Xã hội

Quảng Ninh: Nuôi trồng thủy sản trên biển làm lại từ đầu sau bão số 3

Mỹ Dung - Lê Tí 23/10/2024 15:42

Bão số 3 (Yagi) đi qua đã để lại hậu quả to lớn cho tỉnh Quảng Ninh nói chung và nghề nuôi biển Quảng Ninh nói riêng. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm “sống vì biển, làm giàu từ biển”, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm bắt tay ngay vào tái sản xuất, nhận vị trí và diện tích mặt nước để tiến hành nuôi trồng thủy sản lại từ đầu.

Vân Đồn hối hả khôi phục vùng nuôi

Huyện Vân Đồn có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh và miền Bắc, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng với 1.200 cơ sở nuôi trồng bị hư hỏng, 130 tàu bị chìm hoặc mất tích, hơn 32.000 tấn thủy sản sắp đến kỳ thu hoạch bị mất trắng. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 2.280 tỉ đồng.

Tính đến hết ngày 20/10/2024, huyện Vân Đồn đã tạm giao mặt nước biển cho 57 HTX, với tổng số 912 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 6.000 ha, tăng 42% so với trước bão. Người dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 1.000ha; xuống giống mới được 200ha. Đối với nuôi cá, huyện đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá, đạt 50% trước khi bão số 3 xảy ra.

anh-ts-qn.jpg
Người dân chuẩn bị vật liệu để làm khu nuôi trồng thủy sản

Anh Phạm Văn Thân, ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, chia sẻ: Gia đình được giao 5.000 m2 mặt biển, đây cũng không khác việc giao sổ đỏ trên đất liền, chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư và vay vốn phát triển nuôi trồng.

Được biết, Đề án Phát triển Nuôi trồng Thủy sản huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn 2040, có tổng diện tích 23.821 ha, gồm 91 khu vực biển đã được tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 11/2/2023. Đây chính là cơ sở để huyện sắp xếp các vùng nuôi, chỉ ra các khu vực có lợi thế nuôi cho từng đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn.

Theo ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Đến nay huyện đã bàn giao cho các hộ dân trên 6.000 ha khu vực biển, đã có 50% số lồng bè nuôi cá được các hộ khôi phục trở lại so với thời điểm trước bão số 3 và đã trên 50 hộ xuống giống gần 300ha hàu. Dự kiến huyện sẽ giao thêm 7.000 ha khu vực biển cho các hợp tác xã và hơn 1.000 hộ dân trong năm nay.

anh-5-vat-lieu-chuan-bi-cho-nghe-nuoi-ts-anh-nguyen-quy.jpg
Vật liệu luồng, phao nhựa... được người dân tập kết chuẩn bị cho việc nuôi trồng thủy sản

Thị xã Quảng Yên sẽ sớm phục hồi vùng nuôi thủy sản

Tại thị xã Quảng Yên, vùng có thế mạnh nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh, bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến 455 hộ nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại khoảng 2.300 tỉ đồng, chủ yếu tại xã Hoàng Tân, Tân An, Liên Hòa, Liên Vị, Phong Hải, Yên Hải…

anh-6-ts.jpg
Khu nuôi trồng thủy sản ở phường Phong Hải tan hoang sau bão số 3

Ông Đoàn Trung Mạnh, người dân nuôi hàu và hà ở phường Yên Hải, cho biết: Gần 10 năm tập trung làm ăn giờ chả còn gì, tất cả trôi sạch. Từ sau bão đến giờ vẫn nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ đi tìm tài sản xem còn vớt vát được chút nào hay chút đó, rồi thuê lao động gia cố lại bè, mảng, cắt bỏ các dây hàu, thu gom lại các phao nhựa để tái sản xuất lại khu nuôi hàu, hà.

Được biết, TX. Quảng Yên đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản sớm phục hồi, tái sản xuất. TX. Quảng Yên vừa trao quyết định giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho 164 hộ dân ở xã Hoàng Tân và phường Phong Hải, mỗi hộ được giao diện tích 0,6ha kèm theo vị trí, sơ đồ khu vực biển nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch của TX. Quảng Yên. Quảng Yên phấn đấu đến giữa tháng 11/2024 sẽ hoàn thành việc giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho hơn 400 hộ dân thuộc đối tượng sinh kế trên địa bàn để người dân yên tâm tái thiết sản xuất.

anh-2-ts.jpg
Chuẩn bị xuống giống thủy sản để làm lại từ đầu sau bão số 3

Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển TX. Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này có tổng diện tích 865 ha và đều nằm trong khu vực 3 hải lý thuộc thẩm quyền giao của Thị xã.

Với gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3, hiện thủy sản là lĩnh vực thế mạnh, có đóng góp quan trọng lên tới 50% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tập trung ở huyện, thị xã: Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà và Thành phố Móng Cái, Cẩm Phả…

Tp. Cẩm Phả tổ chức bốc thăm cho 139 cá nhân nuôi thủy sản

Để thực hiện phương án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển TP. Cẩm Phả, đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và giúp người dân nuôi trồng thủy sản khắc phục hậu quả sau bão số 3, Cẩm Phả đã tổ chức bốc thăm vị trí ô nuôi cho các cá nhân nuôi trồng thủy sản đợt 1, năm 2024.

Theo đó, 139 cá nhân đã được chính quyền tiến hành bốc thăm ở 111 vị trí nuôi hàu tại khu vực Hòn Cặp Vọ thuộc các phường Cẩm Thủy, Cẩm Trung, Cẩm Thành và tại khu vực Vũng Bầu, phường Quang Hanh; 28 vị trí nuôi cá tại khu vực thuộc phường Cẩm Bình.

Qua việc tổ chức bốc thăm đã góp phần bố trí, sắp xếp lại vùng nuôi, vị trí nuôi trồng thủy sản cho các hộ được bài bản, khoa học hơn, đồng thời giúp người dân sớm bắt tay vào công cuộc tái thiết, tổ chức sản sản xuất, sớm ổn định cuộc sống, góp phần phát triển ngành kinh tế biển gắn với việc phát triển du lịch biển, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn luồng lạch giao thông trên biển.

anh-4-ts-tan-hoang-sau-bao.jpg
Hình ảnh nuôi trồng thủy sản sau bão số 3 đi qua

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức tín dụng ở địa phương trong tỉnh đang đồng hành, triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để tái sản xuất, kinh doanh. Tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm “sống vì biển, làm giàu từ biển”, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất một cách bền vững.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, trong đó đề nghị các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới... đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão. Đây là một trong nhiều giải pháp trọng tâm giúp nghề nuôi biển và người dân chăn nuôi thủy sản có thêm động lực, niềm tin và quyết tâm bám biển, làm giàu từ biển và đi lên từ biển.

anh-5-ts.jpg
Diện mạo mới nghề nuôi trồng thủy sản đứng dậy sau bão số 3

Mỹ Dung - Lê Tí