Hàng không quốc tế - khách hàng tiềm năng của tín chỉ các-bon nội địa
(TN&MT) - Ngành hàng không thế giới đang nỗ lực đạt mục tiêu trung hòa các-bon thông qua Chương trình giảm và bù đắp các-bon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA), kéo theo nhu cầu tín chỉ các-bon cũng sẽ tăng lên theo lộ trình trong tương lai.
Xung quanh vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Nguyễn Hồng Loan - Chuyên gia Chính sách Biến đổi Khí hậu và Thị trường các-bon, Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC) để làm rõ hơn những tác động của CORSIA đến Việt Nam.
PV: Thưa bà, bà có thể chia sẻ rõ hơn về CORSIA và liệu Việt Nam có phải tham gia Chương trình này?
Bà Nguyễn Hồng Loan: Theo Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), ngành hàng không chiếm khoảng 2% tổng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Số liệu năm 2015 cho thấy khoảng 65% lượng tiêu thụ nhiên liệu cho ngành hàng không được sử dụng cho các chuyến bay quốc tế. Như vậy, hàng không quốc tế chịu trách nhiệm đối với khoảng 1.3% tổng phát thải KNK toàn cầu.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), phát thải KNK từ hàng không quốc tế không được xem xét trong các mục tiêu giảm phát thải KNK trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của từng nước. Do vậy, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã thống nhất mục tiêu tăng trưởng trung hòa các-bon từ năm 2020 và thực hiện CORSIA để đóng góp vào mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
CORSIA là chương trình toàn cầu cấp lĩnh vực đầu tiên dựa trên thị trường nhằm giúp ICAO đạt được mục tiêu tăng trưởng trung hòa các-bon từ năm 2020. CORSIA cho phép sử dụng các tín chỉ các-bon hợp lệ để bù trừ cho lượng phát thải KNK còn lại sau khi các hãng hàng không áp dụng các cải tiến về công nghệ, vận hành và thay đổi sử dụng nhiên liệu để giảm phát thải KNK.
Từ năm 2021, CORSIA bước vào giai đoạn thí điểm, trong đó, các hãng hàng không tự nguyện tham gia sẽ phải duy trì mức thải khí nhà kính từ các chuyến bay quốc tế bằng với mức phát thải cơ sở của năm 2019. Giai đoạn hiện nay, là giai đoạn thực hiện thứ nhất, (tức là từ 2024-2026), mục tiêu này còn bằng 85% so với phát thải cơ sở.
Đến giai đoạn thực hiện thứ hai, từ năm 2027 - 2035 ngoài việc tham gia tự nguyện, CORSIA áp dụng bắt buộc với tất cả các nước có tỷ lệ hoạt động hàng không quốc tế năm 2018 lớn hơn 0.5% tổng hoạt động hoặc đóng góp vào 90% tổng hoạt động cộng gộp theo RTK (trọng lượng hàng hóa luận chuyển). Như vậy, Việt Nam nằm trong danh sách sẽ phải bắt buộc áp dụng CORSIA từ năm 2027.
ICAO cũng công bố các đơn vị phát thải hợp lệ theo CORSIA để hỗ trợ các hãng hàng không đạt được các mục tiêu giảm phát thải. Gần đây nhất là bản cập nhật tháng 3/2024 quy định các đơn vị phát thải hợp lệ cho giai đoạn từ 2024 - 2026.
PV: Với việc tham gia CORSIA , ngành hàng không có thể xem là khách hàng lớn đầu tiên đối với tín chỉ các-bon nội địa, thể hiện rõ nét nhu cầu thực tế, sát sườn loại hàng hóa này. Những loại tín chỉ nào phù hợp với CORSIA mà Việt Nam sẵn có, thưa Bà?
Bà Nguyễn Hồng Loan: Trong giai đoạn thí điểm từ 2021-2023, ICAO đã phê duyệt rất nhiều loại hình dự án tín chỉ các-bon hiện có tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn như Cơ chế Phát triển sạch (CDM), Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS). Tín chỉ các-bon từ các cơ chế này đều được CORSIA cho phép sử dụng trong giai đoạn thí điểm. Hiện nay Việt Nam có khoảng 40 triệu tín chỉ các-bon đã được ban hành từ các cơ chế này.
Đối với giai đoạn từ 2024 - 2026, CORSIA mới chỉ phê duyệt 2 loại tín chỉ các bon là tín chỉ từ Hệ thống tín chỉ các-bon của Mỹ (American Carbon Registry-ACR) và tiêu chuẩn tín chỉ các-bon rừng (Architecture for REDD+ Transaction (ART)). Trong hai loại tín chỉ này, Việt Nam đang thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo tiêu chuẩn ART với tổng khối lượng là 5,15 triệu tấn trong giai đoạn 2022 - 2026. Ngoài ra, các tiêu chuẩn tự nguyện như GS, VCS, GCC cũng đã đệ trình hồ sơ để được công nhận hợp lệ cho CORSIA trong giai đoạn này.
Như vậy, các dự án đã đăng ký theo các tiêu chuẩn trên tại Việt Nam có tiềm năng cung cấp tín chỉ các-bon để đáp ứng các yêu cầu bù trừ phát thải theo CORSIA trong thời gian tới. Tuy nhiên, cầu lưu ý điều kiện chung đối với tất cả các tín chỉ các-bon hợp lệ theo CORSIA là phải được ban hành từ dự án có giai đoạn tín dụng bắt đầu từ 1/1/2016 và tín chỉ phải đại diện cho giảm phát thải KNK được tạo ra từ 1/1/2021. Ngoài ra, các tín chỉ các-bon này cũng phải nhận được Thư phê duyệt của nước chủ nhà để cho phép thực hiện chuyển giao quốc tế và điều chỉnh tương ứng với mục tiêu giảm phát thải KNK trong nước.
PV: Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu tín chỉ tự nguyện cũng như khả năng cung ứng từ các dự án trong nước, nhằm phục vụ cho mục tiêu tuân thủ các nghĩa vụ, quy định trong giao thương ra thị trường quốc tế?
Bà Nguyễn Hồng Loan: Tính đến tháng 4 năm 2024, Việt Nam có 274 dự án đăng ký theo cơ chế CDM, 43 dự án theo VCS và 45 dự án theo GS, và là một trong những quốc gia đứng đầu về số lượng dự án tín chỉ các-bon được đăng ký theo các cơ chế tín chỉ các-bon quốc tế. Ngoài ra, các dự án tăng cường hấp thụ các-bon từ rừng và canh tác lúa phát thải thấp tại Việt Nam cũng có tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rất lớn trong thời gian tới.
Tín chỉ các-bon trong nước có thể cung cấp cho các thị trường các-bon tiềm năng như: i) thị trường các-bon bắt buộc trong nước (thị trường giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng Ô-dôn), ii) thị trường các-bon tự nguyện trong nước (thị trường cung cấp tín chỉ các-bon cho các mục tiêu giảm phát thải KNK tự nguyện, ESG của doanh nghiệp trong nước). Tín chỉ các-bon giao dịch trong nước sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm phát thải KNK của quốc gia theo NDC.
Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, tín chỉ các-bon trong nước có thể được dùng để đạt được NDC của quốc gia khác hoặc các mục đích giảm nhẹ quốc tế khác như CORSIA. Hiện nay, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong quá trình đàm phán để có thể mua được tín chỉ các-bon của Việt Nam để bù đắp cho các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của các nước này. Dự kiến nhu cầu tín chỉ các-bon từ thị trường các-bon quốc tế có thể lên tới 5 - 11 tỷ tấn CO2 giảm nhẹ hàng năm đến năm 2030. Các hãng hàng không có thể cần đến 100-200 triệu tín chỉ cho giai đoạn đầu tiên của CORSIA từ 2024 đến 2026. Để thực hiện các mục đích này, tín chỉ các-bon sẽ phải điều chỉnh tương ứng và không được tính vào mục tiêu NDC của Việt Nam nữa. Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động bán tín chỉ các-bon quốc tế có yêu cầu điều chỉnh tương ứng đối với mục tiêu NDC vì việc bán quá nhiều có thể ảnh hưởng đến cam kết giảm phát thải KNK của quốc gia.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần tính đến các mục tiêu bù trừ phát thải KNK bắt buộc quốc tế mang tính cấp bách như CORSIA để xây dựng chiến lược phù hợp đối với việc quản lý tín chỉ các-bon tham ra giao dịch trên thị trường các-bon quốc tế. Một chiến lược quản lý tín chỉ các-bon hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước cần mua tín chỉ các-bon để chuyển giao quốc tế, ví dụ như các hãng hàng không trong nước phải tuân thủ CORSIA, có thể mua tín chỉ các-bon ở Việt Nam, thay vì mua tín chỉ các-bon của các quốc gia khác. Ngoài ra, chiến lược quản lý tín chỉ các-bon hiệu quả có thể giúp mang lại cho Việt Nam hỗ trợ từ nguồn tài chính khí hậu quốc tế để tăng cường việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải KNK của mình. Tính đến tháng 3/2024, chỉ có 7,14 triệu tín chỉ các-bon thuộc dự án ART TREES ở Guyana đáp ứng đủ điều kiện bù trừ theo CORSIA, được bán với giá sàn 20 USD/tín chỉ và đã tăng lên 23 USD/tín chỉ vào tháng 4/2024.
PV: Ngành hàng không của Việt Nam dự kiến tham gia CORSIA từ năm 2026. Theo Bà, các hãng hàng không có đường bay quốc tế của Việt Nam cần chuẩn bị như thế nào khi thời gan chỉ còn hơn 1 năm nữa?
Bà Nguyễn Hồng Loan: Một số hãng hàng không của Việt Nam có đường bay quốc tế đã phải thực hiện nghĩa vụ chi trả chi phí phát thải khí nhà kinh từ trước đây khi họ bay qua các khu vực có áp dụng hệ thống định giá các-bon đối với hàng không, ví dụ các quốc gia Châu Âu. Ngoài ra, nghĩa vụ đo đạc, báo cáo và giám sát (MRV) phát thải KNK của các đường bay quốc tế theo CORSIA đã được ICAO áp dụng từ năm 2019.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu Việt Nam dự kiến tham gia CORSIA vào năm 2026, các hãng hàng không sẽ có cơ hội chuẩn bị tốt hơn cho việc tuân thủ cơ chế này trước thời điểm phải tham gia bắt buộc.
Cần lưu ý rằng với việc tham gia CORSIA, phạm vi phát thải KNK của hàng không quốc tế phải tuân thủ nghĩa vụ giảm phát thải KNK sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây. Hiện nay đã có tới 216 quốc gia tự nguyện tham gia CORSIA và con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên cùng với nỗ lực giảm phát thải KNK ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Do đó, trong thời gian tới, các hãng hàng không cần phải ước tính quy mô phát triển và dự báo phát thải KNK từ hàng không quốc tế của hãng mình và xác định phạm vi tuân thủ CORSIA. Các hãng hàng không cần nghiên cứu các biện pháp giúp giảm phát thải KNK, bao gồm việc áp dụng các các nhiên liệu bền vững, các giải pháp về công nghệ và vận hành, và các giải pháp nhằm đầu tư hoặc mua tín chỉ các-bon hợp lệ để bù trừ cho phát thải theo CORSIA trên thị trường. Các hãng hàng không cần đánh giá chi phí, lợi ích cho từng biện pháp cụ thể và xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể để tuân thủ CORSIA theo từng giai đoạn.
Không có một phương án chung cho tất cả các hãng hàng không. Mỗi hãng hàng không cần căn cứ vào hiện trạng công nghệ và vận hành, các điều kiện tài chính và khả năng thực hiện để xây dựng phương án chuẩn bị riêng cho mình.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!