Thế giới

Nhiệt độ đại dương khiến 77% diện tích san hô bị tẩy trắng

Mai Anh 23/10/2024 - 20:32

(TN&MT) - Theo dữ liệu vệ tinh, 77% diện tích rạn san hô trên thế giới, ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ - từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương - cho đến nay đang phải chịu áp lực về nhiệt ở mức độ gây ra tẩy trắng, vì biến đổi khí hậu cùng El Nino khiến nhiệt độ đại dương trên toàn thế giới ngày càng ấm lên nhanh.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt trên khắp thế giới được báo động từ tháng 2/2023 hiện là đợt tẩy trắng lớn nhất từng được ghi nhận.

download-2-.jpg
San hô bị tẩy trắng tại Koh Mak, tỉnh Trat, Thái Lan

Ông Derek Manzello, điều phối viên của chương trình Coral Reef Watch của NOAA cho biết: "Sự kiện này vẫn đang gia tăng về phạm vi không gian và chúng ta đã phá vỡ kỷ lục trước đó hơn 11% chỉ trong khoảng một nửa thời gian. Điều này có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng trong phản ứng cuối cùng của các rạn san hô trước hiện tượng tẩy trắng".

Vào tháng 4 năm nay, cơ quan quản lý rạn san hô của NOAA đã tuyên bố sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư kể từ năm 1998. Kỷ lục trước đó từ năm 2014 đến năm 2017 đã ảnh hưởng đến gần 66% diện tích rạn san hô trên thế giới.

Quá trình tẩy trắng được kích hoạt bởi sự bất thường về nhiệt độ nước biển khiến các loại tảo đầy màu sắc sống trong mô của san hô bị thải ra ngoài. Khi nhiệt độ đại dương quá cao, san hô sẽ đẩy tảo ra ngoài và chuyển sang màu trắng, dẫn tới hiện tượng "tẩy trắng" khiến chúng dễ mắc bệnh và có nguy cơ chết dần.

Để ứng phó với tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt, các nhà khoa học đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp đặc biệt về rạn san hô trong khuôn khổ Hội nghị COP16 đang diễn ra tại Colombia. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về các chiến lược cuối cùng để ngăn chặn sự tuyệt chủng về mặt chức năng của san hô, bao gồm các hoạt động tài trợ và biện pháp bảo vệ.

Mai Anh