Kinh tế

Áp thuế VAT cho mặt hàng phân bón là hỗ trợ người nông dân

Hồ Ngọc 19/10/2024 - 07:51

Ở góc độ “người trong cuộc” - nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp đều cho rằng cần đưa phân bón trở lại chịu thuế VAT 5% để tránh hiệu ứng tăng giá sản phẩm, hỗ trợ từ gốc cho bà con và sản xuất nông nghiệp.

Trước đây khi áp dụng Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2015. Điều này vô hình là nguyên nhân khiến ngành phân bón gặp khó khăn hơn cả khi chịu thuế VAT kể từ sau năm 2014.

Thực tế đã chứng minh việc bỏ thuế VAT với phân bón tưởng là “ưu đãi” hóa ra là “ngược đãi” với người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất.

Cụ thể, khi mua nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ đầu vào, các doanh nghiệp đã phải nộp thuế VAT, tuy nhiên, khi không áp thuế, phân bón đầu ra không được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào làm tăng chi phí sản xuất khiến giá phân bón cao hơn. Người nông dân là đối tượng tiêu thụ cuối cùng, chính là người chịu thiệt, phải chịu mức giá cao hơn trước.

Nhận thấy bất cập này, tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đưa mặt hàng phân bón trở lại chịu mức thuế VAT 5%, tuy nhiên một số đại biểu Quốc hội lại lo ngại việc chịu thuế VAT gây áp lực giá cho người nông dân.

Phân bón giá cao ăn mòn công sức người nông dân

Chia sẻ với vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (Đông Anh – Hà Nội) cho biết, từ sau năm 2014 áp dụng Luật số 71 đến nay, giá phân bón đã tăng đến 30%.

ong-nguyen-tuan-hong-htx-bac-hong-1-.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng

Trong đó, lý do từ chính sách là sau khi phân bón không chịu thuế VAT khiến doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế, họ đã cộng tiền đó vào giá thành mặt hàng bán ra. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm, chị ảnh hưởng của tình hình thế giới sau chiến tranh Nga – Ukraina, giá phân bón đã tiếp tục tăng thêm.

Trong hai nguyên nhân trên, theo ông Hồng việc đưa phân bón ra khỏi danh mục không chịu thuế tưởng lợi mà trở nên bất cập vào giá phân bón. Trong khi đó, phân bón là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu đóng vai trò quan trọng đối với người dân nông dân trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp.

“Trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau (0,1ha) chỉ khoảng 300.000 đồng trong tổng số 1 triệu đồng bao gồm tất cả các chi phí đầu vào. Nhưng từ sau năm 2014, giá phân bón tăng đã khiến chi phí này đội lên gần 500.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón đã tăng 30 – 35% ăn mòn vào lợi nhuận của bà con nông dân”, Giám đốc HTX rau an toàn Bắc Hồng nêu số liệu dẫn chứng.

Ông Hồng lo ngại giá phân bón tăng cao và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không có cơ chế, chính sách mới của Nhà nước sẽ khiến nhiều người làm nông nghiệp đuối sức, nhất là các hộ nhỏ lẻ.

Nhớ lại những thời điểm giá phân bón chịu thêm ảnh hưởng kép của biến động thế giới năm 2022, ông Hồng cho biết nhiều hộ nông dân ở thôn Bắc Hồng đã phải dừng sản xuất, chuyển sang đi làm thuê mướn các công việc khác, vì giá thành bán rau ra không đủ bù chi phí đầu vào, nhất là tiền mua phân bón, trong khi đầu ra của sản xuất nông nghiệp vốn đã bấp bênh.

Một điểm bất cập khác theo ông Hồng, từ sau năm 2014, các doanh nghiệp phân bón phải tiết kiệm chi phí nên cũng giảm các chương trình hỗ trợ bà con về giá bán, hay các hoạt động khảo nghiệm cánh đồng, do đó các hộ sản xuất nông nghiệp cũng thiệt thòi hơn so với trước.

