Sức khỏe

Sơn La: Xây dựng trường học không khói thuốc

Nguyễn Nga 23/10/2024 - 10:34

(TN&MT) - Hướng tới xây dựng trường học xanh sạch đẹp, an toàn, văn minh, không khói thuốc lá, ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đưa phong trào phòng chống tác hại thuốc lá đến từng trường học và mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh.

Để hiểu rõ hơn về cách làm cũng như những kết quả mà địa phương này đã đạt được, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

img_9150.jpg
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.

PV: Xin ông cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá trong các trường học đã được tỉnh Sơn La thực hiện như thế nào?

Ông Quàng Văn Lâm:

Sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay đang ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa, đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tập trung chủ yếu ở các đối tượng là thanh, thiếu niên là học sinh. Việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có kèm theo các hóa chất không được kiểm soát, thậm chí tiệm cận hoặc là tiền chất ma túy đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường đối với học sinh.

Nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người nhất là đối với các em học sinh, từ năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phát động cuộc vận động “Xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn, văn minh, không khói thuốc lá”, trọng tâm là xây dựng mỹ quan trường học, tạo không gian sư phạm thân thiện, gần gũi, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng trường học không khói thuốc…

Hàng năm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các nhà trường về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong năm học 2024-2025, toàn ngành giáo dục đã ban hành hơn 120 văn bản các loại về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Triển khai thực hiện nghiêm túc hoạt động phát giác, tố giác vi phạm về thuốc lá trong trường học; triển khai các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, chương trình ra quân hưởng ứng ngày thế giới phòng chống thuốc lá…

chu-trong-tuyen-truyen-nang-cao-y-thuc-thuc-hien-noi-quy-cam-hut-thuoc-la-cho-cac-em-hoc-sinh.jpg
Sơn La chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện nội quy cấm hút thuốc lá cho các em học sinh.

PV: Ông có thể thông tin một số kết quả cụ thể trong công tác phòng chống thuốc lá trong trường học mà địa phương đã đạt được? Nhất là sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành của đội ngũ giáo viên và các em học sinh?

Ông Quàng Văn Lâm:

Trong năm học vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và của Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học đã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, cụ thể đã tổ chức cho hơn 177.000 lượt học sinh; hơn 4.000 sinh viên, hơn 18.000 cán bộ, giáo viên ký cam kết không vi phạm pháp luật về thuốc lá.

Triển khai được 436 buổi tuyên truyền; 32 cuộc thi; cấp phát gần 3.800 tài liệu tuyên truyền. Qua công tác phát giác, tố giác đã phát hiện 269 học sinh vi phạm về sử dụng thuốc lá. Các nhà trường đã phối hợp với gia đình học sinh và lực lượng công an cơ sở, tổ chức cho học sinh vi phạm ký cam kết không tái phạm.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền trên, nhận thức và ý thức chấp hành qui định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá của cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao. Cơ bản kiểm soát và giảm dần số người sử dụng thuốc lá trong trường học.

461275826_1024438909476981_691695214264579664_n.jpg
Hàng năm, Sở GD&ĐT Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá.

PV: Trong quá trình triển khai, ngành Giáo dục và Đào tạo có gặp những khó khăn, hạn chế nào không, thưa ông?

Ông Quàng Văn Lâm:

Trong quá trình triển khai các hoạt động, các cơ sở còn gặp một số những hạn chế, khó khăn nhất định. Do địa bàn quá rộng, số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh đông khó kiểm soát, trong khi, hoạt động mua bán thuốc lá vẫn đang diễn ra khá dễ dàng.

Các cửa hàng có bán thuốc lá chưa thực hiện nghiêm túc quy định về độ tuổi của người được mua thuốc lá nên học sinh dễ dàng mua được. Ngoài ra, việc mua bán thuốc lá điện tử diễn ra phức tạp từ mua bán trực tiếp, trực tuyến thông qua các nền tảng xã hội…

Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội, người dân về tác hại của thuốc lá chưa cao, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức xã hội và người dân. Còn có trường hợp thấy học sinh sử dụng thuốc lá nhưng người lớn cũng không lên tiếng khuyên ngăn.

Nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thói quen cho học sinh còn thiếu, đa phần đều do các nhà trường bố trí nguồn kinh phí từ nguồn chi thường xuyên hoặc các nguồn xã hội hóa khác. Do vậy, các hoạt động này còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa có hiệu quả rõ ràng.

1(1).png
Các trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La nỗ lực tạo dựng môi trường học tập không khói thuốc.

PV: Năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành giáo dục và đào tạo đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học, thưa ông?

Ông Quàng Văn Lâm:

Trong thời gian tới, để nâng cao công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc Luật phòng chống tác hại thuốc lá; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Công an tỉnh.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định 1794/QĐ-UBND ngày 29/8/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống ma túy; bạo lực; xâm hại tình dục; thuốc lá; vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong học đường trên địa bàn tỉnh Sơn La, năm học 2024 – 2025; Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 29/8/2024 của UBND tỉnh ban hành Quy trình phát giác, xác minh, kiểm tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy; bạo lực; xâm hại tình dục; thuốc lá; vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học đường trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng công an các cấp trên địa bản tỉnh, đưa nội dung phòng, chống thuốc lá thành một chuyên đề giáo dục riêng. Xây dựng thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua để triển khai đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm đối với các cơ sở giáo dục.

Kiến nghị với lực lượng công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cửa hàng kinh doanh có bán thuốc lá không tuân thủ các quy định, nhất là những cửa hàng lân cận các trường học, đảm bảo không có hiện tượng bán thuốc lá cho người chưa đủ tuổi.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng trình UBND tỉnh tăng cường nguồn ngân sách cho các nhà trường để có thêm nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Nga