng của EU

Khánh Ly 24/10/2024 - 09:22

(TN&MT) - Ủy ban Châu Âu (EC) vừa đồng ý với đề xuất hoãn thực hiện Quy định về quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) thêm 12 tháng. Như vậy, các ngành hàng chịu tác động của Việt Nam gồm cao su, cà phê và gỗ sẽ có thêm thời gian chuẩn bị tuân thủ quy định này.

Quy định EUDR do Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra nhằm giảm thiểu nạn phá rừng và suy thoái rừng trên toàn thế giới, bằng cách chỉ cho phép đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU các sản phẩm không phá rừng. Đây là các sản phẩm được sản xuất trên đất không bị phá rừng hoặc suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Quy định này cũng nhằm góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và tình trạng mất đa dạng sinh học.

Nếu doanh nghiệp vi phạm quy định EUDR sẽ bị phạt tiền với mức phạt tối đa ít nhất là 4% tổng doanh thu hàng năm trên toàn EU của doanh nghiệp trong năm tài chính trước khi có quyết định xử phạt, và có thể tăng thêm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bị tịch thu các sản phẩm liên quan; tịch thu doanh thu thu được từ giao dịch với các sản phẩm liên quan; tạm thời không tham gia cung cấp sản phẩm cho mua sắm công và tiếp cận tài trợ công trong vòng 1 năm.
Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc mang tính chất lặp lại, doanh nghiệp có thể bị tạm cấm lưu thông hoặc đưa ra thị trường các mặt hàng và sản phẩm có liên quan.

EUDR điều chỉnh 7 nhóm mặt hàng gồm: đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê, cao su, trong đó, các ngành hàng bị tác động lớn tại Việt Nam gồm: cà phê, gỗ và cao su. Sau khi EC đồng ý lùi thời hạn tuân thủ, hạn cuối để các doanh nghiệp lớn tuân thủ EUDR là ngày 30/12/2025; các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là ngày 30/6/2026.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), việc lùi thời hạn giúp các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như doanh nghiệp, hiệp hội trong các ngành hàng có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ, cà phê và cao su đều tương đối phức tạp, nhiều yêu cầu trong việc tuyên bố về trách nhiệm thực thi, giải trình cũng như khai báo, cung cấp bằng chứng điện tử về tọa độ địa lý của lô rừng, khoảng rừng cung ứng vào thị trường EU còn mới. Sự mới mẻ này không chỉ đối với các doanh nghiệp mà với cả các hộ nông dân trồng rừng. Cần thêm thời gian và có hướng dẫn từ phía Việt Nam - EU, có các lớp tập huấn để các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu có thể nắm bắt và có cùng một cách hiểu về việc thực hiện giải trình vấn đề mới đặt ra là khai báo tọa độ địa lý với các thửa đất sản xuất.

Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, EUDR sẽ là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam. Nếu chúng ta thực thi tốt sẽ phát đi được thông điệp: Việt Nam kiên quyết kinh doanh lâm nghiệp, kinh doanh gỗ mà không gây mất rừng, suy thoái rừng.

7ab.jpg
Thị trường châu Âu chỉ chấp nhận các sản phẩm không phá rừng

Tổng thư ký Viforest cũng nhấn mạnh, cho đến hiện tại nhiều doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đã chứng minh được năng lực thích ứng, đáp ứng các quy định của EUDR. Các doanh nghiệp này đã đàm phán với đối tác nhập khẩu từ phía EU, các bên nhận thấy rằng có thể ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm gỗ vào EU từ đầu năm tới.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm xây dựng hướng dẫn thích ứng EUDR đối với ngành hàng cao su, cà phê và gỗ, với sự tham gia của Cục Trồng trọt, Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, các cơ quan nghiên cứu như Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế như GIZ, IDH, Forest Trends.

Các cơ quan cũng đang tích cực hợp tác xây dựng dự thảo Khung hướng dẫn thích ứng với EUDR cho doanh nghiệp ngành cà phê, cao su và gỗ. Khung hướng dẫn tập trung vào các bước cơ bản mà chủ rừng, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được khuyến khích cân nhắc khi triển khai thích ứng với EUDR. Trong đó bao gồm hướng dẫn thực thi các quy định về sản xuất hợp pháp và không gây mất rừng, thực hiện trách nhiệm giải trình và truy xuất nguồn gốc, các thông tin cần thu thập, đánh giá và giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh khung hướng dẫn chung cho doanh nghiệp, hướng dẫn cũng sẽ đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho từng mắt xích trong chuỗi cung ứng của các ngành hàng.

Thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp cùng Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng đã liên tụcchương trình đào tạo để doanh nghiệp Việt Nam từng ngành hàng đang được tổ chức liên tục bởi nhằm nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh trong bối cảnh áp dụng EUDR. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho doanh nghiệp, cập nhật nhiều tài liệu liên quan đến EUDR hơn để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất thích ứng với thay đổi trong tương lai.

Khánh Ly