VIMEXPO 2024 - Sân chơi để doanh nghiệp phát triển bền vững
Nằm trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương, Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2024 đã giúp 183 doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất lắp ráp ô tô; ngành công nghiệp, công nghệ cao; ngành điện tử; ngành cơ khí chế tạo và các lĩnh vực liên quan giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết, thu hút đầu tư, trao đổi kinh nghiệm để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.
Với mong muốn giải quyết vấn đề tiêu chuẩn phải đi kèm với đầu ra của sản phẩm, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc kêu gọi đầu tư, tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối... Qua đó, giúp DN nắm được cơ hội, có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy “kết nối và phát triển”, Bộ Công thương đã tổ chức lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO). Sau 4 năm tổ chức, VIMEXPO được các doanh nghiệp đánh giá là chương trình chuyên ngành hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, khẳng định vai trò là đòn bẩy, cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2024, với 200 gian hàng trải dài trên diên tích 5.000m2 và cùng với sự tham dự của 183 doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Thaco, Toyota Việt Nam, Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cơ khí 83, V-Proud, Smart Việt Nam, Intech,... cùng các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... một lần nữa khẳng định VIMEXPO là sự kiện uy tín của ngành Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo tại Việt Nam.
Tại triển lãm, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, ngoài các hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm, Ban Tổ chức VIMEXPO 2024 còn phối hợp với các cơ quản quản lý nhà nước, hiệp hội chuyên ngành tổ chức các hoạt động bên lề thiết yếu như: "Kết nối giao thương - Business Matching "với sự tham dự của các Buyer hàng đầu tại Việt Nam: Toyota, Bosch, Samsung, Hyundai, Denso, TMT Motor, Canon, Hanel,.. cùng nhiều hoạt động trình diễn công nghệ, sự kiện hữu ích khác.
Các hoạt động này đã tạo cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng, nhà mua hàng mới, được gặp gỡ, tiếp xúc và kết nối giao thương với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, tăng khả năng tiếp cận trao đổi với các đối tác, tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, tạo điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, còn là nơi trao đổi kinh nghiệm về định hướng tiếp cận đa chiều hướng đến trung hòa carbon; chia sẻ giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải; đầu tư công nghệ, trang thiết bị sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững…
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) nhấn mạnh, triển lãm VIMEXPO là một trong những sự kiện quan trọng mà VEAM tham gia hàng năm. Với cam kết và mục tiêu mạnh mẽ trong lĩnh vực cơ khí và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, trong suốt thời gian qua, VEAM đã không ngừng đầu tư vào đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm chính, bao gồm động cơ, máy nông nghiệp, ô tô và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm của VEAM không chỉ hiện diện tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia. VEAM đã và đang là thành viên tham gia tích cực vào các sự kiện triển lãm ở trong và ngoài nước.
Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự thu hút các dự án lớn về công nghiệp chế biến, chế tạo của các tập đoàn, các công ty hàng đầu thế giới đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và của mỗi địa phương nói riêng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tại Hải Phòng, thành phố đã xác định công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột kinh tế, do vậy để tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao thì phát triển công nghiệp hỗ trợ là việc làm cấp thiết nhất hiện nay.
Thời gian qua, ngành Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương đã giúp các doanh nghiệp đã thực sự thay đổi, chuyển mình theo chiều hướng tích cực. Doanh nghiệp đã cắt giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm nguồn lực, năng suất và hiệu suất sản xuất cũng được tăng lên. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng mới thông qua các diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế.
Tiếp nối thành công của Triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp mong muốn: Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ các địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo.