Phát triển Xanh

Hà Nội: Giảm ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông

Đức Tâm 22/10/2024 10:22

Ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội đang trở thành vấn đề báo động. Tác động tiêu cực của ô nhiễm đến sức khỏe và đời sống người dân khiến việc tìm kiếm giải pháp kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trở nên cấp bách hơn.

Ô nhiễm không khí ở mức nguy hại

Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội liên tục ghi nhận chất lượng không khí ở mức báo động. Cảnh báo của hệ thống quan trắc không khí cho thấy, chất lượng không khí rất kém, gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ và người mắc bệnh hô hấp.

vinbus-e07-3-c6ab-135302.jpg
Xe buýt điện, phương tiện ngày càng trở thành lựa chọn phương tiện di chuyển hàng đầu của người dân Thủ đô

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đạt đỉnh vào ngày 13/10, xếp thứ ba trên bảng xếp hạng chất lượng không khí toàn cầu của ứng dụng AirVisual với chỉ số AQI lên tới 184. Nhiều khu vực trong thành phố ghi nhận mức ô nhiễm ở ngưỡng màu tím - mức cảnh báo gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, đặc biệt là ô nhiễm không khí, đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân Thủ đô. Tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra vào ngày 14/10 vừa qua, ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - đã có những chia sẻ về thực trạng này cũng như các giải pháp mà thành phố đang triển khai.

Trước câu hỏi của Bí thư Quận đoàn Ba Đình Phạm Thu Phương về chủ trương, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Nam đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, bao gồm: 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, 8 triệu xe máy và ô tô, cùng với lượng tiêu thụ điện năng và nhiên liệu hóa thạch khổng lồ mỗi ngày.

Để cải thiện môi trường nói chung và không khí nói riêng, ông Nam cho hay, thành phố đang triển khai 5 giải pháp chính gồm: Cải tạo và xử lý ô nhiễm các hồ, sông ngòi; mở rộng hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí và nước; chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển đô thị thông minh; phát triển giao thông thông minh, hiện đại; cải tạo, xây dựng không gian xanh tại nội đô.

Đặc biệt, nhấn mạnh về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ phương tiện giao thông cá nhân, ông Nam cho biết "Từ năm 2025, thành phố sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp tại một số khu vực đông đúc, là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại khu vực này, phương tiện giao thông gây ô nhiễm bị hạn chế"

Kiểm soát chất lượng khí thải

Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hà Nội thường xuyên đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, cùng với tình trạng đốt rơm rạ và mật độ xây dựng cao trong đô thị là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua tháng 6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, HĐND thành phố quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhấn mạnh tác động tiêu cực của phương tiện giao thông đến chất lượng không khí, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng việc kiểm định khí thải, đặc biệt là đối với xe máy, là một giải pháp cần thiết để kiểm soát nguồn ô nhiễm từ các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong và nhiên liệu hóa thạch.

“Thực tế, nước ta có số lượng xe máy rất lớn, điển hình như Hà Nội có tới 6 - 7 triệu xe máy. Trong thời gian dài, các phương tiện này hoạt động mà không bị kiểm soát về chất lượng khí thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù mỗi xe máy có phân khối nhỏ, nhưng với số lượng lớn, chúng tạo thành nguồn phát thải đáng kể. Do đó, việc kiểm soát khí thải xe máy, học tập kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng không khí tại các đô thị.”

Nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Trật tự An toàn Giao thông đường bộ về kiểm định khí thải xe máy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng lộ trình thực hiện, trình Chính phủ phê duyệt. Các cơ quan nghiên cứu sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế. Ví dụ, các xe mới sẽ chưa thực hiện kiểm định khí thải ngay, mà sau 2-3 năm mới phải kiểm định. Các xe qua sử dụng sẽ có tính toán cụ thể, chi tiết.

TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh rằng kiểm tra khí thải xe máy chỉ là một trong nhiều biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng không khí. Quan trọng hơn, cần có các giải pháp đồng bộ để giảm số lượng xe máy lưu thông, chẳng hạn như khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ, xe đạp và các phương tiện giao thông xanh khác.

Để việc kiểm định khí thải xe máy đạt hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật và các quy định liên quan. Nên ưu tiên triển khai tại các thành phố lớn, nơi có mức độ ô nhiễm cao như Hà Nội, bắt đầu từ khu vực nội đô. Việc này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và huy động các nguồn lực xã hội hóa.

Ngoài ra, cần thiết kế quy trình kiểm định hợp lý, thuận tiện, không gây mất thời gian cho người dân, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch. Kiểm định khí thải là một chính sách quan trọng, cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi triển khai, tránh vội vàng, đốt cháy giai đoạn.

Đức Tâm