Biển đảo

Cùng hành động để giữ biển xanh

Ninh Chinh - Số 308, đường Trần Hưng Đạo, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận 22/10/2024 - 10:20

(TN&MT) - Không có cách nào bảo vệ biển khỏi bị rác thải xâm lấn hơn cách nâng cao ý thức con người. Nhận thức điều đó, những năm qua Bình Thuận đưa ra nhiều quyết sách, quyết liệt hành động nâng cao nhận thức người dân về biển, đến nay đã có chuyển biển tích cực.

Bài 1: Trên quyết liệt

Trước tình trạng bãi biển chưa sạch như các tỉnh, thành có biển khác trên cả nước, Bình Thuận quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường biển.

Khi biển chưa sạch

Bình Thuận có 192 km bờ biển với những bãi biển thoai thoải rất đẹp. Nhiều du khách về đây tham quan tắm biển thích thú, có những người vì thế mà chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Du khách Vân Anh, người Hà Nội là trong số đó, bà nói: “Bình Thuận là điểm cuối cùng trong cuộc hành trình khám phá 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Bà thấy khí hậu ở đây tốt, bãi biển cảnh quan đẹp, nên quyết định mua đất ở Mũi Né, TP. Phan Thiết. Năm 2019 bà đưa cả gia đình vào sinh sống xem đây là quê hương thứ hai”.

pt2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng tham gia thu gom rác thải ở bãi biển Thương Chánh, phường Hưng Long (Phan Thiết).

Là người yêu biển, thích môi trường trong sạch, cuộc sống xanh, trước khi đến định cư, bà Vân Anh biết bãi biển ở đây chưa sạch qua phương tiện truyền thông. Nhưng bà nghĩ, cái gì cũng có thể giải quyết được, rác nhiều dọn mãi cũng hết và sẽ không còn khi ý thức bảo vệ môi trường của con người nâng lên. Vào những lúc rảnh rỗi, bà lại ra bãi biển hít thở không khí trong lành, thu gom rác bỏ vào bao mang bỏ nơi quy định. Nhưng nhặt mãi mà chẳng hết, rác ngoài biển khơi gồm rác thải nhựa các loại, ngư lưới cụ hư hỏng cứ đầy trên bãi biển, cảm giác như dã tràng xe cát biển Đông. Rồi tận mắt chứng kiến một số người quanh mình sống thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, mang rác ra biển bỏ, bà sinh ra bức xúc, phản ảnh với chính quyền địa phương và với chúng tôi.

Là phóng viên đi nhiều, viết nhiều bài phản ánh về tình trạng bãi biển bị rác thải xâm lấn gây ô nhiễm. Chúng tôi giải thích: Bãi biển ở Bình Thuận hiện nay đã giảm rác đáng kẻ nhờ UBND tỉnh đưa ra nhiều quyết sách, hành động quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao ý thức người dân bảo vệ biển.

Trước đây, bãi biển ở một số xã, phường rất nhiều rác bị du khách phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Nổi bật là vụ một nhóm người nước ngoài bao gồm cả người Việt sinh sống, làm việc ở Mũi Né vì thấy bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né ô nhiễm đã lập một nhóm lấy tên: Keep Mui Ne Nice.

Cả nhóm đã tổ chức dọn rác dọc bãi biển Làng chài Mũi Né, nơi nổi tiếng đẹp, nhưng cũng nổi tiếng nhiều rác. Hình ảnh nhếch nhác cùng với cô gái, chàng trai Tây da trắng, tóc vàng lấm lem bùn cát vì dọn rác, phơi bày trên báo chí cả nước, thu hút nhiều người xem đã tác động mạnh đến ngành chức năng, phải hành động để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan ven biển.

Đưa ra nhiều quyết sách

Những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra nhiều quyết sách bảo vệ môi trường biển theo tinh thần các văn bản của Trung ương. Đồng thời chỉ đạo cho các cấp, các ngành hành động nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường biển. Điển hình, năm 2018 UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển. Quy chế quy định rõ trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển.

image-2-.png
Ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết tham gia với học sinh vệ sinh môi trường ven biển.

Trong đó có công an, biên phòng, cảng vụ hàng hải, các tổ chức, hội, đoàn thể, cá nhân, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cộng đồng dân cư viên biển. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức có bổn phận riêng như Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến ngư dân không được vứt rác, ngư lưới cụ hư hỏng khi khai thác hải sản trên biển xuống biển; công an kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; các địa phương ven biển, theo dõi tình hình rác trên bãi biển, giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường tại các khu dân cư ven biển, xây dựng kế hoạch thu gom, vận động nhân dân tham gia.

Ngoài ra xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, trong đó có các mô hình, tổ, nhóm thu gom rác. Đặc biệt còn thành lập Ban chỉ đạo Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” trên địa bàn Huyện đảo Phú Quý, Tuy Phong, TP. Phan Thiết giai đoạn 2020 – 2022. Các địa phương có tên trong đề án đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó có huyện Tuy Phong. Mỗi quý họp Ban chỉ đạo 1 lần nắm tình hình về rác và chỉ đạo xử lý kịp thời.

Qua 2 năm thực hiện đến nay có hàng ngàn người dân từ các xã, thị trấn tham gia phong trào ra quân tổng vệ sinh, thu gom rác thải trong khu dân cư và trên bãi biển. “Dự án đã làm thay đổi hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nặng khu vực ven biển, điển hình nhất là ở xã Phước Thể”, Ban Chỉ đạo dự án rác thải huyện Tuy Phong cho biết.

Bên cạnh đó, Bình Thuận thường xuyên phát động lễ ra quân vệ sinh môi trường, có cả lãnh đạo các cấp, ngành tham gia, tạo sự lan tỏa trong nhân dân.

Ninh Chinh -

Số 308, đường Trần Hưng Đạo, phường Đức Thắng,

TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Bài 2: Dưới đồng lòng hành động

Ninh Chinh - Số 308, đường Trần Hưng Đạo, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận