Tài nguyên nước

Bắc Hà (Lào Cai): Quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước

Bích Hợp 22/10/2024 - 10:23

(TN&MT) - Tăng nguồn vốn cho công tác đầu tư nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nước, bảo vệ nguồn nước ngầm, ứng phó với tình trạng sa mạc hóa. Tăng cường công tác phối hợp trong việc kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi bị hư hỏng để thống nhất phương sửa chữa khắc phục là những phương án được Bắc Hà triển khai nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên nước cho phát triển bền vững.

Hiện trạng và khó khăn trong bảo vệ quản lý tài nguyên nước

Với địa hình đặc trưng núi đá vôi đan xen là những lòng chảo nhỏ hẹp, những khe vực, suối, sông làm cho địa hình Bắc Hà trở nên đa dạng. Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, chiếm 80% lượng mưa cả năm, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 20%. Vào mùa khô có thời kỳ cả tháng không có mưa, trời ít nắng, có sương mù. Nhìn chung lượng mưa trung bình thấp, cường độ mưa không đều, hiện trạng tài nguyên rừng ít là nguyên nhân khiến tài nguyên nước tương đối khan hiếm tại Bắc Hà.

bac-ha1.jpg
Người dân Bắc Hà đang ngày càng nhận thức rõ, nước không phải của trời cho.

Về công tác bảo vệ tài nguyên nước, việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư còn thấp, phần lớn vẫn cho rằng “nước là của trời cho”, vì vậy, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí và thiếu ý thức bảo vệ tài nguyên. Một số công trình cấp nước phục vụ chủ yếu cho các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế nên công tác quản lý thu tiền sử dụng nước sinh hoạt là rất khó khăn.

Không có cán bộ có chuyên môn về quản lý tài nguyên nước. Đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là kiêm nhiệm chưa có cán bộ chuyên trách. Do thiếu cán bộ có chuyên môn và nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, chưa được phổ biến sâu rộng tới các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Một số công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư từ những năm năm 2007 - 2008, là đầu tư bể tập trung cho nhóm hộ hoặc trụ vòi, không lắp đồng hồ nên khó thu được tiền.

Hiện cơ bản một số công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn các xã, hỏng nhiều không đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời do công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động dẫn đến việc các tổ quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt hầu như không được thành lập (nếu được thành lập cũng chỉ mang tính hình thức) và ký kết với các hộ gia đình dùng nước.

Các công trình thủy lợi được đầu tư trên địa bàn còn chưa đáp ứng được việc kiên cố thực trạng của hệ thống kênh mương hiện có trên địa bàn các xã, thị trấn, nhu cầu đầu tư xây dựng mới một số công trình chưa được phê duyệt đầu tư. Một số công trình được đầu tư xây dựng từ lâu đã xuống cấp và hỏng, mặt khác do địa hình đồi núi dốc thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai như mưa lũ, sạt lở nhiều công trình hư hỏng nặng. Trong khi vốn đầu tư sửa chữa nâng cấp rất hạn chế gây khó khăn trong công tác vận hành, khai thác sử dụng và quản lý công trình.

Công tác quản lý lưu trữ hồ sơ ở địa phương còn rất nhiều hạn chế, Nhiều công trình thủy lợi đầu tư xây dựng đã lâu, hồ sơ công trình bị thất lạc; gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành công trình. Chính quyền địa phương một số xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, bàn giao kê khai tài sản lưu trữ hồ sơ.

Đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành công trình thủy lợi cấp huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm chưa có cán bộ chuyên trách, do vậy việc triển khai công tác quản lý, bảo trì công trình tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ, cải tạo các công trình sau đầu tư còn nhiều hạn chế, Công tác duy tu, bảo dưỡng của một số xã chưa thực hiện thường xuyên; một số tổ quản lý thuỷ nông cơ sở chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, vẫn để cho các công trình đập đầu mối, đập dâng bị bồi lắng, tuyến kênh đôi khi chưa được nạo vét, tu sửa làm ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ tài nguyên nước

Để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước quý giá, Bắc Hà đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường 2022. Trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai.

Tổ chức rà soát, cung cấp vị trí trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất, lập danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; Rà soát, thống kê giếng không sử dụng phải trám lấp để bảo vệ tài nguyên nước.

Tham gia ý kiến đối với dự thảo kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Dự thảo đề cương và dự toán chi tiết dự án : Điều tra nguồn thải, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Thường xuyên hướng dẫn UBND các xã, thị trấn trong việc quản lý, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tài Nghệ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Hà cho biết, để bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, huyện Bắc Hà đã nỗ lực xây dựng quản lý và vận hành hiệu quả 138 công trình cấp thoát nước của địa phương, bảo vệ các ao hồ sông suối khi mùa mưa lũ tới. Đồng thời, để bảo vệ môi trường chống ô nhiễm nguồn nước, Bắc Hà đã ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước.

Sau một thời gian nỗ lực tuyên truyền, ý thức của người dân đã được nâng nên rõ rệt, người dân đã phân loại rác thải, xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, là sử dụng đúng liều lượng và thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định… Huyện Bắc Hà phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch lên 90%. Các xã trên địa bàn đều có cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ngoài ra Bắc Hà còn thường xuyên phối hợp với các các Sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý tài nguyên nước. Tăng cường công tác phối hợp trong việc kiểm tra, đánh giá các công trình Thủy lợi bị hư hỏng để thống nhất phương án đề xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa chữa khắc phục kịp thời.

Bích Hợp