Hệ lụy tiếp theo của giá phân bón tăng từ sau năm 2014, ông Hồng quan sát thấy vấn nạn phân bón giả tăng theo nhiều vô kể. Người nông dân khi muốn tiết giảm chi phí sẽ thấy phân bón nào rẻ hơn là ưu tiên dùng, do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý đó tạo ra những sản phẩm kém chất lượng hơn, trộn nguyên liệu giả vào.

Bà con khó có thể phát hiện được phân bón giả, nhưng khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền cảnh báo, nông dân đã nhận thức được vấn đề, cảnh giác hơn trong lựa chọn sản phẩm.

“Tâm lý của người nông dân luôn muốn ưu tiên dùng các sản phẩm phân bón do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Phần vì tâm lý “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phần vì chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, nhất là những sản phẩm vi sinh, vô cơ tiên tiến mới, nhưng dĩ nhiên là mong muốn giá bán giảm đi và ổn định hơn”, ông Hồng bộc bạch.

Khi áp thuế VAT với doanh nghiệp chính là gián tiếp giảm giá thành đầu vào với người nông dân, bởi doanh nghiệp sẽ không cộng phần không được hoàn thuế trước đó vào giá thành sản xuất ra phân bón như thời gian vừa qua, khiến người tiêu dùng cuối cùng là người nông dân phải chịu.

Theo ông Hồng, việc đưa phân bón quay trở lại chịu thuế VAT 5% sẽ tạo thuận lợi lớn cho sản xuất nông nghiệp. Khi giá phân bón giảm, lợi nhuận của người nông dân, người sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên. Những hộ sản xuất lớn sẽ nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người làm nông nghiệp yên tâm hơn vào đầu tư sản xuất.

“Tôi đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước, các bộ/ngành hỗ trợ nông dân, nông nghiệp các chính sách từ gốc, tiêu biểu là có cơ chế giảm giá thành đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các công cụ máy móc nông nghiệp, đầu tư cho bảo quản chế biến sau thu hoạch. Những chích sách này rất hữu ích, thiết thực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp”, Giám đốc HTX rau an toàn Bắc Hồng nhấn mạnh.

Hỗ trợ gián tiếp người nông dân qua chính sách thuế

Từ góc nhìn của doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân trồng nha đam khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) cũng cho rằng cần đưa phân bón trở lại chịu thuế VAT 5% để hỗ trợ bà con về giá thành.

ong-nguyen-van-thu-gc-food-1-.jpg
ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food)

Quan sát thực tế kinh doanh, ông Thứ cho biết doanh nghiệp mong muốn có thuế giá trị gia tăng đầu vào và thuế giá trị gia tăng đầu ra cho mặt hàng phân bón để tránh cơ chế 2 giá cho cùng mặt hàng. Giá người nông dân mua hàng không có thuế VAT trong khi doanh nghiệp mua lại có thuế, dẫn đến sự không đồng nhất trong chính sách thuế.

Trong thời gian tới, Nhà nước định hướng sản xuất kinh tế nông nghiệp, tức là tạo ra hàng hóa phục vụ thương mại, không chỉ để tiêu dùng. Do đó, phân bón là đầu vào của kinh tế nông nghiệp, nên mặt hàng này cần được áp thuế VAT.

Trong trường hợp doanh nghiệp nông nghiệp mua hàng chịu thuế, nông dân không chịu thuế, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ hình thành 2 cơ cấu giá bán, trong đó người nông dân phải chịu mua giá bất lợi hơn để đảm bảo bù đắp lợi nhuận của họ.

Bởi doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp mua phân bón được tính VAT, còn người nông dân thì không. Trong khi đó, doanh nghiệp và người nông dân đều mua phân bón để phục vụ sản xuất kinh doanh tạo ra ra sản phẩm nông nghiệp để bán lại.

“Bản chất đây là thuế gián thu, doanh nghiệp phân bón thu của nông dân nộp lại cho Nhà nước nên khi phân bón không được áp thuế VAT đầu vào, nông dân sẽ phải mua với giá thiệt hơn vì giá thành phân bón đã cộng phần thiếu hụt VAT của doanh nghiệp phân bón, nhưng vì nông sản bán ra không có thuế VAT nên không được hoàn lại. Còn doanh nghiệp khi tiêu thụ nông sản có thuế VAT đầu ra, do đó khi được hoàn thuế sẽ có chi phí để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào. Điều này gây thiệt thòi cho người nông dân rất nhiều”, ông Thứ phân tích.

