Biến đổi khí hậu

Chuyên nghiệp hơn trong phòng chống thiên tai

Ngự bình - Nguyên sơn - Minh quân (thực hiện) 24/10/2024 - 09:21

(TN&MT) - Là khu vực thường xuyên chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề của nhiều loại hình thiên tai, các địa phương ở khu vực miền Trung đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó với từng cấp độ nhằm giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Lên phương án chủ động, hiệu quả

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ nay đến cuối năm 2024 tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ còn diễn biến khá phức tạp. Có khả năng xảy ra những đợt mưa lớn kéo dài và không loại trừ sẽ còn có cơn bão ảnh hưởng đến khu vực này. Vì thế, công tác ứng phó với mưa bão cần được các địa phương chủ động quan tâm đúng mức.

Sự chuẩn bị sẵn sàng với các thời tiết cực đoan là việc cực kỳ cần thiết. Tại Tân Hóa, nếu lũ lên 7-10 ngày, người dân vẫn có thể bảo đảm điều kiện an toàn, đủ thực phẩm để phục vụ du khách trải nghiệm vì họ có nhà phao, có phương tiện di chuyển. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Nếu như thử nghiệm thành công mô hình du lịch nhà phao ở Tân Hóa, chúng ta hoàn toàn có thể nhân rộng ở các địa bàn khác.

TS. Nguyễn Ngọc Huy -

Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai

Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, từ rất sớm tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình.

Đặc biệt, khi có áp thấp nhiệt đới hoặc cơn bão ở Biển Đông, nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, cấm người dân vớt củi trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ, đập; có phương án đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực bị ngập lụt. Đồng thời, sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp.

"Tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu" - ông Nguyễn Văn Đệ cho biết thêm.

Tại Thừa Thiên - Huế, theo dự báo của cơ quan chức năng tỉnh, năm 2024, trên địa bàn, thiên tai xảy ra rất khốc liệt, dị thường, tương tự với tình huống mưa lũ, bão; dự báo khoảng 3 - 4 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến tỉnh; 7 - 9 đợt mưa lớn diện rộng và một số đợt mưa diện rộng, mưa lớn cục bộ, tập trung chính trong tháng 10 và 11; khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ trong đó có lũ lớn, tập trung nhiều vào tháng 10 và tháng 11.

Ông Hoàng Văn Vy - Chủ tịch UBND xã Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, công tác phòng chống thiên tai không chỉ được quán triệt, triển khai bởi các kế hoạch từ đầu năm mà còn được "thực hành" thông qua các buổi diễn tập cứu hộ, cứu nạn. Trong tình huống có bão lũ, mưa lớn xảy ra, xã xác định các thôn nằm ven biển, tiếp giáp với biển như khu vực Thanh Mỹ, Kế Thượng Thanh, Kế Sung là vùng trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Lực lượng xung kích cứu hộ, cứu nạn của xã sẽ giúp dân giằng chống nhà cửa, gia cố thuyền bè, cắt tỉa cây xanh và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

"Nhờ công tác chuẩn bị tốt, phân công trách nhiệm rõ ràng, mỗi cán bộ phụ trách mỗi địa bàn, nên khi có tình huống thiên tai, công tác xử lý nhịp nhàng, chủ động, hiệu quả. Qua đó sẽ giảm thiệt hại đáng kể cho địa phương", ông Vy chia sẻ.

Duy trì những cách làm hay

Xã Tân Hóa vốn là vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Từ năm 2010 về trước, cứ đến mùa lũ lụt, người dân nơi đây phải chạy lên núi để tránh trú. Nhưng giờ đây, người dân đã có thể sống thích ứng an toàn nhờ những ngôi nhà phao tránh lũ lụt. Mỗi nhà rộng khoảng 20m2, làm bằng gỗ hoặc tôn và có hệ thống thùng phuy được cột chặt bên dưới, giúp cho ngôi nhà có thể nổi được khi nước lũ dâng cao. Từ những ngôi nhà ban đầu được xây dựng, đến nay, đã có hơn 700 căn nhà nổi trong số hơn 715 hộ dân ở Tân Hóa.

8c.jpg
Thừa Thiên Huế diễn tập phòng chống thiên tai năm 2024.

Trong đợt lũ vừa qua, mặc dù vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhưng những ngôi nhà phao biệt lập đã phát huy tác dụng ở nhiều khu vực thuộc tỉnh Quảng Bình, như thị xã Ba Đồn, huyện Tân Hóa, Minh Hóa... Nước lũ dâng lên, nhà phao cũng nổi lên trên và trở thành ngôi nhà an toàn cho người dân.

