Bạn đọc - Pháp luật

Siết chặt quy định đấu nối nước thải trong khu công nghiệp

Phạm Oanh 21/10/2024 - 16:30

Chủ đầu tư hạ tầng không được tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, cử tri tỉnh Hòa Bình phản ánh, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, chủ cơ sở trong cụm công nghiệp phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tỷ lệ các khu công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường còn rất thấp. Do đó, quá trình xem xét, thẩm định các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, đến nay không thể thực hiện thủ tục về môi trường do khu, cụm chưa đồng bộ về hạ tầng bảo vệ môi trường.

Cử tri đề nghị nghiên cứu ban hành quy định tháo gỡ cho các cơ sở đã đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp được thành lập từ trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực và do UBND huyện, thành phố, cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư.

he-thong-dau-noi-nuoc-thai.jpg
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã siết chặt quy định đấu nối nước thải trong khu, cụm công nghiệp

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và đến nay là Luật Bảo vệ môi trường 2020 đều đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung. Trong đó có các yêu cầu đối với các khu công nghiệp phải có hệ thống thoát nước mưa riêng; có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có các công trình, thiết bị phòng ngừa ứng phó, sự cố môi trường đối với nước thải; hệ thống, thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục; đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh…

Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng giao trách nhiệm cho các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của các tỉnh trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; giao trách nhiệm cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp.

Điều 51, 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định:

Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường , gồm: Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật; Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định; Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Để giải quyết tình trạng các cụm công nghiệp đang hoạt động, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, Chính phủ đã ban hành hướng dẫn tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, chủ đầu tư hạ tầng không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định.

Cùng với đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng quy định, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đang hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên trong đã được miễn trừ đấu nối theo quy định của pháp luật chỉ được phép tiếp nhận dự án đầu tư mới sau khi đáp ứng quy định, trừ trường hợp dự án đầu tư mới không phát sinh nước thải công nghiệp xả ra môi trường khi đi vào vận hành chính thức.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó đã đưa ra những quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.

Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được bố trí phù hợp với các loại hình đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, bảo đảm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh và phải được xây dựng, hoàn thành trước khi các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cụm công nghiệp đi vào hoạt động (Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).

Phạm Oanh