Trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng trưởng GDP Việt Nam thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới

Thanh Tùng - Khương Trung 21/10/2024 - 11:17

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 của Việt Nam đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8 - 7%

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhìn chung trong năm 2024, tình hình KT-XH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

1(2).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội sáng 21/10

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1/7/2024). Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”; hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng tốt. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt; thương mại điện tử, du lịch phát triển mạnh. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá; phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và công nghệ cao.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong 9 tháng đẩu năm, Chính phủ đã quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; tích cực xử lý các TCTD yếu kém , các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được nâng lên. Công tác quy hoạch được đẩy mạnh với 110 quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

8.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước. Tăng cường kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phế liệu nhập khẩu. Huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.

Công tác phòng, chống thiên tai được tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, mạnh nhất trong 70 năm qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo sát tình hình, ứng phó từ sớm, từ xa với nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, phòng ngừa ở mức cao nhất, sẵn sàng phương án cho mọi tình huống ; xử lý bản lĩnh, khoa học, hiệu quả các tình huống khẩn cấp về đê điều, hồ đập; qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Kịp thời động viên thăm hỏi; chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động kinh tế, xã hội , không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được đến trường, người bệnh được cứu chữa.

“Trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy; các lực lượng tuyến đầu cơ sở, nhất là quân đội, công an luôn là lực lượng xung kích, đi đầu, không quản ngại gian khổ, hy sinh để cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân, đã để lại những hình ảnh ấn tượng, tình cảm sâu nặng trong lòng nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Chủ động, tích cực, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp…

2(1).jpg
Quang cảnh phiên

Trong bối cảnh đó, trong những tháng cuối năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; đẩy mạnh phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn... Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; các cháu học sinh phải được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển KTXH, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho Nhân dân.

Đồng thời, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu NSNN tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định pháp luật còn vướng mắc. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế năm 2025: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoáng 4.900 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ sổ giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,4%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...

Thanh Tùng - Khương Trung