Còn tại Quảng Nam - địa phương thường xuyên chịu tác động nặng nề bởi các đợt lũ quét sạt lở núi, cùng với công tác chủ động ứng phó, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác di dời, sắp xếp ổn định dân cư phòng tránh thiên tai tại khu vực miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh. Theo số liệu thống kê, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, từ năm 2021 đến 30/6/2024, tổng số hộ được hỗ trợ thực hiện sắp xếp di dời chỗ ở là 2.168 hộ; trong số đó, hộ vùng thiên tai là 1.917 hộ, chủ yếu là Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My... góp phần chủ động và hạn chế các rủi ro thiên tai gây ra.

Dự kiến đến hết năm 2024, số hộ thực hiện sắp xếp dân cư khoảng 2.400 hộ; dự kiến đến hết năm 2025, số hộ thực hiện sắp xếp dân cư khoảng 3.500 hộ, trong đó số hộ vùng thiên tai khoảng 3.200 hộ, cơ bản giải quyết nhu cầu bố trí dân cư vùng thiên tai khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Thanh Tùng - Đình Tiệp - Văn Dinh

Kinh nghiệm ứng phó từ cơ sở

Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:

Thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn để ứng phó hiệu quả

9lvd.jpg
Ông Lê Văn Dũng -
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Theo dự báo, cũng như kinh nghiệm cứ đến năm Giáp Thìn thiên tai, bão lũ sẽ khắc nghiệt hơn, gây ra thiệt hại cho người và tài sản nhiều hơn. Nhận thức được vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo rà soát lại các kế hoạch đã xây dựng và thực hiện những năm trước đây để bổ sung, sửa đổi những tình tiết mới, thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn thì mới ứng phó có hiệu quả.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 vừa qua, vấn đề sạt lở đất đang là thách thức đặt ra cho cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng. Qua kiểm tra thực tế, tôi cho rằng hiểm họa sạt lở, nứt núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhất là ở các huyện miền núi. Đây là điều rất lo lắng. Quảng Nam may mắn được Bộ TN&MT tổ chức khảo sát đánh giá và cảnh báo cho địa phương. Hiện nay các địa phương đều đánh giá, những dự báo của Bộ TN&MT gần như diễn ra đúng như thực tế. Do vậy, ở các khu vực miền núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng phải cương quyết di dời dân đến nơi an toàn để bảo toàn tính mạng. Thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư để di dời người dân ở các vùng sạt lở. Với việc di dân, bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư nhằm phòng chống thiên tai, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam dần định hình giải pháp ngăn ngừa thảm họa mang tính bền vững.

Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Chủ động, không chủ quan

8hhm.jpg
Ông Hoàng Hải Minh -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tại Thừa Thiên - Huế, trước dự báo diễn biến phức tạp của thiên tai những tháng cuối năm 2024, tỉnh đã đề nghị các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng để triển khai phòng ngừa, ứng phó thiên tai, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng. Thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thông tin về dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai; Bảo đảm thông tin liên lạc, không để thông tin liên lạc bị gián đoạn trong mùa mưa bão. Chủ động trong việc khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, nhất là trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính. Kiểm tra thường xuyên việc đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập...

Trên phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước; đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; kiểm tra xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Phải cảnh báo đúng và cảnh báo sớm, không được chủ quan trước mọi tình huống.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình:

Không để bị động, bất ngờ trước thiên tai

8tqt.jpg
Ông Trần Quốc Tuấn -
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang tồn tại 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, biển, trong đó 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Theo dự báo của Đài KTTV tỉnh Quảng Bình, thời gian tới sẽ có khoảng 1 - 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết tỉnh Quảng Bình. Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm các công điện của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất.

Mặt khác, chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó với sạt lở đất khi mưa, lũ. Rà soát, chủ động phương án và địa điểm sẵn sàng sơ tán, di dời nhằm bảo đảm an toàn tính maång, haån chïë thiïåt haåi vï tài sản; tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt là lực lượng nòng cốt như công an, quân đội, biên phòng, xung kích phòng chống thiên tai. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các dự án đê điều, hồ đập, sạt lở bờ sông, bờ biển đã được bố trí kinh phí có phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai. Đài KTTV Quảng Bình tăng cường dự báo, cảnh báo, đưa ra nhận định sớm, đảm bảo độ tin cậy để thông tin đến các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Ngự bình - Nguyên sơn - Minh quân (thực hiện)