Theo Chủ tịch HĐQT G.C Food, các sản phẩm liên quan đến VAT trong sản xuất nông nghiệp cần được Nhà nước, Bộ Tài chính tính toán kỹ để hài hòa, đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân nói riêng và người sản xuất nông nghiệp nói chung, tránh tình trạng từ sản xuất có lời vì thuế VAT trở thành thua lỗ, ăn mòn lợi nhuận người sản xuất nông nghiệp.

“Chính sách miễn thuế VAT với phân bón thời gian qua là một trong những yếu tố làm tăng giá phân bón, gây thiệt thòi chung cho những người sản xuất nông nghiệp. Nhất vào những thời điểm giá phân bón bị tác động thêm của những yếu tố kinh tế - chính trị thế giới đã làm suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Thứ nhìn nhận.

Theo tính toán của G.C Food, chi phí phân bón hiện đang chiếm 10 – 30% tổng chi phí sản xuất, là tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành của sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân.

Vào năm 2022, giá phân bón tăng gấp rưỡi, gấp đôi đã khiến lợi nhuận của công ty giảm đi một phần. Ngoài việc tự sản xuất, G.C Food có liên kết, thu mua của nhiều bà con nông dân, khi giá phân bón tăng, công ty cũng bắt buộc phải tăng giá thu mua cho bà con để đảm bảo người nông dân không bị chịu thiệt.

Hiện ước tính trên 1 sào nha đam sản xuất, chi phí dành cho phân bón trong tổng 1 triệu đồng chi phí đầu vào của doanh nghiệp này đang ở mức 200.000 - 300.000 đồng.

anh-minh-hoa-htx-1-.jpg

Doanh nghiệp phân bón tính toán giá thành bán hàng dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất. Do vậy, theo ông Thứ cơ chế hay nhất là các nhà sản xuất phân bón cần minh bạch thông tin liên quan đến thuế, chi phí đầu vào và việc tăng giá căn cứ cụ thể vào các yếu tố này để có giá bán hợp lý, nhất là đối với các doanh nghiệp phân bón quy mô lớn.

Khi được hỏi có tâm lý lo ngại không nếu phân bón được phê duyệt đưa trở lại chịu thuế VAT 5%, ông Thứ khẳng định: “Điều này hoàn toàn không cần lo sợ, nếu có xảy ra, doanh nghiệp phân bón chỉ có thể ‘vin’ vào cớ này một vài tháng đầu nhưng sau đó sẽ phải trở về giá bán bình ổn điều tiết theo thị trường. Doanh nghiệp nào lợi dụng chính sách Nhà nước làm trái nguyên tắc giá bán sẽ không bán được hàng, còn doanh nghiệp nào tuân thủ nghiêm túc quy định của luật, quy chế cạnh tranh sẽ giành được thiện cảm”.

Tại các cuộc họp góp ý dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính lúc đó nay là Phó Thú tưởng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng việc đưa phân bón ra khỏi diện không chịu thuế và đánh thuế VAT 5% với mặt hàng này nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, doanh nghiệp tái đầu tư.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc áp suất thuế với phân bón sẽ tạo nguồn lực cho doanh nghiệp đổi mới khi hoàn thuế, hạ giá thành sản phẩm. Nếu áp thuế mức này, mỗi hộ nông dân chỉ phải trả thêm 461.000 đồng/năm, hơn 38.000 đồng/tháng.

Người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp đều nhìn thấy rằng, nếu tăng thêm 461.000 đồng/năm nhưng doanh nghiệp phân bón có thể có thêm nguồn hỗ trợ cho bà con. Bà con cũng được sử dụng phân bón nội địa hiện đại, chất lượng hơn để sản phẩm sản xuất ra được đánh giá tốt hơn, góp phần tăng giá trị nông sản thì tác động là vô cùng lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung.

Hồ Ngọc