Trong nước

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu

Thanh Tùng - Khương Trung 22/10/2024 - 15:56

Chiều 22/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Tạo cơ chế ứng dụng dữ liệu vào quản lý nhà nước

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu… Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

1(5).jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu

Ở nước ta, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, mục đích ban hành luật là nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.

Với 67 điều, dự thảo Luật Dữ liệu được bố cục thành 7 chương, gồm: Chương I. Quy định chung; Chương II. Xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; Chương III. Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Chương IV. Xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; Chương V. Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; Chương VI. Tổ chức thực hiện; Chương VII. Điều khoản thi hành.

9999.jpg
Quang cảnh phiên họp

Về phân quyền quản lý nhà nước về dữ liệu, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, dự thảo Luật quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dữ liệu. Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Dự án Luật rất quan trọng, cần thiết, cấp bách

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, Báo cáo đánh giá tác động cơ bản đánh giá rõ các chính sách được đề nghị xây dựng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Có ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nên cần xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để không trùng dẫm với các luật có liên quan nhằm phục vụ phát triển kinh tế số.

Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, Ủy ban cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia. Có ý kiến đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Có ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ; đề nghị cân nhắc các nội dung chi của Quỹ để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Đối với quy định về thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, ông Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí quy định về thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia quy định tại Điều 34 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn lực bảo đảm cho hoạt động thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

2(2).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu

Về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý, Ủy ban cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật, nhằm tạo nguồn tài chính để đầu tư, phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ.

Đối với quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia quy định tại Chương III của dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, hiện nay đã có nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước, vì vậy, đề nghị làm rõ sau khi Luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở dữ liệu hiện nay phải được xử lý như thế nào để không chồng chéo với quy định của Luật này; đồng thời, đề nghị đánh giá tác động về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và nhân lực quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thanh Tùng - Khương Trung