Biến đổi khí hậu

Giảm thiểu rủi ro bão lũ trong bối cảnh BĐKH

Hoài Thu 18/10/2024 - 16:27

(TN&MT) - Ngày 18/10, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) tổ chức Hội thảo “Động lực học nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các giải pháp sáng tạo và lồng ghép vấn đề giới nhằm giảm thiểu rủi ro” nhằm thực hiện kế hoạch năm 2024 của Viện và thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo của Chương trình IHP/UNESCO.

Hội thảo nằm trong Chương trình Thuỷ văn quốc tế (IHP) tại Việt Nam do Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu làm đầu mối. Đây là chương trình liên Chính phủ của Liên Hợp quốc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế về thuỷ văn và quản lý tài nguyên nước; chương trình IHP giai đoạn 9 năm (2022 - 2029) với tầm nhìn hướng đến thế giới an toàn về nước, quản lý tổng hợp hiệu quả nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

img_0489.jpeg
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) nhận định, BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến động lực học của nước, làm thay đổi các chu kỳ mưa, lũ lụt, hạn hán và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam khi đi qua cơn bão Yagi vừa qua. Trong bối cảnh đó, các giải pháp sáng tạo nhằm quản lý và bảo vệ nguồn nước là điều vô cùng cần thiết.

Ngoài phát triển các giải pháp kỹ thuật, việc lồng ghép vấn đề giới trong các chính sách và giải pháp ứng phó cũng cần được chú trọng. Việc đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong quá trình quản lý và sử dụng tài nguyên nước sẽ giúp tăng cường hiệu quả các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cho rằng, Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia trao đổi về động lực nước trong bối cảnh BĐKH, chia sẻ các giải pháp mới và tập trung vào những vấn đề chính trong: Quản lý lũ và an toàn nước - đặc điểm và cách nhận diện lũ lớn, phân tích nguy cơ gây ngập lụt đô thị, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lũ và phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định cho các tình huống xảy ra lũ lớn; Quản lý tài nguyên nước và giới - đánh giá khả năng chịu tải các dòng sông, hồ; Khai thác nước thông minh và nhấn mạnh sự bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong quản lý tài nguyên nước.

img_0488.jpeg
GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, Tổ chức UNESCO rất quan tâm đến các nhà khoa học và khuyến khích họ tham gia nhiều nghiên cứu về bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Đặc biệt, Chi hội Nữ trí thức Viện Khoa học KTTV&BĐKH, thời gian qua đã có rất nhiều nhà khoa học đóng góp tích cực cho các kết quả nghiên cứu về thuỷ văn, BĐKH, thiên tai, dự báo mưa lũ,… thể hiện tại nhiều Hội nghị, Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Tại Hội thảo này, Chi hội Nữ trí thức chia sẻ các kết quả từ trước đó để cùng các chuyên gia tại các đơn vị thảo luận, chia sẻ, xây dựng đóng góp ý kiến.

img_0486.jpeg
TS. Trịnh Thu Phương - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia trình bày tham luận

Trình bày về đặc điểm lũ lớn và nhận dạng lũ lớn trong mùa lũ chính phục vụ vận hành hồ chứa và phòng chống thiên tai, TS. Trịnh Thu Phương - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, đặc điểm lũ sông Hồng - Thái Bình chủ yếu do dải tụ nhiệt đới có xoáy thấp kết hợp với tác động của không khí lạnh, rãnh thấp hoặc rãnh gió tây kết hợp với hoạt động của không khí lạnh hoặc bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với hoạt động của áp cao Thái Bình Dương và xoáy thấp.

Trong đó, đối với rãnh áp thấp mặt đất kết hợp với xoáy thấp gây nên lượng mưa cực đoan, đợt mưa có thể kéo dài 2 - 3 ngày với tổng lượng mưa trận từ 100 - 200mm trên toàn Bắc Bộ, với lượng mưa điểm có thể tới 300mm trong các tháng 6,7,8,9.

Như vậy, để phục vụ cho công tác vận hành hồ chứa đa mục tiêu từ xa tới gần, phòng chống thiên tai, bà đề xuất sử dụng mô hình ANN, bao gồm các dữ liệu khí tượng thuỷ văn; bề mặt đêm lưu vực; hình thế thời tiết; lượng mưa; đường trữ nước tiềm năng và đặc trưng dòng chảy, sẽ giúp nhận dạng được lũ lớn. Mô hình này giúp phân tích mối quan hệ các nhân tố khí hậu phục vụ dự báo sơ bộ lũ lớn trên thượng lưu sông Hồng, mặc dù với chỉ số tương quan chưa cao, nhưng vẫn có thể dùng để nhận dạng sơ bộ lũ lớn.

Cùng với đó, thông qua sự hình thành của đường trữ nước tiềm năng, việc nhận dạng lũ có thể phát hiện từ lưu vực hồ lớn (lượng nước mưa) và là cơ sở hữu ích để nhận định sơ bộ về mức độ lũ lớn trên thượng lưu sông Hồng.

img_0485.jpeg
PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương - Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tham luận

Hiện nay, đối với vấn đề về khai thác tài nguyên nước, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân chính gây suy giảm tài nguyên nước như thiếu các giải pháp sử dụng nước, chưa lồng ghép được các kịch bản của BĐKH, chưa có kế hoạch cụ thể để quy hoạch tài nguyên nước,…

Việt Nam đã có nhiều văn bản và Nghị định để xây dựng hoàn chỉnh chính sách pháp luật về tài nguyên nước, trong đó cần chú trọng việc xử lý nước an toàn trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn. Nước thải sau khi sử dụng cần được coi là nguồn tài nguyên, bởi đây là tài nguyên nước có thể tái tạo và phục hồi.

Để quản lý hiệu quả hơn nữa tài nguyên nước, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương đưa ra một số đề xuất, cần xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa tại 11 lưu vực sông có nhiệm vụ cắt, chống lũ mùa lũ và điều tiết, chống mùa hạn; xác định và ban hành danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; xây dựng quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước, qua đó, có thể đánh giá các chỉ số và khả năng phản ứng của nước tại các lưu vực sông, hồ,…

Đồng thời, quy hoạch tài nguyên nước cần chú ý đến khả năng điều tiết, phân phối, khai thác và sử dụng nước, góp phần bảo vệ tài nguyên, phòng ngừa và chống lại các tác hại từ xã hội hoá, công nghiệp hoá gây ra. Bên cạnh đó, các vấn đề cần giải quyết ở từng lưu vực sông và vùng kinh tế nên được xác định rõ cho từng khu vực.

img_0487.jpeg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được những ý kiến thảo luận, trao đổi đến từ các chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều đơn vị chuyên ngành liên quan đến vấn đề về động lực học nước, giải quyết tình trạng ngập lụt trong bối cảnh BĐKH, cùng các phương án ứng phó lũ lớn tại các tỉnh thành, lưu vực sông Hồng,…

Hoài Thu