Môi trường

Triển lãm “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”

Hoài Thu 22/10/2024 - 14:07

(TN&MT) - Sáng 22/10, tại Hà Nội diễn ra Triển lãm “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” do Bộ TN&MT hợp tác cùng các doanh nghiệp (PPC), Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (Britcham), Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức. Chương trình nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý và giải quyết các vấn đề rác thải nhựa.

Việc tìm kiếm các giải pháp mới, đổi mới, sáng tạo trong việc thu gom, phân loại, tái chế rác thải bao bì nhựa tại Việt Nam giúp hỗ trợ, thúc đẩy chính sách trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

img_0648.jpeg
Khuôn khổ Triển lãm trong Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”

Theo đó, trong Triển lãm khuôn khổ Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” quy tụ nhiều đơn vị, tổ chức tại Việt Nam đang phát triển sản phẩm mẫu hoặc sở hữu giải pháp công nghệ giúp cải tiến, hướng đến tạo dựng các mô hình, có sáng kiến, giải pháp trong việc giải quyết bài toán về rác thải nhựa, rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là rác thải bao bì nhựa mềm có thể ứng dụng tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, các mô hình hay sản phẩm tại Triển lãm cũng hướng đến giải pháp và cách tiếp cận mức độ sẵn sàng bày bán tại thị trường Việt Nam, đặc biệt, chú trọng đến tính phù hợp để nhân rộng mô hình, tính triệt để trong giải quyết vấn đề và tính bền vững, tác động của sản phẩm/ giải pháp đến nhu cầu chung của xã hội.

Đồng thời, các mô hình/ sản phẩm trong Triển lãm còn hướng đến việc nâng cao khả năng, năng lực ở giai đoạn thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa mềm, bao gồm các giải pháp đã có hoặc chưa có sản phẩm thực tế.

img_0647.jpeg
Anh Phan Khánh Duy - đại diện nhóm I.U.D UPPERLAB.CO - Đại học Bách Khoa TP.HCM giới thiệu mô hình trong Triển lãm

Anh Phan Khánh Duy - đại diện nhóm I.U.D UPPERLAB.CO - Đại học Bách Khoa TP.HCM giới thiệu về Hệ thống Phân loại rác thải nhựa tự động DTS. Hệ thống này có thể tự nhận diện rác thải nhựa tuỳ theo từng phân loại, đảm bảo sức khỏe cho những công nhân làm trong ngành nhựa, cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực đáng kể cho công việc này.

Hệ thống DTS được kết hợp từ nền tảng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (sử dụng mô hình Vision) - mục đích để thay thế người công nhân trong việc tự nhận biết các loại nhựa không thể tái chế và loại nhựa có thể tái chế; đặc biệt, hệ thống có thể giúp phân loại rác thải rắn và nhựa mềm.

Hệ thống vận hành phân tích rác thải nhựa

Sau đó, hệ thống vận hành phần mềm Delta Robot để có thể phân loại và tự gắp các đồ nhựa sang khu vực dành riêng cho việc tái chế, với tốc độ hoạt động nhanh, tỷ lệ chính xác cao. Điều để hệ thống này khả thi là phân loại robot này trên thị trường khá rẻ so với các loại cao cấp khác, và sẽ rẻ hơn nữa nếu được tối ưu riêng cho dây chuyền này. Hệ thống đã được thử nghiệm tại nhà máy Duy Tân đã cho kết quả và năng suất hoạt động tốt, tiết kiệm chi phí vận hành cũng như nguồn lực lao động.

Nếu như anh Phan Khánh Duy - đại diện nhóm I.U.D UPPERLAB.CO - Đại học Bách Khoa TP.HCM quan tâm đến việc phân loại rác nhựa thì chị Hà Phan Kim Nguyệt - Founder Up Green Việt Nam đang tìm lời giải cho câu hỏi “tái chế xong để làm gì?”. Giải được câu hỏi này thì việc tái chế, phân loại hay thu gom rác đều mới có hiệu quả lâu dài.

img_0650.jpeg
Chị Hà Phan Kim Nguyệt - Founder Up Green Việt Nam và các sản phẩm nhựa tái chế tại Triển lãm

“Các sản phẩm tái chế trước đây theo như nhiều khảo sát có thể thấy với giá thành rất cao, thậm chí còn không mang tính thẩm mỹ,… nên nhiều người dân không bỏ tiền ra mua. Do đó, tôi mong muốn làm sao để có những giá trị mới cho sản phẩm nhựa tái chế từ “phế phẩm” trở thành “tác phẩm”, bằng cách đưa nghệ thuật và văn hoá đương đại, yếu tố truyền thống Việt Nam vào những sản phẩm tái chế, qua đó, làm tăng giá trị của sản phẩm nhựa tái chế lên” - chị Kim Nguyệt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sản phẩm nổi bật nhất của Up Green Việt Nam phải kể đến Danh thiếp thông minh từ nhựa tái chế, danh thiếp này được tích hợp một con chip NFC trong đó và mang thiết kế hoa văn truyền thống, kết hợp sơn mài nghệ thuật Việt Nam, ghi ấn tính đặc sắc và nổi bật. Sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa mang đến dấu ấn riêng của từng người. Con chip trong danh thiếp được tích hợp nhiều thông tin của người sử dụng, có thể dùng để giới thiệu bản thân, giới thiệu doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, sản phẩm rất đa dạng và hiệu quả.

Ngoài ra, trong Triển lãm còn rất nhiều sản phẩm, mô hình thông minh hướng đến tái chế rác thải nhựa, bao bì xanh và hệ thống, máy móc kỹ thuật phân loại rác thải,…

Sau đây là một số hình ảnh Báo TN&MT ghi nhận tại Triển lãm:

img_0652.jpeg
Hệ thống thiết bị nhiệt phân xử lý rác thải nhựa thành nhiên liệu đốt
img_0654.jpeg
Công ty TNHH Hải Nam cùng sản phẩm bao bì nhựa tái chế
img_0655.jpeg
Các sản phẩm tái chế đặc sắc của Up Green Việt Nam
img_0656.jpeg
img_0658.jpeg
Công ty Buyo cùng các sản phẩm nhựa tái chế đơn giản, thân thiện với môi trường
img_0659.jpeg
Các gian hành tại Triển lãm thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều người đến tham quan

Hoài Thu